Tín hiệu tích cực kỳ tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên đại học, cao đẳng năm 2021
Năm 2021, nhóm ngành đào tạo giáo viên có số lượng lớn thí sinh đăng ký nguyện vọng. Trong ảnh: Sinh viên sư phạm thực hành tại Trường quay thực tế ảo của Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), tháng 4-2021.
Dấu ấn, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực của nhóm ngành đào tạo giáo viên đại học, cao đẳng 2021. Đây là nhóm ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký cao, điểm sàn xét tuyển tăng… Sự quan tâm đầu tư và những chính sách ưu đãi đối với sinh viên sư phạm của Nhà nước đã làm tăng sức hút cho các cơ sở đào tạo giáo viên, góp phần tạo chuyển biến về quy mô, chất lượng.
Có nhiều khởi sắc
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, nhóm ngành đào tạo giáo viên nằm trong nhóm ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao (xếp thứ 11 trong tổng số 25 nhóm ngành). Không chỉ thu hút sự quan tâm của thí sinh, nhóm ngành này còn có sự khởi sắc rõ rệt khi điểm sàn xét tuyển vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ đại học năm nay là 19,0 điểm (tổ hợp 3 bài thi), cao hơn 0,5 điểm so với năm 2020.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm của trường năm nay tăng 2,5 lần so với năm trước. Điểm chuẩn vào các ngành Sư phạm của trường cũng tăng, tạo điều kiện để nhà trường nâng cao chất lượng nguồn tuyển.
Quy mô tuyển sinh các ngành Sư phạm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng liên tục phát triển. “Năm 2021, có 7.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành Sư phạm của trường, nhiều hơn 2.000 nguyện vọng so với năm 2020 và nhiều hơn 3.000 nguyện vọng so với năm 2019.
Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng, tạo điều kiện cho nhà trường có nhiều cơ hội tuyển chọn, chất lượng đầu vào của sinh viên ngành Sư phạm cũng tăng lên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thông tin.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đoàn Minh Châu, năm 2021, học sinh của trường đã đăng ký hơn 120 nguyện vọng vào các ngành Sư phạm, tăng 15% so với năm 2020. Trong khi đó, bà Trần Minh An, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho hay: “Năm tới, con tôi dự định đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, song tôi lo sự cạnh tranh sẽ rất lớn vì ngày càng có nhiều thí sinh quan tâm đến ngành học này”.
Nỗ lực nâng chất lượng
Cả nước hiện có 56 cơ sở đào tạo nhóm ngành Sư phạm, với tổng quy mô hơn 52.000 sinh viên. Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao là minh chứng thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều của người học đối với ngành đào tạo sư phạm. Đây là cơ hội để các cơ sở đào tạo có thêm nhiều lựa chọn, song cũng đặt ra những đòi hỏi cao hơn trong việc cải thiện chất lượng đào tạo, nhằm thu hút thí sinh một cách bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, một trong những giải pháp cần tiếp tục phát huy, cũng nhằm tạo động lực, tác động mạnh tới sự lựa chọn của nhiều thí sinh là thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 “Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”. Theo đó, từ năm 2021, ngoài việc được miễn học phí, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng… Đây là sự đầu tư không nhỏ, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành Sư phạm. Về lâu dài, để khuyến khích người học có tài năng lựa chọn ngành Sư phạm và nâng chất lượng đào tạo, chính các cơ sở đào tạo cần chuyển động mạnh mẽ.
Với quy mô tuyển sinh lớn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội luôn có nhiều giải pháp cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục phổ thông, nhất là từ khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm đào tạo của trường là luôn phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, nhà trường đã và đang tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển từ truyền đạt một chiều, ít phản biện sang cách dạy học có tương tác, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia tích cực của người học.
Còn theo Tiến sĩ Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, cùng với việc xây dựng một số chương trình đào tạo mới, nhằm cung cấp cho các địa phương đội ngũ giáo viên giảng dạy những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường dự kiến mở thêm các ngành đào tạo tích hợp, như: Khoa học tự nhiên và lịch sử – địa lý…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề nghị, các đơn vị, địa phương phối hợp đồng bộ để vận hành trơn tru, cân đối giữa “cung” và “cầu”, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người học. Để tạo sự phát triển toàn diện, vững chắc và chất lượng của cả hệ thống, Bộ đang xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
“Bộ cũng sẽ có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể việc đào tạo sinh viên sư phạm được thực hiện dựa trên cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm của các địa phương với cơ sở đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ…”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Ban TT& SV