Tìm hiểu bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới

Ngày 08/04/2021

Bảng xếp hạng đại học là một cách hữu hiệu để đánh giá chất lượng của một trường học ở một số lĩnh vực như nghiên cứu và triển vọng quốc tế.

Chúng tôi liệt kê ba bảng xếp hạng quốc tế được công nhận rộng rãi nhất dưới đây để giúp bạn trong việc đưa ra lựa chọn/quyết định du học. Và lần đầu tiên bạn còn có thể xem và so sánh mức độ đa dạng của các trường đại học với Hotcourses Diversity Index (Chỉ số đa dạng). Lưu ý là bảng xếp hạng không phải là thước đo duy nhất mà chỉ là một trong những yếu tố góp phần giúp bạn đưa ra quyết định mà thôi.

Tác dụng của xếp hạng đại học hướng tới hiệu suất tốt hơn

Đây là ý kiến của Simon Marginson – Giáo sư về giáo dục đại học quốc tế, Học viện Giáo dục, Đại học London. Xếp hạng đại học toàn cầu mới chỉ thực hiện được 13 năm nhưng đã được coi là một sự kiện thường niên của giáo dục đại học quốc tế. Nó đã làm thay đổi sâu sắc lĩnh vực giáo dục đại học, và việc các trường tham gia xếp hạng toàn cầu là không thể tránh khỏi. Những người trong cuộc hoặc ngoại đạo, khi muốn tìm hiểu về giáo dục đại học thì dựa vào bảng xếp hạng là cách thức đơn giản nhất. Các bảng xếp hạng đại học lập ra một trật tự thứ hạng và củng cố các chiến lược với đối tác, định hướng cho các nhà đầu tư nghiên cứu về năng lực các trường, hình thành ra các quyết định của nhiều sinh viên và giảng viên qua các hoạt động xuyên biên giới, mặc dù chất lượng của các dữ liệu đưa ra không đồng đều.

Xếp hạng đại học đã vẽ lại nền giáo dục đại học toàn cầu như là một môi trường quan hệ, đề cao một số tiềm năng trong môi trường đó và ngăn chặn những tiềm năng khác. Việc này được làm theo ba cách. Thứ nhất là cạnh tranh: xếp hạng đã thổi bùng ý thức toàn cầu về việc giáo dục đại học như  một thị trường cạnh tranh giữa các trường đại học và các quốc gia, cạnh tranh về hoạt động nghiên cứu như thành tố chính của kết quả xếp hạng, và cạnh tranh về danh tiếng. Thứ hai là xếp thứ bậc: xếp hạng là yếu tố cốt lõi của hệ thống định giá, theo đó các trọng số không cân xứng được gán cho tri ​​thức và các bằng cấp chứng chỉ để sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động quốc gia và quốc tế. Thông qua xếp hạng, các trường đại học trở nên gắn kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế – chính trị, với thị trường lao động và với các bất bình đẳng xã hội nơi trường đại học tọa lạc. Thứ ba là hiệu suất: việc xếp hạng đại học đã cài cắm một một cơ chế kinh tế hiệu quả để kiểm soát hành vi, thường là thúc đẩy cải tiến liên tục trong mỗi trường đại học.

Xếp hạng đại học đã vẽ lại nền giáo dục đại học toàn cầu như là một môi trường quan hệ, đề cao một số tiềm năng trong môi trường đó và ngăn chặn những tiềm năng khác.

Các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới hiện nay

1. Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới Times Higher Education 2021

Được xuất bản hàng năm bởi tạp chí Times Greater Education (THE), Bảng xếp hạng THE được công nhận trên toàn cầu và là một trong những nhà cung cấp xếp hạng để đánh giá chất lượng của các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới.

Phương pháp xếp hạng này dựa trên 13 yếu tố quan trọng, được phân loại trong năm lĩnh vực: Giảng dạy (môi trường học tập), Nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng), Trích dẫn (ảnh hưởng nghiên cứu), Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) và Thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức).

Mỗi chỉ số đóng góp một tỷ lệ phần trăm cho điểm số cuối cùng của tổ chức giáo dục.

Giảng dạy (30%)

• Khảo sát về danh tiếng: 15%

• Tỷ lệ nhân viên / sinh viên: 4,5%

• Tỷ lệ tiến sỹ / cử nhân: 2,25%

• Tỷ lệ tiến sĩ được trao bằng/nhân viên học thuật: 6%

• Thu nhập của tổ chức: 2,25%
 

Chỉ số hiệu suất này nghiên cứu uy tín của các tổ chức trong giảng dạy, từ Khảo sát danh tiếng học thuật. Nó cung cấp mức độ đầu tư để nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo trong giới học thuật, với đại diện trả lời của hỗn hợp thống kê và chủ đề thống kê của học viện toàn cầu.

Nghiên cứu (30%)

• Khảo sát danh tiếng: 18%

• Thu nhập nghiên cứu: 6%

• Năng suất nghiên cứu: 6%
 

Chỉ số nghiên cứu tập trung vào danh tiếng và nghiên cứu xuất sắc của một trường đại học, dựa trên câu trả lời khảo sát của Academic Reputation Survey. Bảng xếp hạng THE cũng cho thấy thu nhập từ nghiên cứu được tính trên số lượng cán bộ nghiên cứu và được điều chỉnh theo mức độ nghiên cứu. Để đo năng suất nghiên cứu, THE thống kê số lượng bài báo khoa học được bình quân trên mỗi học giả trên cơ sở dữ liệu Scopus của công ty phân tích Elsevier, cho thấy khả năng của các trường đại học có sản phẩm nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín. 

Tỉ lệ được trích dẫn (30%)

Tiêu chí này sẽ xem xét vai trò của các trường trong việc truyền tải kiến thức và ý tưởng. THE phân tích ảnh hưởng của nghiên cứu bằng cách lấy số lượng trung bình số lần tác phẩm xuất bản của một trường đại học được trích dẫn bởi các học giả trên toàn cầu. Năm nay, nhà cung cấp dữ liệu Elsevier của THE đã phân tích 77,4 triệu lượt trích dẫn đối với 12,8 triệu tác phẩm chuyên ngành, bài đánh giá, tranh luận tại hội nghị, sách và các chương trong sách được xuất bản trong vòng 5 năm.

Triển vọng quốc tế (7,5%)

• Sinh viên quốc tế: 2,5%

• Giảng viên quốc tế: 2,5%

• Hợp tác quốc tế: 2,5%
 

Tiêu chí này đánh giá khả năng thu hút sinh viên đại học, sau đại học và các giảng viên trên khắp thế giới, được tính dựa trên tổng số các ấn bản tạp chí nghiên cứu có ít nhất một đồng tác giả quốc tế.

Thu nhập ngành (2,5%)

Tiêu chí này dựa trên hoạt động chuyển giao kiến thức công nghệ của một trường đại học, đặc biệt là khả năng đưa ra các ngành công nghiệp tương ứng với các sáng kiến, phát minh và tư vấn của họ. Chỉ tiêu trên cho thấy mức các doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nghiên cứu và khả năng thu hút tài trợ của trường đại học trên thị trường thương mại. 

2. Bảng xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds)

QS Ranking là bảng xếp hạng ra đời từ năm 2004 công bố về thứ hạng các trường ĐH trên thế giới của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, đồng thời là một trong những bảng xếp hạng ĐH phổ biến nhất trên thế giới.

Để xếp hạng các trường đại học trên thế giới, QS dựa vào 6 tiêu chí ứng với trọng số như sau:

+ Danh tiếng về học thuật (40%).

+ Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên (20%).

+ Danh tiếng của nhà tuyển dụng (10%)

+ Số lượng trích dẫn mỗi khoa (20%)

+ Tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế (mỗi trường 5%)

3. Bảng xếp hạng đại học ARWU

Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng đại học thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu của bên thứ ba.

Bảng xếp hạng này đánh giá dựa trên bốn tiêu chí chính:

+ Chất lượng giáo dục (10%);

+ Chất lượng giảng viên (40%);

+ Nghiên cứu khoa học (40%);

+ Năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).

Hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải chủ yếu sử dụng số liệu công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học. Theo kết quả Bảng xếp hạng các trường Đại học năm 2020, Đại học Harvard đứng đầu bảng xếp hạng ARWU (Trung Quốc). Trong khi đó, bảng QS (Anh) đánh giá Viện Công nghệ Massachusetts tốt nhất thế giới năm nay, còn bảng THE (Anh) lại vinh danh Đại học Oxford.

Trên đây là 3 bảng xếp hạng uy tín trong việc đánh giá tổng thể các đại học trên thế giới.Ngoài ra còn có bảng xếp hạng sau đây cũng được Việt Nam quan tâm.

4. Bảng xếp hạng Webometrics

Thực tế, đây là Bảng xếp hạng trang web các trường đại học trên toàn thế giới. (Webometrics Ranking of World Universities) là sáng kiến của phòng nghiên cứu Cybermetrics, thuộc Consejo Superior de Investigaciones Científicas (CSIC), trung tâm nghiên cứu công lớn nhất của Tây Ban Nha (2). Bảng xếp hạng Webometrics được công bố vào năm 2004 và được cập nhật định kỳ mỗi năm hai lần vào tháng 1 và tháng 7 sau một tháng hoàn tất thu thập dữ liệu .

Mục tiêu của Webometrics là “khuyến khích và thúc đẩy việc đăng tải thông tin trên mạng internet”. Mục đích chính là hỗ trợ các sáng kiến Tiếp cận Mở (Open Access initiatives) nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các thông tin về nghiên cứu khoa học và tài liệu học thuật xuất bản dưới dạng điện tử. Do đó bảng xếp hạng không đánh giá các yếu tố về thiết kế trang web hay số lượng truy cập (4).

Như vậy, kết quả xếp hạng của Webometrics chỉ hướng đến đánh giá về nội dung và mức độ hiện diện ở môi trường mạng internet của các trường đại học thông qua trang web chứ không phải là bảng xếp hạng các trường đại học như Newsweek, Times Higher Education World University Rankings v.v…
Tuy nhiên, những thứ hạng mà các trường đại học Việt Nam đạt được trong thời gian vừa qua đã thể hiện những sự thay đổi tương đối mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của các trường về những cơ hội và thách thức mà môi trường internet mang lại./

(Tổng hợp và giới thiệu : TS Văn Đình Ưng- Trưởng Ban TT&SV)