Thực tiễn vướng kẹt trong quan hệ Hội đồng trường, Bộ chủ quản, Ban giám hiệu và quản lý chuyên ngành …
- Giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, Hội đồng trường chưa thể hoạt động đúng nghĩa là đại diện chủ sở hữu nếu không được phân định rõ quyền hạn, không có quyền tự quyết.
Rất cần cơ chế phân định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp) và các cơ quản lý nhà nước chuyên ngành với Hội đồng trường. Bởi còn mập mờ giữa quyền chủ quản với quyền tự chủ của Hội đồng trường … dẫn đến vẫn đang can thiệp trực tiếp, can thiệp sâu vào những việc mà đáng ra Hội đồng trường phải được quyền quyết định.
Mối quan hệ rối rắm việc tuyển dụng, đánh giá nhân sự một trường đại học có quản lý chuyên ngành – trong và cả “ngoài ngành”
Ví dụ, một trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến tuyển dụng nhân sự, đánh giá nhân sự vẫn phải chịu sự can thiệp của Bộ Nội vụ. Luật đã trao quyền tự chủ cho các trường đại học nhưng việc tuyển dụng, đánh giá nhân sự, Hội đồng trường vẫn phải tuân theo Thông tư, Quy định Bộ Nội vụ ban hành thì không còn là tự chủ. Đây là sự chồng chéo, thiếu rõ ràng, nhất quán về hệ thống văn bản pháp lý cũng đang gây khó khăn cho hoạt động của Hội đồng trường.
Một ví dụ nữa về bổ nhiệm của Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thời gian vừa qua, nhà trường đã thực hiện đúng với Luật 34/2018/QH14, Nghị định 99/2019/NĐ-CP về tự chủ đại học nhưng lại không đúng với Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp hành chính công lập. Như vậy còn đâu là còn đâu quyền tự quyết của trường đại học”, Giáo sư Hoàng Văn Cường khẳng định.
Mối quan hệ Hội đồng trường với nội bộ là Ban giám hiệu.
Hội đồng trường là cơ quan đưa ra phương hướng, đặt ra các nhiệm vụ mục tiêu phải thực hiện, kiểm tra, giám sát các hoạt động của trường và Ban giám hiệu là cơ quan thực thi. Vậy mà trong nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học thì nhận thức này chưa rõ ràng.
Ví dụ Nghị định 99 có quy định “Ban giám hiệu báo cáo với Hội đồng trường về phương hướng tuyển sinh, song không có quy định phương hướng tuyển sinh là gì”. Trong khi đó, phương hướng tuyển sinh không phải là yếu tố quan trọng mà phải là đề án tuyển sinh.
Đề án tuyển sinh, những vấn đề quan trọng nhất như tuyển sinh như thế nào, chỉ tiêu tuyển từng ngành bao nhiêu, cách thức tính toán các tiêu chí tuyển sinh ra sao thì Hội đồng trường lại không được quyết định. Như vậy, Hội đồng trường vẫn chưa có thực quyền.
Một ví dụ nữa, Cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, Vậy nhiệm vụ quản lý nhà nước đó là gì? Quản lý nhà nước không phải là anh đưa ra các quy định, đặt ra các quy trình bước 1, bước 2, bước 3 và bắt nhà trường phải làm theo. Vai trò quản lý nhà nước là kiểm tra, giám sát xem nhà trường có thực hiện đúng luật không, có công khai, minh bạch theo những công bố đã nêu ra và có thực hiện trách nhiệm giải trình được không? Ví dụ khi một trường công bố công khai đề án tuyển sinh nhưng thực hiện không đúng như đề án đó thì vai trò quản lý nhà nước là giám sát, kiểm tra hoạt động này. Khác với việc can thiệp vào những công việc điều hành của nhà trường.
Giáo sư Hoàng Văn Cường cho rằng, Hội đồng trường chưa thể hoạt động đúng nghĩa là đại diện chủ sở hữu nếu không được phân định rõ quyền hạn, không có quyền tự quyết. Chính vì vậy, cần phải trao quyền quyết định của cơ quan chủ quản và quyền quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước cho Hội đồng trường.
Ban TT – SV