Kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản mới có tự chủ đại học đích thực

Ngày 05/04/2021

TS Lê Viết Khuyến trả lời phỏng vấn Tạp chí GDVN:

Nếu còn cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học không có quyền tự chủ mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện nay để triển khai tự chủ đại học thì có rất nhiều việc phải làm, nếu không có được sự chuẩn bị mang tính hệ thống thì không những thành quả không đến nơi mà chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam 5 nội dung cần phải làm, tập trung làm và giải quyết thì mới có được tự chủ đại học đích thực.

Một là, để trao quyền tự chủ thực sự cho các trường đại học, đặc biệt đối với trường đại học công lập cần kiên quyết xóa bỏ cơ quan chủ quản, nếu còn cơ quan chủ quản thì thực chất trường đại học không có quyền tự chủ mà tự chủ chỉ mang tính chất danh nghĩa. Điều này đòi hỏi cơ quan chủ quản tự nguyện từ bỏ quyền lực, sử chỉ huy của mình đối với trường đại học đó.

Trên đường đi tới xóa bỏ cơ quan chủ quản để các trường đại học có quyền tự chủ thực sự thì trước tiên là cần xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản.

Xóa đi cơ chế cơ quan chủ quản tức là cơ quan chủ quản vẫn có thể tham gia vào việc tác động hoạt động của trường thông qua việc cử đại diện tham gia vào Hội đồng trường chứ không có phải là những can thiệp trực tiếp cho cơ sở giáo dục đó. Nếu không làm được việc này thì đừng nói chuyện trao quyền tự chủ.

“Xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng tôi xin khẳng định, vai trò lãnh đạo của quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng, luôn luôn cần thiết”, Tiến sĩ Khuyến khẳng định.

Hai là, trao quyền tự chủ thì phải xác định cụ thể là trao quyền đó cho ai. Nhà nước không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho một tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường. Đó chính là Hội đồng trường. Bởi vậy thành lập Hội đồng trường là khâu đột phá trong tiến trình trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Tuy nhiên, cơ cấu thành viên của Hội đồng trường và uy lực của nó lại phụ thuộc rất nhiều vào hình thức sở hữu và chủ sở hữu của loại hình trường đại học, phụ thuộc mức độ tự nguyện chuyển quyền lực của chủ sở hữu cho chính Hội đồng trường.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (số 34/2018/QH14): “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu toàn dân, tức là cộng đồng xã hội là chủ sở hữu còn trường tư thục, trường dân lập…sẽ có chủ sở hữu và các bên liên quan có thể khác nhau. Do đó không phải tất cả các trường đại học có Hội đồng trường thì đều có thành phần giống nhau mà tùy vào tính sở hữu của từng loại hình trường mà có thành phần đại diện khác nhau.

Những thành viên tham dự Hội đồng trường phải là những người tiêu biểu và là đại diện thực sự cho chủ sở hữu và các bên liên quan chứ không phải cho vào cho đủ thành phần. Đó là nguyên tắc khi thành lập Hội đồng trường.

Tuy nhiên, nếu xóa bỏ cơ quan chủ quản hoặc xóa cơ chế cơ quan chủ quản mà thành lập Hội đồng trường và chức năng của Hội đồng trường không theo nguyên tắc vừa nêu thì việc trao quyền tự chủ cũng không thành công.

Ba là, khi đã có Hội đồng trường thì cần phải có một hệ thống các chính sách nhất quán theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường, nhưng rất tiếc hiện nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) nói lên điều đó còn các luật khác vẫn theo hướng vẫn có tồn tại cơ quan chủ quản.

Trong khi căn cứ để Hội đồng trường hoạt động theo hệ thống văn bản pháp luật, nếu các văn bản không đồng bộ thì làm sao có tự chủ đại học đích thực.

Tuy nhiên để đồng bộ các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó do đó muốn thực hiện sớm trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường tự chủ. Khi đó các trường tự chủ sẽ vận dụng Nghị định này để thoát khỏi các quy định ở các luật, văn bản pháp luật khác được xây dựng không dựa trên việc trao quyền tự chủ cho các trường.

Bốn là, trao quyền tự chủ thì cơ cấu quản trị, quản lý trường đại học cũng phải thay đổi, không thể theo cơ chế tập quyền – đó là cơ quan chủ quản. Cần thay đổi cơ cấu tổ chức sao cho phù hợp với cơ chế tự chủ.

Năm là, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy- Hội đồng trường- Ban giám hiệu – Cơ quan quản lý nhà nước.

“Chỉ khi nào làm được năm điều này thì mới có tự chủ đại học đích thực”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.

                          Ban Truyền thông – Sinh viên