Trường đại học số, liệu rằng có thay thế trường đại học truyền thống? – TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến

Ngày 15/03/2022

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Cách đây hơn hai chục năm, từ những năm 2000, trước bước tiến của cách mạng ICT, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng “gạch rồi sẽ bị thay thế bởi cạch” (nguyên văn tiếng Anh: bricks will be replaced by clicks), ý nói trường đại học truyền thống sẽ nhường chỗ cho trường đại học số. Một nghiên cứu của Pew Research Center,trên cơ sở thăm dò ý kiến chuyên gia vào năm 2012,cho thấy 60% ý kiến đồng ý rằng đến năm 2020 các trường đại học truyền thống sẽ chuyển thành các trường đại học mới với một phần nhỏ là các buổi học mặt đối mặt, còn chủ yếu là học trực tuyến [1]. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đại dịch covid-19 đã tạo cú hích đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDĐH, thực tế cho thấy là các trường đại học bằng gạch ngói vẫn còn nguyên và rất được sinh viên ưa thích. Đối với sinh viên, khuôn viên trường là nơi để học tập tránh xa những phiền nhiễu ở nhà, là nơi để giao lưu và thậm chí để tìm thấy tình yêu[2]. Vậy thì mối quan hệ giữatrường đại học số và trường đại học truyền thống rồi đây sẽ như thế nào?

Trường đại học số và lợi thế của nó

Trong bài viết này, trường đại học số được hiểu là trường đại học mà mọi hoạt động của nhà trường, từ công tác quản trị, quản lý đến việc dạy, học và nghiên cứu khoa học đều được thực hiện trực tuyến. Một trường như vậy khác xa với trường đại học truyền thống và có nhiều lợi thế như chi phí thấp; giảng viên giỏi; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học về chương trình học, cách học, nơi học, thời gian học; phù hợp với các đặc trưng riêng, sở thích, sở đoản, năng lực, cá tính của người học.

Chính vì những lợi thế trên mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trường đại học số sẽ kết thúc vai trò lịch sử của trường đại học truyền thống.

Tuy nhiên, cho đến nay, thực tế chuyển đổi số trong GDĐH cho thấy việc dạy và học trực tuyến lại có những điểm yếu nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả động lực, tâm sinh lý và chất lượng học tập. Trước hết là tính đa dạng và linh hoạt của trường đại học số có tác dụng phụ là không gây áp lục cho người học và cũng không tạo động lực cần thiết cho việc học. Tiếp nữa, việc học và tương tác qua mạng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến những kỹ năng sống rất cần thiết trong thời đại ngày nay, như giao tiếp và hợp tác, mà còn tác động không tốt đến tâm sinh lý người học do trạng thái cô đơn kéo dài. Cuối cùng, dù được nghe giảng từ những thày giỏi và việc đánh giá trực tuyến không ngừng được cải thiện, nhưng do thiếu áp lực trong việc theo học có nền nếp, thiếu động lực cần thiết để vượt qua những thách thức không tránh khỏi trong học tập, thiếu kỷ luật và kỹ năng trong tự học, và cả việc thiếu đấu tranh với bản thân trong gian lận thi cử khi mà việc đánh giá trực tuyến không kiểm soát nổi, nên nhìn chung cho đến nay chất lượng giáo dục trực tuyến vẫn là mối băn khoăn của mọi người.

Trường đại học truyền thống và lợi thế của nó

Trường đại học truyền thống khác về cơ bản với trường đại học số ở chỗ đó là một không gian vật lý cụ thể, nơi việc dạy và học cũng như các giao tiếp giữa thày với trò, trò với trò, thày với thày, được thực hiện trực tiếp, mặt đối mặt.

So với trường đại học số thì đúng là trường đại học truyền thống có một số điểm yếu, bao gồm chi phí cao; việc tổ chức học tập cứng nhắc trong một khôngthời gian nhất định; khó mà đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người học.

Tuy nhiên, trường đại học truyền thống, thông qua việc dạy và học mặt đối mặt, lại có một số lợi thế vượt trội mà trường đại học số không thể có. Trước hết là việc hình thành và củng cố tính xã hội cùng những kỹ năng sống mà qua đó người học có một tâm sinh lý vững vàng, lành mạnh. Tiếp nữa, áp lực của việc đi học đúng giờ, trả bài đúng hẹn, thi cử dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt, buộc người học phải cố gắng để đạt chuẩn đầu ra của chương trình, qua đó góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục. Cuối cùng, chính là thói quen đã hình thành qua ng thế kỷ về việc học dưới sự hướng dẫn trực tiếp, mt đối mặt, của người thày, qua đó người học có được cảm giác an tâm và tự tin trong học tập.

Chính nhờ những lợi thế trên mà dù việc học trực tuyến có những bước tiến đột phá trong hai thập kỷ qua, trường đại học truyền thống vẫn không bị thay thế.

Nói cho đúng, nhà trường truyền thống nói chung, trường đại học truyền thống nói riêng, sẽ mãi tồn tại như được chỉ ra trong một nghiên cứu mới đây của UNESCO.

Vai trò không thê thay thế được của nhà trường truyền thống

Đó là khẳng định trong một báo cáo toàn cầu mới đây của UNESCO dưới tiêu đề: Cùng hình dung lại các tương lai: Một khế ước xã hội mới về giáo dục”[3].Trên cơ sở tham vấn rộng rãi các ý kiến chuyên gia toàn cầu, báo cáo này đi tới nhận định: “Nếu trước đây nhà trường không tồn tại thì chúng ta sẽ phải phát minh ra nó. Nhà trường là thành phần trung tâm của các hệ sinh thái giáo dục rộng lớn. Sức sống của chúng là sự thể hiện cam kết của xã hội đối với giáo dục như một lợi ích công. Trường học cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên những môi trường độc đáo để tham gia vào chung sản tri thức. Đó là nơi chấp nhận rủi ro, đương đầu với thách thức và trải nghiệm các khả năngCông việc chính yếu của giáo dục có thể diễn ra ở nhiều nơi nhiều lúc, nhưng thời gian và không gian công cộng của nhà trường là duy nhất. Không gian của nhà trường nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội. Giáo dục và học tập kích thích sự tương tác giữa người vớingười, đối thoại và trao đổi, nhà trường phải được xây dựng với mục đích là nuôi dưỡng điều này. Nhà trường là hình thức sinh hoạt tập thể mang mọi người lại gần nhau để học hỏi lẫn nhau ở các độ tuổi và đường đời khác nhau. Việc cung ứng học tập từ xa có thể hỗ trợ công việc nhà trường nhưng không thể thay thế hoàn toàn đặc trưng về mặt quan hệ của nó.

Những đứt gẫy của giáo dục gây nên bởi xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, đại dịch covid càng làm nổi bật vai trò độc nhất của nhà trường. Đó không chỉ đơn giản là các nơi chốn để học tập mà còn là một trong số ít thiết chế xã hội đem lại cho con người cảm giác về sự hạnh tồn (well-being).

Báo cáo đi tới khuyến cáo rằng nhà trường truyền thống với tư cách là các khuôn viên giáo dục cần phải được bảo vệ vì đó chính là nơi đem đến cho người học những thử thách cùng những khả năng, sự hòa nhập, tính công bằng, sự hạnh tồn cho cá nhân cũng như tập thể mà không thiết chế nào khác có thể làm được. Công nghệ số phải được sử dụng và phát huy với mục đích chủ yếu là hỗ trợ chứ không phải thay thế nhà trường. Tuy nhiên, chính vai trò ngày càng lớn mạnh của công nghệ số buộc nhà trường truyền thống phảichuyển đổi và thiết kế lại, từ kiến trúc nhà trường, bố trí lớp học đến chương trình đào tạo, phương pháp sư phạm, cách dạy, cách học, cách đánh giá.

Với việc thiết kế lại trường đại học truyền thống dưới tác động của yêu cầu chuyển đổi số, một mô hình mới về trường đại học đang hình thành. Đó là trường đại học hỗn hợp, hay còn gọi là trường đại học lai (hybrid university).

Trường đại học lai

Trường đại học lai chính là trường đại học được tổ chức theo hướng phát huy cả lợi thế của trường đại học truyền thống lẫn lợi thế của trường đại học số. Nghĩa là trong trường đại học lai, sinh viên vừa có những buổi học trực tiếp bên trong nhà trường vừa có những buổi học trực tuyến ngoài nhà trường.

Mối quan hệ (nối tiếp hoặc song song; đồng thời hay không đồng thời) giữa các buổi trực tuyến và trực tiếp; mối quan hệ về tỷ lệ thời gian giữa số buổi trực tiếp và số buổi trực tuyến; mối quan hệ về mức độ tương tác trong các buổi học trực tiếp và trực tuyến là những vấn đề mà từng cơ sở GDĐH phải giải quyết trong bối cảnh cụ thể của mình. Không có một công thức tốt nhất về mối quan hệ phối hợp giữa trực tuyến với trực tiếp trong việc trả lời các câu hỏi dạy cái gì, cho ai, bởi ai, ở đâu, lúc nào, như thế nào.

Trường đại học lai, một khi được tổ chức thực hiện tốt, sẽ có những lợi thế nổi trội sau đây: 1) Việc dạy và học được tổ chức linh hoạt, đáp ứng các như cầu học tập đa dạng của người học; 2) Trường đại học lai mở rộng cơ hội tiếp cận GDĐH đến một phạm vi rộng lớn người học, bao gồm cả chính quy và không chính quy; 3) Quy trình đào tạo vẫn bảo đảm một cấu trúc cần phải tuân theo, một khối lượng công việc cần phải hoàn thành, do đó vẫn tạo áp lực về kỷ luật học tập; 4) Những lợi ích của việc tương tác theo thời gian thực qua giao lưu, giao tiếp trực tiếp với giảng viên và bạn bè vẫn được bảo đảm; 5) Chất lượng giáo dục được cải thiện.

Hiện, còn quá sớm để nói rằng trường đại học lai sẽ là mô hình trường lớp chủ đạo của GDĐH hậu covid. Dù vậy, với những gì đang diễn ra thì chắc chắn trường đại học lai sẽ là một phần thiết yếu của hệ sinh thái GDĐH trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Pew Research Center. 2012. The future impact of the internet on higher education. Washington, D. C.: Pew Research Center’s Internet and American Life Project.

[2] Julie Voce. 2019. Bricks will be replaced by clicks – Campus for the future – EUNIS19.

[3] UNESCO. 2021. Reimagining our futures together. A new social contract for education. Paris: UNESCO4

Ban TT&SV