Tự chủ đại học nếu thực hiện tốt, đúng và đầy đủ thì có thể ví như “khoán 100”

Ngày 17/12/2024

GDVN – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức kết luận tại hội thảo khoa học về đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ gắn liền với đảm bảo chất lượng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tham luận tại hội thảo (Ảnh: DHV)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà cũng đã nêu lên những mặt hạn chế, tồn tại của tự chủ đại học như:

Thứ nhất, khung pháp lý về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn chưa đồng bộ, chính sách pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ và cụ thể, khung pháp lý về tự chủ không chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục đại học, mà còn nằm rải rác trong các bộ luật khác có liên quan.

Thứ hai, một bộ phận cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học, chưa chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ, năng lực quản trị của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; cơ chế công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình còn mang tính hình thức.

Thứ ba, nhiều cơ sở giáo dục đại học hiểu và thực hiện sai quyền tự chủ là quyền được “tự quyết định mọi việc”, không chú ý đến các quy định của pháp luật trong quá trình triển khai các chức năng, nhiệm vụ của cơ sở. Nhận thức về quản trị, quản lý và đại diện của các cơ sở giáo dục đại học công lập được trao quyền tự chủ còn nhiều hạn chế.

Thứ tư, nguồn tài chính của các trường đại học công lập còn hạn hẹp, chưa đa dạng hóa. Các trường lại chưa khai thác, tạo nguồn thu từ việc bán các sản phẩm nghiên cứu khoa học có ứng dụng trong thực tiễn cho thị trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo vào ngày 14/12 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: DHV)

Từ đó, Tiến sĩ Hà nêu 5 giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học gồm: Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tự chủ đại học, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học sau khi được sửa đổi. Cần hoàn thiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học, bao gồm các chính sách liên quan đến quản lý tài chính, nhân sự và các hoạt động chuyên môn, đảm bảo quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Tăng cường năng lực quản trị đại học, nhất là ứng dụng công nghệ số trong quản trị đại học. Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ quản lý các cấp trong trường đại học. Chuyển từ cơ chế quản lý trực tiếp sang cơ chế điều tiết, hỗ trợ bằng công cụ vĩ mô. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tự chủ, đánh giá hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các trường.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các trường đại học, chú trọng thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp để thu hút và giữ chân các giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ cao. Đầu tư vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là về kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu, quản lý chất lượng.

Tăng cường đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin trong các trường đại học.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để các trường đại học tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính, tự cân đối thu chi một cách minh bạch, độc lập, điều chỉnh mức học phí phù hợp với chất lượng đào tạo, khả năng của người học. Đồng thời, áp dụng các chính sách học phí linh hoạt, có các mức hỗ trợ học bổng cho các nhóm đối tượng khó khăn.

Ngay sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phân tích “Chất lượng giáo dục và sự thay đổi – Thách thức và cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa”, mở ra những góc nhìn mới về cải tiến chất lượng đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang phát biểu tại hội thảo (ảnh: DHV)

Tiến sĩ Huyền Trang tập trung vào những thách thức mà toàn cầu hóa mang lại trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm các yếu tố liên quan đến văn hóa, chính trị, kinh tế và sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng miền và quốc gia, cũng như tác động của công nghệ số đối với phương pháp giảng dạy.

Từ thách thức đó, Tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang đề xuất một số giải pháp cụ thể mà hệ thống giáo dục có thể xem xét nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển trong bối cảnh như hiện nay như: Ứng dụng và tận dụng công nghệ; nâng cao năng lực của giáo viên, giảng viên; cải cách chương trình giảng dạy; xây dựng hệ thống giáo dục hòa nhập và bình đẳng, tăng cường hợp tác trong nước; hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm toàn cầu; ứng phó với thách thức tài chính…

Tự chủ đại học nếu thực hiện tốt có thể ví như “khoán 100”

Ở phiên thứ hai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tham luận với chủ đề “Giáo dục và hệ sinh thái khởi nghiệp ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của sinh viên”. Tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưng tập trung vào mối quan hệ giữa giáo dục khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tham luận tại hội thảo

Thầy Hưng nhấn mạnh rằng giáo dục khởi nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp và nhận thức về mong muốn khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ cùng các chính sách thuận lợi góp phần tích cực vào việc định hình ý định khởi nghiệp, trong khi nhận thức về mong muốn khởi nghiệp giữ vai trò then chốt trong việc chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể.

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Thị Hương đến từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nghiên cứu về “Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên về chất lượng dịch vụ hỗ trợ đào tạo sau đại học tại Hà Nội”. Nghiên cứu tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên sau đại học đối với chất lượng dịch vụ hỗ trợ đào tạo.

Bằng cách sử dụng phương pháp định tính và định lượng, dữ liệu được xử lý thông qua phần mềm AMOS, bài báo cáo của Tiến sĩ Hoàng Thị Hương cho thấy các yếu tố như khả năng đáp ứng, năng lực phục vụ, sự tin cậy, cơ sở vật chất và sự đồng cảm đều có tác động tích cực đến sự hài lòng của sinh viên, trong đó cơ sở vật chất và sự tin cậy được đánh giá là hai yếu tố quan trọng nhất.

Tổng kết ý kiến trao đổi tại hội thảo, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đánh giá: “Tự chủ đại học theo Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, nếu thực hiện tốt, đúng và đầy đủ, thực sự có thể ví như “khoán 100” với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nếu biết tận dụng và phát huy tốt để cộng hưởng, phát huy những thế mạnh và tiềm năng, giáo dục đại học Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc trong thời gian tới”.

“Qua các báo cáo tham luận của các đại biểu tại hội thảo, có thể thấy được bức tranh khá tổng thể về việc thực hiện tự chủ trong các trường đại học ở Việt Nam trong vòng 5 năm qua, từ năm 2019 cho đến nay, thấy được những mặt tích cực, tự chủ nhưng phải luôn gắn với đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ, chất lượng nghiên cứu và không ngừng đổi mới sáng tạo, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế.

Và thực sự tự chủ đại học đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập” – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức phát biểu kết luận hội thảo (ảnh: DHV)

Tuy nhiên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức cho rằng tự chủ đại học tại Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn, bất cập cần khắc phục như:

Cần khẳng định, xác định rõ vai trò và vị trí của Hội đồng trường với Ban giám hiệu. Với các trường công lập nếu tự chủ thì khi so sánh với doanh nghiệp, Hội đồng trường vai trò sẽ như Hội đồng quản trị, còn Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu có vai trò như giám đốc, Ban Giám đốc của doanh nghiệp. Với các trường ngoài công lập thì hội đồng quản trị trên thực tế phải có vai trò quyết định như Hội đồng trường.

Tự chủ càng cao thì mô hình quản trị khi có cấp quản lý trung gian có phù hợp? Đặc biệt, cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập, nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia….

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất 4 nội dung, chủ đề hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2025 là: Đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam; triển khai đào tạo STEM; ứng dụng AI trong giáo dục đại học; Xây dựng các tiêu chí độc lập của Câu lạc bộ, của Hiệp hội cho hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ở Viêt Nam trong bối cảnh AI và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay và góp ý, phản biện các chính sách về giáo dục đại học.

Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) – đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1995. Trải qua gần ba thập kỷ không ngừng đổi mới và phát triển, DHV đã khẳng định vị thế của mình, trở thành một trong những trường đại học uy tín về đào tạo đại học chính quy tại Việt Nam.

Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, hiện nay, Nhà trường đang chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng hiện đại, đưa công nghệ vào trường học (VR Center, AJ Job, LMS…) phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. Đồng thời, Trường cũng chủ động hợp tác mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp, tạo ra hệ sinh thái vệ tinh cho sinh viên đi kiến tập, thực tập đảm bảo sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng thực tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số, hướng đến mục tiêu trở thành Trường Đại học thông minh, Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp.

Hiện, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV) có 3 cơ sở phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên: Trụ sở chính nằm ở số 736 đường Nguyễn Trãi – Quận 5, TP. HCM; Cơ sở 1 nằm ở 28-30 đường Ngô Quyền – Quận 5, TP. HCM; Cơ sở 2 nằm ở 37 đường Kinh Dương Vương – Quận 6, TP. HCM.

                                                                                                                                                                                      Việt Dũng