Đảm bảo quyền lợi xét tuyển đại học đối với thí sinh đặc cách tốt nghiệp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Ngày 29/7, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2021 với các trường đại học phía Nam và 2 Đại học Quốc gia. Tại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã bàn bạc, thống nhất lịch tuyển sinh điều chỉnh và việc xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm cho thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập tới một số công việc cần làm trong thời gian tới trong công tác tuyển sinh, đó là tập trung hoàn thiện kế hoạch xét tuyển, lịch tuyển sinh điều chỉnh và phương án xét tuyển cho thí sinh đặc cách.
Công tác xét tuyển chung dựa trên kết quả của 2 đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông đòi hỏi phải có kế hoạch và lịch tuyển sinh điều chỉnh, vừa đảm bảo quyền lợi thí sinh, vừa không quá muộn, ảnh hưởng tới kế hoạch tổ chức tuyển sinh, nhập học, kế hoạch năm học mới của cơ sở đào tạo.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/8. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2. Hiện dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Trong số đó, bên cạnh những em xét tuyển bằng các phương thức khác, còn nhiều em chưa có căn cứ điểm để xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm.
“Số lượng thí sinh đặc cách có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm có thể lên tới hàng chục ngàn. Dù chỉ là 10 em hay 20 em, chúng ta cũng phải có phương án chủ động để đảm bảo quyền lợi cho các em”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị các trường phát huy tự chủ trong tuyển sinh, nhưng cần có phương án chung trên toàn hệ thống, có thể dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do 2 Đại học Quốc gia tổ chức, hoặc dựa trên xét tuyển học bạ.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường để lại chỉ tiêu sao cho công bằng, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đặc cách vừa đảm bảo công bằng cho thí sinh tham gia xét tuyển chung tới đây. Đặc biệt, phải tính toán phù hợp với tỷ lệ thí sinh đặc cách và vùng tuyển chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học.
Những đề xuất về phương thức và chỉ tiêu xét tuyển
Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Phạm Như Nghệ cho biết, năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh lịch tuyển sinh để xét tuyển chung 1 đợt sau 2 đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tạo điều kiện thuận lợi và được các trường đại học ủng hộ. Năm nay, Vụ giáo dục đại học tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ, điều chỉnh lịch tuyển sinh và xét tuyển chung 1 đợt sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 2.
Nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thí sinh đặc cách có thể được xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm, Bộ đã có văn bản và trao đổi trực tiếp, đề nghị hai Đại học Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho các đối tượng này. Các cơ sở có thể căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực, học bạ hoặc phương thức khác để xét tuyển, đảm bảo công bằng, khách quan. Phương thức xét tuyển hoàn toàn do các cơ sở giáo dục đại học quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo. Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Sau đợt 2 thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp.
Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ giáo dục đại học tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định. Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định. Đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.
Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.
Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.
Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, Vụ giáo dục đại học đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này. Việc xét tuyển phải được thực hiện các bước theo đúng quy định. Trong trường hợp các đợt xét tuyển có cùng phương thức xét tuyển, cùng tiêu chí xét tuyển thì điều kiện trúng tuyển vào trường là phải như nhau.
Cơ sở giáo dục đại học sẵn sàng phối hợp
Thống nhất với phương án của Bộ, Phó giáo sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Ở đợt thi thứ nhất, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 69.000 thí sinh dự thi. Số thí sinh dự thi đợt 2 khoảng 26.000 em, dự kiến tổ chức tại 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa và Thành phố Đà Nẵng. “Chúng tôi quyết tâm tổ chức khi dịch bệnh được kiểm soát và sẽ có phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh”, Phó giáo sư Nguyễn Minh Tâm đề xuất.
Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Giáo sư Hà Thanh Toàn cho biết, vùng tuyển sinh của trường chủ yếu là thí sinh các tỉnh phía Nam. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh thi đợt 2 và những thí sinh thuộc diện đặc cách, trường sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh, đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sang phương thức xét tuyển học bạ.
Giáo sư Hà Thanh Toàn đề nghị Bộ cho phép nhà trường tăng chỉ tiêu năm 2021 khoảng 5%, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong xét tuyển.
Đánh giá cao sự sẵn sàng hỗ trợ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường sẽ tính toán để dành chỉ tiêu riêng cho những thí sinh thuộc diện đặc cách.
Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi đánh giá năng lực, Bộ sẽ phối hợp với 2 Đại học Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh.
Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với 2 Đại học Quốc gia để có dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung. Thứ trưởng lưu ý, các trường cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực; đồng thời, tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi này để chủ động trong phương án xét tuyển cho các em.
Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thoả đáng, phù hợp thực tiễn.
Ban TT& SV