Chuyện học online thời Covid-19

Ngày 03/01/2022

Phụ huynh, học sinh theo dõi lễ khai giảng qua truyền hình và thực hiện nghi lễ chào cờ.


Trong 2 năm qua, ngành Giáo dục đã phải đối mặt với những hệ quả nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 để lại. Học tập vốn là một quá trình để người học được liên tục tích lũy kiến thức, tuy nhiên trải qua bốn “làn sóng” của đại dịch, việc dạy và học của tất cả các cấp nói chung đã không ít lần bị gián đoạn. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, học online đối với giáo dục tại Việt Nam không còn là giải pháp tình thế mà được đánh giá là một xu hướng tất yếu, lâu dài.

Lễ chào cờ đặc biệt của học sinh trong ngày khai giảng 5/9/2021.

Học online – xu hướng tất yếu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 5/9/2021, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh đã trải nghiệm một lễ khai giảng chưa từng có trong lịch sử ngành Giáo dục – lễ khai giảng thời giãn cách. Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thông báo không tổ chức lễ khai giảng. Từ 12/9, nhiều tỉnh, thành phía Nam tổ chức khai giảng muộn qua hình thức trực tuyến hoặc phát trực tiếp trên sóng truyền hình địa phương.

Để chuẩn bị cho năm học mới được dự báo có nhiều khó khăn và thách thức do dịch Covid-19 gây ra, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo đã chủ động xây dựng các kịch bản để chuyển đổi, thích ứng với dịch bệnh. Các nhà giáo đã say mê, tìm tòi những công nghệ mới, phương pháp mới để những giờ học trực tuyến của mình thêm sinh động, lôi cuốn, thu hẹp khoảng cách về không gian giữa thầy và trò.

Tại TP. Hồ Chí Minh, với hàng nghìn học sinh, giáo viên đang là F0, năm học mới có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thầy và trò các trường đều nỗ lực để bắt đầu những tiết học online đầu tiên của năm học mới. Người khỏe mạnh làm thay công việc của người đang chiến đấu với bệnh tật, người này truyền động lực cho người kia để “giữ lửa” các bục giảng online, để việc học không bị “đứt gãy”.

Đi lượm bảng và phấn trong khu cách ly làm giáo cụ, kê ghế ra ngoài cửa để hứng sóng, đó là những cách mà cô Khúc Hồng Quý, giáo viên Trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh) và nhiều giáo viên của trường đã sử dụng để dạy học trực tuyến (DHTT) trong thời gian phải đi cách ly tập trung phòng dịch. Thầy cô tận dụng mọi cách để duy trì việc dạy và học, bất kể trong hoàn cảnh nào, thiếu thốn ra sao. “Tuy mạng yếu, nhưng tinh thần cao”, cô Quý lạc quan vậy

Học sinh học online phòng, chống dịch Covid-19.

Chia sẻ về khó khăn khi DHTT, thầy Tô Ngọc Sơn, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, Đồng Tháp cho biết, do cha mẹ bận rộn quá nhiều công việc, không có thời gian chăm sóc con, cùng con ngồi học, giúp con tháo gỡ khó khăn. Thêm nữa, cũng không ít gia đình chưa đủ điều kiện để trang bị cho con những phương tiện học tập như: Không sử dụng đường truyền kết nối mạng, không mua sắm nổi máy tính, laptop hay điện thoại thông minh…

Trong khi đó một số giáo viên lớn tuổi ở Hà Nội cũng cho hay, việc DHTT không phải là công việc được thực hiện thường xuyên, nên trong quá trình dạy nhiều khi rất lúng túng. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học ở nhiều giáo viên hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi, cách thức triển khai bài giảng như thế nào để hiệu quả, thu hút sự tập trung, lắng nghe của học sinh cũng là vấn đề khó khăn.

Nhiều giáo viên dạy lớp 1, 2 chia sẻ, DHTT thật sự có quá nhiều áp lực. Áp lực lớn nhất vẫn là băn khoăn, trăn trở của giáo viên làm thế nào để có một bài giảng trực tuyến hay và lôi cuốn. Làm thế nào để tiết học ngày mai các con sẽ thật vui và hiểu bài. Với học sinh lớp 1, 2, các con còn nhỏ, ý thức tự học chưa cao, thao tác sử dụng máy tính chưa thành thạo nên giáo viên và cha mẹ khá vất vả. Riêng việc quản lý học sinh cũng khiến các thầy cô đau đầu.

Nhiều Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi trăn trở: “Chúng tôi không thể triển khai cho các trường DHTT được vì là hầu hết học sinh là con em gia đình khó khăn. Nhà nghèo, không có máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh. Ở nhiều bản, internet chưa có, mạng di động chập chờn”. Khu vực Tây Nguyên học sinh có hoàn cảnh còn khó khăn, ngôn ngữ giao tiếp hạn chế. Hầu hết các gia đình không kết nối mạng internet, cũng không có điện thoại thông minh. Nếu DHTT qua phương tiện truyền thông hiệu quả rất thấp và cũng phải phụ thuộc vào sự ổn định mạng lưới điện quốc gia.

Giáo viên dạy học online.

Giải pháp thích nghi với học trực tuyến

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, không thể mãi coi học trực tuyến là giải pháp tạm thời mùa dịch, mà phải chuyển nó thành xu thế để tìm mọi cách thích nghi, làm cho tốt hơn mỗi ngày. Từ thực tế triển khai qua các đợt dịch trước, các chuyên gia cho rằng, ngành GD&ĐT cần có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, tránh sự thay đổi “cào bằng”. Việc học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước cũng vô cùng cần thiết nhằm hạn chế sự thất thoát, tập trung vào những vấn đề cốt lõi giúp duy trì và nâng cao thế mạnh của việc học trực tuyến, một xu thế không thể bỏ qua trong thời đại công nghệ số.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, liên quan đến việc học và thi trong thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều đại biểu nhấn mạnh Bộ GD&ĐT cần đánh giá hiệu quả hình thức học tập trực tuyến, xác định những vướng mắc, bất cập để giải quyết, phát huy ưu điểm của hình thức này, được xác định không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng tất yếu, lâu dài. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu điều chỉnh chương trình học trực tuyến, tăng thời lượng cho giáo viên và học sinh tương tác, chia sẻ, nâng cao kỹ năng mềm, “cởi bỏ áp lực tâm lý” để việc dạy và học hiệu quả, thực tiễn; nghiên cứu, xây dựng các phần mềm quản lý dạy, học và tổ chức học online phù hợp, hiệu quả, tiên tiến và thân thiện với người dùng; tăng cường tập huấn sử dụng công nghệ thông tin nói chung, phần mềm dạy học nói riêng, để nâng cao chất lượng dạy và học online, ngay cả khi không có đại dịch.

Học sinh học online trong khu cách ly.

Chuyên gia tư vấn giáo dục Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để đảm bảo chất lượng cho việc dạy trực tuyến, trước tiên, kho học liệu của các trường và giáo viên phải đủ, đa dạng và bám sát chương trình sách giáo khoa. Khi kho học liệu phong phú, giáo viên sẽ dễ dàng hơn trong việc thiết kế bài giảng. Bản thân giáo viên cũng phải thay đổi cách tổ chức và phương pháp dạy thông qua việc giảm thời gian thuyết trình bài giảng, tăng việc tương tác, bổ sung thêm hình ảnh trực quan, clip, hỗ trợ học sinh liên hệ thực tế và tóm tắt nội dung trọng tâm trong từng phần.

Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, giáo dục rất cần sự đầu tư của nhà nước và chung tay của toàn xã hội để tháo gỡ cũng như tìm hướng đi hợp lý cho DHTT. Trước hết hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, kinh phí mua phần mềm DHTT và bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên để tổ chức DHTT là những điều kiện bắt buộc không thể thiếu, ngặt một nỗi, các địa phương lại không đáp ứng và vẫn có sự chênh lệch quá lớn.

THANH HÒA