Ukraine: Khủng hoảng vì… thừa trường đại học
GD&TĐ – Người dân Ukraine cho rằng, đất nước có quá nhiều trường đại học, dẫn đến nguồn lực hạn chế dành cho giáo dục và khoa học.
Vì sao ở Ukraine lại xuất hiện nhiều trường đại học như vậy, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với hệ thống cồng kềnh này?
Di sản của quá khứ
Ukraine có hơn 280 trường đại học (gồm công lập và tư thục), đào tạo ba bậc: Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ (PhD). Nếu tính cả các trường cao đẳng có đào tạo cử nhân (nhưng không có thạc sĩ) và các viện nghiên cứu khoa học, nơi có các chương trình nghiên cứu sinh, thì số cơ sở đào tạo đại học của quốc gia này đã vượt quá 1.200. Rõ ràng đây là một con số rất lớn.
Nhưng con số này khó có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Việc hợp nhất các trường “từ trên xuống” bằng cách sử dụng đòn bẩy hành chính đòi hỏi ý chí chính trị, điều này khá mạo hiểm đối với người đứng đầu Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine.
Hơn nữa, các đời bộ trưởng giáo dục Ukraine chủ yếu được lựa chọn trong số các hiệu trưởng đại học, mà dùng sức mạnh để hợp nhất các trường do đồng nghiệp mình quản lý xem ra “thiếu tế nhị”.
Thời đại công nghiệp đã để lại cho Ukraine một mạng lưới khổng lồ các trường cao đẳng và trung cấp. Hiện, các trường này đang phải tìm cách tồn tại khi xã hội chỉ coi trọng học vấn đại học sau trường phổ thông.
Ở Ukraine, đã xuất hiện một nghịch lý là gần 75% học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông thi vào các trường đại học. Khiến rất nhiều người phàn nàn về chất lượng của cái gọi là “học vấn đại học” này.
Trong những năm 1990 đầy biến động, từ một phúc lợi xã hội, giáo dục đại học đã biến thành “dịch vụ” kiếm tiền. Kết quả là, đối với nhiều sinh viên, mục đích học đại học là để “kiếm mảnh bằng tốt nghiệp”, còn bản thân các trường đại học đã biến thành nhà cung cấp dịch vụ.
Chất lượng của những “dịch vụ” này thường được đo bằng lợi nhuận cá nhân của những người cung cấp chúng hoặc bằng mức độ hài lòng của khách hàng (sinh viên).
Từ thời Liên Xô cũ, Ukraine tiếp quản một mạng lưới các trường đại học chuyên ngành, được xây dựng lúc bấy giờ để đào tạo cán bộ cho một ngành nào đó trong nền kinh tế có kế hoạch. Nền kinh tế có kế hoạch không còn nữa, các ngành cũng đã giảm đi đáng kể, nhưng các trường đại học vẫn còn.
Quá khứ cũng để lại cho Ukraine một mạng lưới các viện nghiên cứu thuộc viện hàn lâm khoa học quốc gia hoàn toàn tách biệt với lĩnh vực giáo dục đại học về mọi mặt. Cái “dị tính” này đang kìm hãm sự xuất hiện của các trường đại học nghiên cứu đích thực ở Ukraine có thể chiếm vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế.
Các viện nghiên cứu khoa học của Ukraine đều đào tạo nghiên cứu sinh và được quyền cấp bằng tiến sĩ, vì vậy chúng được coi là những trường đại học riêng.
Cơ hội khắc phục di sản
Ở Ukraine, những thay đổi mang tính hệ thống từ trên xuống rất khó xảy ra. Các cơ sở đào tạo phải được thay đổi “từ dưới lên”. Trong vài năm tới, điều này có thể sẽ xảy ra thông qua sự phát triển của hệ thống.
Cụ thể là: Các đại học ngành sẽ tìm được tiếng nói chung với các nhà tuyển dụng lao động và trở thành các trường “đại học chuyên nghiệp”. Hoặc chúng sẽ chết. Điều kiện tiên quyết để tồn tại là áp dụng hệ thống đào tạo kép chất lượng cao với sự hợp tác của một cụm các nhà tuyển dụng lao động.
Đào tạo kép chất lượng cao đòi hỏi sự hợp tác với một cụm công ty cùng ngành. Đây là cơ hội cho sinh viên tiếp thu những kỹ năng thực hành tại nhiều công ty với một ngành nhất định trong thời gian học tập. Một hệ thống như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa các công ty trong cụm để tìm ra sinh viên – thực tập sinh giỏi nhất.
Điều này tạo nên chức năng rõ ràng giữa trường đại học và nhà sử dụng lao động. Theo đó, trường đại học cung cấp kiến thức lý thuyết (học thuật), còn công ty cung cấp kiến thức thực hành.
Xu thế thứ hai là các trường đại học cổ điển sẽ dần dần biến thành các trường đại học nghiên cứu, với sự tham gia của một số viện hàn lâm khoa học quốc gia và các viện hàn lâm khoa học ngành.
Con đường tối ưu nhất để đạt được điều đó là xây dựng các chương trình nghiên cứu sinh chung và các “trường tiến sĩ” chuyên ngành (như ở Pháp). Đây là nơi có sự hợp tác đào tạo – khoa học giữa các trường đại học và các viện hàn lâm với chất lượng cao.
Xu thế thứ ba là các trường đại học bách khoa sẽ tiếp tục quá trình tự chuyển đổi trong lĩnh vực đào tạo ứng dụng và các ngành công nghệ cao. Trong lĩnh vực này, quá trình đã bắt đầu và nhờ nhu cầu cao về chuyên gia CNTT của Ukraine, hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục.
Xu thế thứ tư là các trường đại học nhỏ có uy tín (mới được thành lập) sẽ có cơ hội để thực hiện “giáo dục khai phóng”, nhằm hình thành nhân cách hơn là cán bộ chuyên môn hay đào tạo nghề. Xét về phương diện này, những sửa đổi năm 2020 của Luật “Giáo dục đại học” và những sửa đổi mới được phê duyệt gần đây về Điều kiện cấp phép có thể rất hữu ích.
Qua đó, lần đầu tiên Ukraine xây dựng được chương trình liên ngành 2 năm (chứng chỉ đại cương). Sau khi học xong các môn cơ sở, sinh viên có thể vào học năm thứ ba của một chuyên ngành cụ thể.
Cuối cùng, các cơ sở đào tạo chuyên ngành, cụ thể là các trường đại học nông nghiệp và sư phạm, sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, Ukraine có rất nhiều trường như vậy, chương trình cử nhân của chúng thường trùng lặp với chương trình đào tạo của các trường khác.
Vì vậy, hoặc là số trường này sẽ giảm một cách tự nhiên, hoặc chúng sẽ biến thành các trung tâm nâng cao trình độ cho người có nhu cầu.
Tất cả các xu hướng trên đang được chính phủ, Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine quan tâm. Tuy nhiên, quyền tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa được áp dụng.
Trong điều kiện dịch Covid-19 có ảnh hưởng rất lớn đến ngành Giáo dục. Vì vậy, Ukraine đã đẩy mạnh giáo dục trực tuyến ở tất cả các cấp, bậc học nhằm bảo đảm chất lượng.( theo giaoducthoidai)
Ban TT – SV