Nhiều trường đại học phải hoạt động cầm chừng vì khuyết hiệu trưởng
Hiện nay, nhiều trường đại học không có hiệu trưởng chính thức trong suốt một thời gian dài, chỉ có Quyền hiệu trưởng và phó hiệu trưởng phụ trách.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khó khăn trong công tác bổ nhiệm những nhân sự chủ chốt của trường đại học là do còn tồn tại cơ chế xin-cho.
Cần phải trao quyền tự chủ cho các trường, Hội đồng trường phải được quyền quyết định, nếu thiếu nhân sự, Hội đồng trường phải được đứng ra tuyển dụng, bổ nhiệm.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: “Ở các quốc gia tiên tiến, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định. Ví dụ như nước Úc, Hội đồng trường sẽ thông báo tuyển dụng vị trí Hiệu trưởng, những người có đủ năng lực, dù ở những đơn vị khác nhau vẫn hoàn toàn được ứng tuyển. Hội đồng trưởng phỏng vấn, xem xét đánh giá và quyết định tuyển dụng.
Ở nước ta, khó khăn trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng là do luật còn chồng chéo nhau, các trường vừa thực hiện theo Luật 34/2018/QH14, vừa phải thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.
Nghị định 115/2020/NĐ-CP là áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập, nhưng không phải tất cả những đơn vị này đều được tự chủ.
Phải có một nghị định riêng cho các trường đại học trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Phải trao quyền cho Hội đồng trường, xóa bỏ cơ chế xin-cho, phải bổ khuyết cho đủ các vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trong các trường, đảm bảo cho bộ máy trường đại học hoạt động tốt nhất”.
Về vấn đề này Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Một khi khuyết vị trí hiệu trưởng thì ảnh hưởng rất lớn đến công việc hằng ngày của trường đại học, các trường chỉ có thể hoạt động “cầm chừng” và đặc biệt là rất khó để triển khai những kế hoạch chiến lược phát triển lâu dài.
Hiệu trưởng trong trường đại học được ví như CEO của một công ty, nắm giữ vai trò là đại diện pháp luật và chủ tài khoản. Nếu thiếu vị trí này, những công việc hằng ngày của nhà trường vẫn được vận hành. Tuy nhiên, về lâu dài, sự phát triển của một cơ sở giáo dục đại học chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, những chiến lược, kế hoạch dài hơi trong 1 năm, 3 năm hay 5 năm sẽ khó có thể triển khai được. Chính điều này tác động trực tiếp đến sự phát triển của trường”.
Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều trường đại học chưa thể tiến hành bổ nhiệm hiệu trưởng.
Thứ nhất, muốn bổ nhiệm hiệu trưởng thì các trường đại học phải thành lập và kiện toàn Hội đồng trường theo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14). Tuy nhiên, nhiều trường đại học hiện nay chưa thực hiện được việc thành lập Hội đồng trường, vì thế hoạt động bổ nhiệm Hiệu trưởng không thể thực hiện được.
Thứ hai, ngay cả với những trường đã hoàn thành việc thành lập Hội đồng trường thì hoạt động bổ nhiệm hiệu trưởng vẫn gặp phải những rào cản, vướng mắc từ công tác bổ nhiệm cán bộ và công tác quy hoạch cán bộ.
“Những quy định trong công tác bổ nhiệm cán bộ còn chồng chéo dẫn tới có độ vênh về cách hiểu, cách vận dụng luật và gây khó khăn trong quá trình triển khai bổ nhiệm các vị trí trong trường đại học.
Ví dụ, Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nhưng lại không chú ý tới vai trò của Hội đồng trường, bởi lẽ Nghị định 115/2020/NĐ-CP không dành cho tự chủ đại học mà được áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, các bên liên quan hiểu về Nghị định 115 cũng không giống nhau.
Thế nên, dù các trường đại học đã triển khai công tác bổ nhiệm theo quy định trong Nghị định 115/2020/NĐ-CP để bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng vẫn không thực hiện được”, Giáo sư Trần Diệp Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, có một khó khăn đối với các trường là do trong công tác quy hoạch cán bộ chưa đảm bảo được, còn thiếu nhân sự hoặc nhân sự chưa đáp ứng được điều kiện để bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Có những trường hợp nằm trong quy hoạch cán bộ nhưng không đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn cho vị trí cần bổ nhiệm.
Thứ ba, vấn đề khuyết hiệu trưởng còn do quá trình thực hiện tự chủ đại học không có một thời gian quá độ để cho các trường kịp thời từng bước kiện toàn bộ máy nhân sự của trường. Dù Hội đồng trường đã được thành lập nhưng quá trình chuyển đổi diễn ra quá nhanh, khi thực hiện luân chuyển vị trí, có những vị trí bị bỏ trống và ảnh hưởng tới công tác bổ nhiệm.
Theo giáo sư Trần Diệp Tuấn, những khó khăn trong câu chuyện về bổ nhiệm hiệu trưởng, bổ nhiệm cán bộ ở các trường đại học là một trong những minh chứng rõ nét nhất về bức tranh tự chủ đại học hiện nay.
Việc kiện toàn bộ máy nhân sự chỉ là một khía cạnh của tự chủ. Muốn thực hiện tự chủ đại học thì các trường phải thực sự có quyền tự quyết chứ không thể có những ràng buộc, khó khăn như hiện nay.
Tự chủ luôn đi cùng với trách nhiệm giải trình, tự chủ được thể hiện ở mọi phương diện, từ học thuật, tài chính tài sản hay đến công tác tổ chức nhân sự, có như thế mới phát huy được vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Hệ thống văn bản pháp lý chồng chéo và sự hiểu về các văn bản chưa giống nhau, chưa có sự nhất quán nên chúng ta không tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay đối với hoạt động của Hội đồng trường nói riêng và của các cơ sở giáo dục đại học nói chung.
Đối với các cơ quan quản lý trực tiếp, có một số cơ quan đã thoáng hơn trong vai trò quản lý, nhưng vẫn còn nhiều cơ quan giữ quyền ảnh hưởng đối với các cơ sở giáo dục đại học. Liên quan đến các luật, phải có sự tham gia tham mưu của các bộ, cục và những quy định pháp lý hiện nay vẫn còn chồng chéo, chưa nhất quán, chưa thể hiện rõ vai trò của Hội đồng trường. Do đó, các trường đại học chưa có được tự chủ thực sự.
Chính vì vậy, Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho rằng, Chính phủ cần phải ban hành một Nghị định riêng để giải quyết được những vướng mắc còn tồn tại, làm sao để các trường phát huy được vai trò của Hội đồng trường về tự chủ đại học, về công tác tổ chức nhân sự, về tài chính cũng như học thuật.
Nhận xét và khẳng định: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Luật 34/2018/QH14 đã quy định trao quyền bổ nhiệm hiệu phó cho Hội đồng trường, hiệu trưởng cũng phải do Hội đồng trường biểu quyết. Tuy nhiên, vị trí hiệu trưởng vẫn cần phải được cơ quan quản lý trực tiếp công nhận.
Trong khi đó, quy trình để công nhận của cơ quan quản lý trực tiếp cũng trải qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian. Nếu không được thông qua, thì các trường vẫn phải chịu khuyết vị trí này.
Khuyết hiệu trưởng ảnh hưởng rất lớn đến công việc, hoạt động của các trường đại học. Nhất là trong bối cảnh thực hiện tự chủ hiện nay, các trường phải đảm bảo được đời sống của cán bộ giảng viên, nhân viên nhà trường, xây dựng và nâng tầm thương hiệu của trường, nếu không có những người đứng đầu thì mọi hoạt động của trường không thể thực hiện tốt được, đặc biệt là trong giai đoạn tuyển sinh này.
“Thực tế, hầu hết các trường đã có bộ máy Hội đồng trường chặt chẽ, thành viên Hội đồng trường đã được toàn bộ cán bộ, viên chức của trường đứng ra bầu cử. Vậy tại sao không tin tưởng và giao nhiệm vụ cho họ, vì sao cơ quan quản lý trực tiếp vẫn can thiệp, nhà trường vẫn phải thực hiện trình duyệt và cơ chế vô cùng khó khăn.
Cơ quan quản lý trực tiếp đang lơ là trong chuyện này, họ phải biết quyết định của họ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo, thương hiệu của các trường đại học, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm cán bộ giảng viên trong trường”, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng khẳng định.(giaoduc.net)
Ban TT&SV