Giáo dục đại học: Viễn cảnh cho thập kỷ tới
Ngày 20/08/2021
Các học giả xem xét thực tại và bàn luận về viễn cảnh giáo dục đại học trên phạm vi toàn cầu trong thập kỷ tới theo các quan điểm và góc nhìn bao quát từ các quốc gia khác nhau.
Khủng hoảng nhân sự học thuật
Nelly Stromquist (giáo sư về Chương trình chính sách giáo dục quốc tế, Trường Giáo dục, thuộc Đại học Maryland, Mỹ) cho rằng các trường đại học và các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân sự học thuật. Trong đó, hai thách thức lớn nhất đến từ những cách thức đo lường và đánh giá hiệu suất nghiên cứu mới và sự gia tăng các phong trào của đội ngũ giảng viên ký hợp đồng ngắn hạn, không trong biên chế (contingent faculty).
Đo lường và đánh giá hiệu suất của nhà nghiên cứu vốn luôn được coi là một thách thức từ 15 năm trước. Và nó ngày càng trở nên có vấn đề khi sự xuất hiện của dữ liệu lớn (big data) và các hệ thống kiểm định của các công ty độc lập đã tước công việc đánh giá học thuật ra khỏi tay cộng đồng học thuật, đặt các nhà nghiên cứu, các trường đại học và các quốc gia vào vị thế cạnh tranh lẫn nhau.
Bên cạnh đó, đội ngũ ký hợp đồng ngắn hạn trước kia vốn không được chú ý, giờ đây đang liên kết với nhau tạo thành những liên đoàn lao động để bảo vệ quyền lợi của họ. Cùng với những doanh nghiệp độc lập sở hữu các công cụ đánh giá hiệu suất nghiên cứu được nhắc đến ở trên, những liên đoàn này tạo thành các lực lượng bên ngoài làm suy yếu quyền lực của các giảng viên biên chế trong trường đại học.
Nhìn chung, những xu hướng này đang khiến các học giả ngày càng bị chi phối, kiểm soát bởi các thực thể bên ngoài, chạy theo lợi ích cá nhân hẹp hòi, dẫn tới suy yếu các giá trị học thuật, tổ chức học thuật và việc theo đuổi lợi ích chung, vốn là những giá trị cốt lõi của giáo dục đại học.
Bất bình đẳng giới
Ngay từ thời gian đầu thành lập, Liên minh châu Âu đã luôn đặt bình đẳng giới là mục tiêu hàng đầu và đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây. Tuy vậy, sau hàng thập kỷ thực hiện các khung pháp lý và kế hoạch hành động về bình đẳng giới và cải thiện vai trò của phụ nữ trong các tổ chức giáo dục đại học, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào khoa học ở trình độ sau đại học và giáo sư vẫn rất thấp.
Ngoại trừ lĩnh vực giáo dục có tỉ lệ cao (trên 50%) phụ nữ đạt trình độ tiến sĩ, còn các ngành nghề khác thì con số này luôn dưới 30%. Tỷ lệ các nhà nghiên cứu là nữ trung bình chiếm 1/3 trong giới nghiên cứu ở châu Âu. Tuổi đời của các nhà nghiên cứu nữ thường trẻ, dưới 35 tuổi hoặc trong độ tuổi 35-44. Các nhà nghiên cứu nữ tập trung nhiều hơn ở các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nhìn toàn thể thì chỉ có 25% phụ nữ trong số các vị trí cao nhất và 33% trong số các vị trí được tuyển dụng – theo Heather Eggins (giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Giáo dục, Đại học Staffordshire, Vương quốc Anh) và Elisabeth Lillie (giáo sư danh dự tại Khoa Dạy và Học Ngôn ngữ, Đại học Ulster, Ireland).
Chú trọng hơn giáo dục dạy nghề
Một trong số tiến bộ đã đạt được lĩnh vực giáo dục đại học những năm gần đây phải kể đến những nỗ lực liên quan tới nâng cao khả năng tiếp cận và thu hẹp bất bình đẳng. Tuyển sinh đại học toàn diện (đánh giá toàn thể đặc điểm của một cá nhân và xem xét các cơ hội phù hợp với họ) ban đầu chỉ được áp dụng ở một số quốc gia/vùng lãnh thổ – cụ thể là Mỹ và Hong Kong – đang dần trở thành một xu hướng toàn cầu. Tuy vậy, khi xem xét phương thức tuyển sinh này ở nhiều quốc gia trên thế giới, Michael Bastedo (Giáo sư, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục sau trung học và đại học, Đại học Michigan, Mỹ) lập luận rằng không có sự thống nhất về phương pháp này giữa các quốc gia, và nó dường như chỉ có thể áp dụng tử tế ở các trường tinh hoa có hoàn toàn quyền tự chủ trong việc tuyển sinh. Nhiều bê bối đã xảy ra ở một số quốc gia khi cố gắng áp dụng hình thức này, nhưng có vẻ như nó vẫn đang được đặt làm trọng tâm phát triển của việc tuyển sinh đại học trong tương lai.
Elizabeth Balbachevsky (giáo sư Khoa Khoa học Chính trị, Đại học São Paulo, Brazil) thì tin rằng cần phải chú trọng hơn giáo dục dạy nghề. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, xu hướng tập trung quá nhiều vào các chính sách khuyến khích người trẻ đi theo lộ trình học đại học thực ra đang không có hiệu quả như kỳ vọng khi nhu cầu cho các vị trí nghiên cứu kỹ năng cao là không lớn. Bên cạnh đó, các chính sách này khiến giáo dục dạy nghề bị coi nhẹ, tạo ra một hình ảnh tiêu cực về các học sinh đi theo con đường học nghề. Các nước đang phát triển đứng trước rủi ro tạo ra nhiều rào cản đối với các cơ hội giáo dục khi các chính sách của họ xem thường, bỏ qua giá trị của hướng đào tạo nghề trong các chính sách mở rộng sự tham gia vào giáo dục.
“Đại chúng hóa” giáo dục đại học
Khi nói đến quản trị và vai trò của giáo dục đại học trong xã hội, Patrick Clancy (Giáo sư Khoa Xã hội học, Trường Đại học Dublin, Đức) chỉ ra rằng các chính sách xuyên quốc gia do Liên minh châu Âu và OECD cung cấp đã dẫn đến sự hội tụ chính sách giữa các quốc gia châu Âu, nhưng kết quả đạt được không tương đồng giữa các nước do sự khác biệt về tốc độ và mô hình quản trị đại học. Hai thách thức đang ở phía trước: sự khác biệt hơn nữa về chính sách và sự thiếu hụt các giải pháp thay thế hoạt động cho các mô hình quản trị tân tự do với tác động tiêu cực của chúng, đặc biệt là đối với hiệu suất nghiên cứu.
Anna Smolentseva (Tiến sĩ Giáo dục thuộc Trường Đại học Kinh tế, Nga) và các đồng nghiệp tập trung vào phân tích một hiện tượng gọi là xã hội có sự tham gia vào giáo dục đại học cao (high participation society), với một số nước phát triển có gần hoặc hơn 50% số dân ở độ tuổi lao động có bằng đại học. Các nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng có vẻ “đại chúng hóa” này thực ra lại đang dẫn tới một sự phân tầng xã hội nghiêm trọng hơn, khi nhóm có tham gia vào giáo dục đại học tạo thành một cấu trúc xã hội được định hình bởi những mối quan hệ và giá trị của việc có bằng đại học, khiến cho nhóm không có bằng đại học khó tham gia vào hơn. Bên cạnh đó, cơ hội học đại học tạo ra những cá nhân tự chủ hơn. Hiểu được những giá trị của sự tự do được trải nghiệm trong môi trường đại học, nhóm này sẽ tìm kiếm những công việc thu nhập thấp hơn và địa vị thấp hơn nhưng bù lại có được sự tự do cá nhân. Smolentseva gợi ý rằng chúng ta cần suy nghĩ lại về mục đích của giáo dục đại học và các mối quan hệ giữa giáo dục đại học và thế giới việc làm.
Cũng trong xu hướng này, Sarah Guri-Rosenblit (Phó chủ tịch Hội đồng khoa học, Trường Đại học Mở Israel) nêu bật những thách thức hơn nữa trong việc hài hòa hệ thống giáo dục đại học quốc gia với sự phân hóa ngày càng tăng trong hệ thống.
Trong khi đó, Chika Trevor Sehoole và Olaide Agbaje (chuyên gia giáo dục thuộc Trường Đại học Nairobi, Kenya) cho rằng giáo dục đại học phải đối mặt với thách thức của việc cân bằng tham vọng trở thành đẳng cấp thế giới về đầu ra nghiên cứu, đồng thời phục vụ nhu cầu địa phương bằng việc góp phần khắc phục sự bất bình đẳng và bất công trong quá khứ.
Các tác giả cũng đưa khái niệm về các trường đại học như là các tổ chức tham gia giữ một vai trò chuyển đổi trong xã hội.
Quốc tế hoá giáo dục đại học ngày càng quan trọng
Theo nhận định của Hans de Wit và Philip Altbach (cả 2 đều là giáo sư tại Trung tâm Giáo dục đại học quốc tế thuộc trường Đại học Boston, Mỹ), nền kinh tế tri thức toàn cầu đã biến giáo dục đại học và nghiên cứu trở thành một yếu tố chủ chốt trong địa hạt kinh tế, khiến khía cạnh quốc tế hóa của giáo dục đại học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Quá trình quốc tế hóa trong 30 năm vừa rồi có các đặc điểm chủ đạo là: phụ thuộc vào các nỗ lực riêng lẻ, không thống nhất của các cơ sở giáo dục đại học thay vì các chính sách tổng thể của quốc gia; mới chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ; bị thương mại hóa quá nhiều với sự tham gia của các công ty vì lợi nhuận. Nhiều giá trị truyền thống gắn liền với sự hợp tác đang bị đe dọa khi các bảng xếp hạng quốc tế cùng sự cạnh tranh tài trợ, tìm kiếm nhân tài và thi đua về số lượng nghiên cứu đã đẩy các trường đại học vào xu thế cạnh tranh. Không những vậy, các phong trào dân tộc chủ nghĩa chống quốc tế, chống nhập cư, chống hội nhập đang nhen nhóm khắp nơi trên thế giới đang tạo ra vô số thách thức lớn cho quá trình này.
Hai tác giả đã đưa ra một số gợi ý về các hành động cần thiết để thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học theo chiều hướng tích cực hơn bao gồm: khuyến khích học tập toàn cầu cho tất cả mọi người; chú trọng hơn tới quốc tế hóa giáo dục tại chính đất nước của mình như quốc tế hóa chương trình học, nâng cao giáo dục ngoại ngữ; tích hợp các phương diện quốc tế, khu vực, quốc gia và địa phương vào chương trình học; đa dạng hóa nhóm sinh viên quốc tế, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của các nhóm yếu thế; tìm kiếm một tiếp cận toàn diện hơn cho cái gọi là “quốc tế hóa”; và cuối cùng là giảm thiểu sự thương mại hóa quá trình này.
Bài viết tổng hợp một số điểm quan trọng trong cuốn “Giáo dục đại học trong thập kỷ tiếp theo: Thách thức toàn cầu, triển vọng tương lai” – tập 50 của loạt ấn phẩm “Viễn cảnh toàn cầu về giáo dục đại học” do Brill / Sense, Leiden xuất bản.