2 Đại học Quốc gia chưa phát triển được như kỳ vọng

Ngày 27/06/2021

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN

GDVN- Đại học quốc gia đích thực thì quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học.

Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học, để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành. Cái gọi là “Trường đại học Tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản.

Để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực.

Trên tinh thần đó, trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng 1 địa bàn lại với nhau nhằm phát huy sức mạnh của các trường thành viên.

Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định rằng, Nhà nước đầu tư cho 2 đại học quốc gia rất lớn với kỳ vọng trở thành “kỳ hạm” của “đoàn tàu” đại học Việt Nam để làm đầu tàu và nòng cốt cho giáo dục đại học nước nhà, dẫn dắt các đại học khác.

Với mong đợi như vậy nhưng sau gần 30 năm hai đại học quốc gia của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra rằng, khi thành lập đại học quốc gia, xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành…

Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực, chúng chỉ là những liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành.

Phó GS. Huỳnh Văn Chương chia sẻ Đại học Quốc gia, Đại học vùng tồn tại Hội đồng 2 cấp gây lúng túng triển khai. Xem tại đây

Chưa kể về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học quốc gia trở nên rời rạc.

“Chừng nào chúng ta chưa nhận thấy 2 điều trên là khiếm khuyết cần khắc phục vì 2 Đại học Quốc gia sẽ phát triển ở tốc độ chậm, ì ạch chứ không được như kỳ vọng”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Muốn 2 Đại học Quốc gia thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trước tiên cần kiên quyết tổ chức lại bộ máy đồng thời áp dụng triển khai triệt để các chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra ví như tự chủ đại học.

Việc trao quyền tự chủ cho các đại học quốc gia nói riêng và các trường đại học nói chung phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.

Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học quốc gia thì các trường thành viên sẽ xóa được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.

“Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh. ( theo giaoduc.net)

Ban TT – SV