Vì sao nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến giáo dục tại Việt Nam?
Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nhận thấy Việt Nam là nơi có nhu cầu mở trường quốc tế tốt khi GDP tăng mỗi năm và tình hình chính trị ổn định.
Tin tưởng vào sự ổn định ở Việt Nam
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua, đặc biệt GDP năm 2020 là 343 tỉ USD so với năm 2010 là 116 tỉ USD. Tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng và đây chính là những người có nguồn tài chính dồi dào cho con tham dự các trường quốc tế.
Mọi gia đình trung lưu đều mong muốn con học trường quốc tế nói tiếng Anh để sau này vào đại học tại các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc, Anh và một số nước châu Âu dạy bằng tiếng Anh. Chính vì thế, chúng ta thấy toàn bộ trường quốc tế tại Việt Nam hầu hết dạy bằng tiếng Anh.
Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng thấy Việt Nam là nơi có nhu cầu mở trường quốc tế tốt khi GDP tăng mỗi năm và tình hình chính trị Việt Nam ổn định.
Họ cũng nhìn nhận học sinh (HS) Việt Nam có truyền thống học tốt và có nhiều kỹ năng tốt. Biết rằng đầu tư giáo dục chưa sinh ra lợi nhuận cao trong thời gian ngắn như các lĩnh vực khác nhưng giáo dục là ngành có sự ổn định lâu dài và cần có số lượng lớn HS để tạo ra lợi nhuận và các nhà đầu tư tin tưởng vào điều này ở Việt Nam.
Nhu cầu trường quốc tế ở Việt Nam rất lớn
Hệ thống trường công lập Việt Nam không đáp ứng mọi nhu cầu cho gia đình Việt Nam. Hệ thống công lập phục vụ HS với nền tảng tốt nhất có thể có chứ không nhiều ngân sách đầu tư cao cấp như các trường quốc tế.
Trong khi đó các gia đình trung lưu mong muốn chất lượng cao cấp và từ đó tạo ra một nhu cầu lớn trong xã hội Việt Nam. Và đây là thị trường giáo dục để các trường quốc tế khai thác.
Tổng số HS Việt Nam từ lớp 1 – 12 là 17 triệu, trong đó HS trường tư thục chiếm khoảng 0,5 triệu (số liệu 2019). Theo hướng du học, số lượng HS bậc trung học Việt Nam học ở các nước nói tiếng Anh trong năm 2020 là khoảng 7.000 và trung bình mỗi năm có khoảng 300 – 500 HS mới du học.
Với khoảng trống về giáo dục cao cấp tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào hệ thống giáo dục từ lớp 1 – 12. TP.HCM và Hà Nội là hai trung tâm có nhiều trường quốc tế, Hà Nội có 22 trường và TP.HCM có 22 trường vào thời điểm 2019.
Một yếu tố khác có nhu cầu về trường quốc tế đó là người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Người nước ngoài làm việc tại 2 trung tâm TP.HCM và Hà Nội khá đông. Khi làm việc tại Việt Nam, những người có gia đình sẽ đưa con qua và con họ theo học tại các trường quốc tế.
Ðầu tư vào lĩnh vực đại học có tiềm năng cao
Ðầu tư giáo dục vào Việt Nam ở mức độ thấp trong thời gian qua vì cơ bản nhà đầu tư giáo dục của thế giới vốn cũng ít. Các nhà triệu phú hay tỉ phú sẵn sàng bỏ ra khối lượng tiền lớn để xây trường học theo mô hình quỹ đóng góp chứ họ không dùng tiền đầu tư lợi nhuận cho lĩnh vực giáo dục. Chính vì thế Việt Nam là thị trường đầu tư giáo dục ít cạnh tranh trong khi nhu cầu giáo dục quốc tế rất lớn.
Ðầu tư lĩnh vực đại học cũng có tiềm năng cao. Hiện nay một số đại học Mỹ mở chi nhánh và cộng tác với đại học Việt Nam như University of Hawaii, Troy University và Houston Community College, đây chỉ là hợp tác đào tạo sinh viên, không phải đầu tư giáo dục. Chỉ có duy nhất đại học RMIT (Úc) là dạng đầu tư tại Việt Nam.
Theo thống kê dựa trên số liệu của Viện Giáo dục quốc tế (Mỹ), trong năm 2017 số lượng HS Việt Nam du học tại các nước nói tiếng Anh là trên 60.000 HS bao gồm hệ trung học, đại học và sau đại học, mức độ HS du học tăng 5 – 8% hằng năm. Tổng chi phí cho giáo du học nước ngoài của người Việt Nam là gần 2 tỉ USD mỗi năm.(Theo Thanhnien)
Ban TT – SV