Rút ngắn khoảng cách trong 300 – 500 Đại học top thế giới, Hai đại học Quốc gia cần tăng tốc “ đổi mới cấu trúc hệ thống hợp lý, hiệu quả”

Ngày 02/07/2021


Chuyên gia giáo dục Tiến sỹ Trần Đức Cảnh cho rằng, sau gần 30 năm phát triển đại học quốc gia tại Việt Nam, chừng đó thời gian đủ để đánh giá mô hình của 2 đại học quốc gia, các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, và vai trò có còn phù hợp trong điều kiện mới hay không?

Hiện nay 2 đại học quốc gia được xếp hạng trong top 800 các trường đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên nếu khắc phục được những “nhược điểm tồn tại”  và tập hợp được “nguồn lực” thì dự báo trong vòng 10 năm tới, tôi tin là 1 trong 2, hay cả 2 trường sẽ lọt top 500 trường hàng đầu thế giới, trong vòng 20-25 năm tới sẽ lọt top 300.

Chuyên gia Giáo dục, Tiến sỹ Trần Đức Cảnh

Nhược điểm:
Cạnh tranh nguồn tuyển với chính các trường thành viên
trong nội bộ Đại học Quốc gia do khuynh hướng đa ngành và không tận dụng được hết nguồn lực lớn của đại học quốc gia.

So sánh mô hình tầm quốc gia với các nước hiện nay

Đại học quốc gia của ta nhiều khác biệt trong điều hành quản lý và điều phối nguồn lực so với đại học quốc gia các nước; ở các nước mỗi trường thành viên là một chuyên ngành rộng, có nhiệm vụ đào tạo ở một lĩnh vực dưới sự điều phối, phân chia trách nhiệm và nguồn lực.

Một góc khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Một trường thành viên có thể đào tạo hệ cử nhân cho toàn trường hay ít nhất phần đại cương, quan trọng là họ kết nối và tận dụng nguồn lực giảng dạy của hệ thống, sinh viên đại học có cơ hội học hay tiếp cận các giáo sư hay giảng viên đầu ngành và nguồn lực của đại học từ cơ sở vật chất đến học thuật.. Ví dụ giảng viên khoa Ngoại ngữ, Toán, Lý hay Ngữ văn có thể dạy cho sinh viên toàn đại học quốc gia…

Nặng về quản lý hành chính

Hiện nay vai trò của đại học quốc gia nặng về quản lý hành chính đối với các trường thành viên hơn là lãnh đạo thực chất, tham gia xây dựng, quản lý và điều phối nguồn lực để phát triển đại học quốc gia.

Dù phần kinh phí của các trường thành viên do đại học quốc gia phân bổ, nhưng đại học quốc gia chưa phải là đơn vị có toàn quyền hay khả năng tạo ra nguồn lực tài chính.

Thêm một số lý do khách quan mà đại học quốc gia không thể tận dụng được sức mạnh tổng hợp là do tổ chức còn mang tính cơ học.

Sau nhiều thập kỷ quy hoạch, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu hình thành khuôn nét của một khu đại học ở Thủ Đức, các trường thành viên vẫn còn hoạt động ở hai cơ sở, trung tâm thành phố và Thủ Đức, nhưng đến giờ cũng chưa thật sự hình thành một khuôn viên đại học hoàn chỉnh, tạo môi trường ổn định cho sinh viên sống và học tập. Đầu tư tài chính là một vấn đề lớn, nhưng lớn hơn là tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược phát triển thành đại học quốc gia ngang tầm với các đại học đồng cấp trong khu vực Châu Á. Còn Đại học Quốc gia Hà Nội được cấp đất để xây dựng khu đại học ở Hòa Lạc, nhưng chưa phát triển gì mấy.

Những tồn tại và giải pháp đề xuất:

Chính phủ cần xây dựng chiến lược và kế hoạch cho hai đại học quốc gia theo hướng tổng hợp nguồn lực để đầu tư phát triển, là đầu tàu của hệ thống đại học.

Một số trường thành viên muốn tách ra khỏi đại học quốc gia và chuyển hướng thành trường đại học đa ngành, đó là việc bình thường. Tuy nhiên một khi ra khỏi đại học quốc gia thì đương nhiên sẽ không còn nhận quyền lợi nào của Đại học Quốc gia nữa, ví dụ như đất đai

Để mô hình đại học hay đại học quốc gia phát triển cần phải có mục tiêu và chiến lược tổng thể, gắn kết, tập hợp  xây dựng trường thành viên mới hay phát triển khoa ngành trực thuộc lên thành trường và tận dụng được nguồn lực của toàn trường.

Tóm lại: cần phải xác định vai trò, vị trí và nhiệm vụ của đại học quốc gia trong giai đoạn tới, từ cấu trúc vận hành, uy tín và giá trị mang lại của đại học quốc gia. Nếu khắc phục được những khuyết điểm nêu trên và tập hợp được nguồn lực thì trong vòng 10 năm tới, tôi tin là 1 trong 2, hay cả 2 trường sẽ lọt top 500 trường hàng đầu thế giới, trong vòng 20-25 năm tới sẽ lọt top 300. Kỳ vọng đây là mục tiêu thực tế chứ không phải duy ý chí,  muốn được “kết quả thật” thì phải tái cấu trúc và tận dụng nguồn lực đó. Hiện nay 2 đại học quốc gia có lợi thế rất lớn là thu hút đầu vào khá tốt, có nguồn lực tốt so với các trường khác, phần còn lại là “ cấu trúc hệ thống hợp lý và hiệu quả”. Theo Chuyên gia giáo dục Tiến sỹ Trần Đức Cảnh trả lời giaoduc.net

Ban TT – SV