Người thầy cần bổ sung ‘vitamin tri thức thời đại’ để bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu – ThS. Lê Thị Lan Anh
ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em nêu quan điểm, người thầy cần không ngừng bổ sung tri thức, làm chủ công nghệ, cập nhật phương pháp giáo dục mới để không bị… lỗi nhịp.
Chị suy nghĩ như thế nào về vai trò của nhà giáo trong thời đại ngày nay?
Giữa vòng xoáy của kỷ nguyên công nghệ 4.0, mọi thứ đang phát triển, thay đổi với tốc độ chóng mặt; hơn bao giờ hết vai trò của nhà giáo cần gột rửa tư duy cũ, xáo mòn và lạc hậu.
Tự bản thân người thầy cần học hỏi nâng chuẩn bản thân, làm chủ công nghệ, cập nhật xu hướng, phương pháp giáo dục mới của thế giới… không ngừng bổ sung “vitamin tri thức thời đại” cho bộ não của mình.
“Nghề giáo đóng vai trò quan trọng góp phần dẫn dắt, định hướng sự tiến bộ của xã hội”. Đó là câu tôi vẫn thường chia sẻ với các đồng nghiệp của mình.
Sản phẩm của nghề giáo là học trò – là con người. Quan trọng là làm sao để truyền cảm hứng tích cực, truyền động lực mạnh mẽ, truyền đam mê nghiên cứu, nâng cao năng lực học và tự học?
Làm thế nào để truyền cho học trò khát khao khám phá, khát khao chinh phục thế giới rộng lớn, quyết tâm luyện rèn để hội tụ tâm, tầm, tài và khí chất của công dân toàn cầu – là sứ mệnh rất mực cao cả nhưng muôn vàn khó khăn của người thầy.
Bên cạnh đó, người thầy cần gieo được từng hạt mầm thiện lành vào tâm hồn trẻ, nhân lên trong các con tâm bao dung, lòng biết ơn, tự hào dân tộc, sự tử tế trong từng hành động, suy nghĩ – ấy là gốc của đức.
Đến khi trưởng thành, dù làm việc, sinh sống ở bất kỳ đâu trên hành tinh này, các con cũng luôn tự hào là người Việt Nam. Theo tôi, người thầy cần bổ sung “vitamin tri thức thời đại” để bắt kịp xu hướng giáo dục toàn cầu.
Ngày nay, với sự lên ngôi của công nghệ, dường như các giá trị về “lễ” đã có nhiều thay đổi?
Hình thức thể hiện của “lễ” trong thời đại công nghệ có thể thay đổi từ trực tiếp sang gián tiếp; từ sự bó hẹp của tư duy cứng nhắc, khuôn mẫu sang cách thể hiện cởi mở, thân thiện của thời đại.
Nhưng đích đến cuối cùng của “lễ” – xét về mặt nội hàm vẫn đạt đến giá trị tri ân, vẫn hướng đến nguồn cội “ăn quả nhớ người trồng cây”. Điều này thể hiện rất rõ là mỗi dịp 20/11, học trò ở khắp nơi vẫn nhớ về thầy cũ, vẫn rưng rưng khi giai điệu về người thầy vang lên.
“Giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi giáo dục trong gia đình được chú trọng. Giáo dục gia đình là pháo đài, là thành lũy, là bệ phóng góp phần rất lớn cho ước mơ của con bay cao, bay xa. Vì vậy, trong ‘chân kiềng’ nhà trường – gia đình – xã hội, vai trò của giáo dục gia đình là rất quan trọng, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 hiện
Ai trong số chúng ta cũng từng là học trò, bất kể bạn giàu hay nghèo, tỷ phú hay công nhân, mạch nguồn “tôn sư trọng đạo” vẫn âm thầm chảy trong tâm thức. Chúng ta mang trong mình tâm biết ơn đi suốt cuộc đời.
Dùng tâm biết ơn để đối đãi, để hành xử, để đáp đền vạn vật xung quanh. “Lễ” là ở chỗ đó, lặng lẽ không cần khoa trương.
Nhưng văn hóa ứng xử giữa thầy với trò có lẽ vẫn còn là một bài toán?
Văn hóa ứng xử giữa thầy và trò đã, đang và luôn là vấn đề mang tính thời sự. Mỗi giai đoạn lịch sử lại có sự tùy biến cho phù hợp. Trong con mắt của học trò ngày nay thì cách ứng xử xưa có cái gì đó hơi cứng nhắc, khuôn khổ, hà khắc và quá xa cách.
Kỷ nguyên 4.0, tâm lý thế hệ trẻ dường như cởi mở, hiện đại hơn rất nhiều. Các em được tiếp cận công nghệ sớm, chủ động dùng công nghệ để tìm hiểu về thế giới xung quanh, tri thức và sự hiểu biết của các em vì thế rất tốt.
Lối tư duy thoáng, đơn giản, tự tin và thoải mái hơn. Vì thế, cách thể hiện quan điểm, ứng xử cũng không bị “o bế” như trước.
Nghề giáo ngày nay có những khó khăn nhất định. Làm sao để vừa là cha là mẹ, vừa là bạn với trò. Làm sao để ranh giới thầy – trò không mất đi lễ nghĩa, nhưng lại thật nhẹ nhàng, thoải mái để tạo không khí học tập thân gần với trò. Văn hóa ứng xử phải có sự uyển chuyển, linh hoạt, vừa vẹn tròn chữ đạo, lại vừa phải mang hơi thở của thời đại.
Từ trải nghiệm của bản thân, chị nhận định thế nào về vai trò của giáo dục gia đình trong “chân kiềng” giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội ?
Gia đình là môi trường đầu tiên, là thiết chế quan trọng bậc nhất, là nền tảng vững chắc cho sự hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, đạo đức của mỗi người. Trong đó, cha mẹ không chỉ sinh ra, mà còn là người thầy đầu tiên ươm mầm lối sống, định hướng tư duy, hun đúc phẩm giá, cốt cách, khát vọng của con. Nói đúng hơn, cha mẹ là người bạn lớn đồng hành cùng con suốt cuộc đời.
Ai trong số chúng ta cũng từng là học trò, bất kể bạn giàu hay nghèo, tỷ phú hay công nhân, mạch nguồn ‘tôn sư trọng đạo’ vẫn âm thầm chảy trong tâm thức. Chúng ta mang trong mình tâm biết ơn đi suốt cuộc đời. Dùng tâm biết ơn để đối đãi, để hành xử, để đáp đền vạn vật xung quanh. Lễ là ở chỗ đó, lặng lẽ không cần khoa trương”.
Giáo dục trong nhà trường, ngoài xã hội sẽ phát huy hiệu quả cao nhất khi giáo dục trong gia đình được chú trọng.
Giáo dục gia đình là pháo đài, là thành lũy, là bệ phóng góp phần rất lớn cho ước mơ của con bay cao, bay xa. Vì vậy, trong “chân kiềng” nhà trường – gia đình – xã hội, vai trò của giáo dục gia đình là rất quan trọng, đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0 hiện tại.
Thời kỷ nguyên số nhưng không gì có thể thay thế vị trí của người thầy?
Tôi khá tâm đắc với câu nói nổi tiếng của triết gia Socrates: “Giáo dục là thắp sáng chứ không phải lấp đầy một bụng tri thức”. Thời nào cũng vậy, không có bất kỳ loại máy móc thiết bị nào thay thế được vị trí của người thầy. Công nghệ hiện đại đóng vai trò bổ trợ rất tốt cho thầy cô trong công tác giảng dạy, cập nhật nội dung phong phú, nhiều công đoạn được số hóa.
Nhưng, giá trị quan trọng nhất của người thầy đó là: truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa khát khao học tập; dung dưỡng tâm hồn, đạo đức, lối sống, tâm biết ơn…. Những điều này không có bất kỳ thứ máy móc nào thay thế được. ( theo Báo điện tử Quốc tế)
Ban TT& SV