Trí thông minh đa diện và những ứng dụng trong giáo dục
Ngày 06/08/2021
Theo Howard Gardner, có những dạng trí năng không đòi hỏi phải đi kèm với trải nghiệm sống; và ngược lại, điều kiện cần thiết để phát triển của một số dạng trí năng lại đòi hỏi phải tích lũy trải nghiệm sống phong phú, bao gồm những tương tác qua lại giữa chủ thể với những cá nhân khác. Ảnh: encuentromundialdevalores.org/
Tình trạng các chương trình dạy học đang dành tỷ trọng ưu tiên quá lớn cho sự phát triển năng lực ngôn ngữ và logic-toán đã làm giảm bớt khả năng phát triển các dạng trí khôn khác.
Howard Gardner (1943) là giáo sư về giáo dục tại Đại học Harvard. Từ nhiều năm nay, ông đã tiến hành những nghiên cứu về khả năng nhận thức của nhân loại. Lý thuyết của ông đi ngược lại với những trào lưu lý thuyết truyền thống về nhận thức. Các lý thuyết trước đây thường dựa trên hai niềm tin cơ bản: thứ nhất-năng lực của nhận thức là hoàn toàn xác định; thứ hai-có thể mô tả đầy đủ về mỗi cá nhân thông qua các “thao tác đánh giá định lượng” trí thông minh của họ.
Trong khi đó, những nghiên cứu của Howard Gardner không chỉ chứng minh cho thấy các dạng thức của trí thông minh ở con người phong phú hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thường nghĩ, mà còn đưa ra một định nghĩa mới mẻ và rất thực tế về trí thông minh. Thay vì xem “trí thông minh” của con người như một tập hợp kết quả thu được từ một bài “test” được chuẩn hóa, Howard Gardner định nghĩa trí thông minh như sau:
– khả năng giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày;
– khả năng phát hiện ra các vấn đề mới và giải quyết chúng;
– khả năng đạt được những thành tựu và cung cấp được những dịch vụ hay giải pháp ứng dụng được một nhóm văn hóa nào đó trong cộng đồng đánh giá cao.
Định nghĩa này cho thấy Howard Gardner nhấn mạnh tới bản chất đa văn hóa trong hệ thống lý thuyết của ông.
Tám dạng trí khôn
Trong tác phẩm Frames of Mind: Theory of Multiple Intelligences xuất bản vào năm 1983 (được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Cơ cấu trí khôn: Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn” – Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức ấn hành), lần đầu tiên Howard Gardner trình bày một cách hệ thống về “Lý thuyết trí thông minh đa diện”, một lý thuyết có những đóng góp quan trọng làm nổi bật khía cạnh đa văn hóa trong nhận thức của con người. Có thể mô tả tóm tắt về tám loại hình trí khôn được Howard Gardner đề xuất (thuật ngữ “trí năng” được sử dụng dưới đây sẽ được hiểu như là một dạng năng lực của trí tuệ) như sau:
1. Trí năng ngôn ngữ: Khả năng nắm bắt và tư duy bằng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ những vấn đề phức tạp. Các tác giả, nhà văn, nhà báo, diễn giả, người hành nghề quảng cáo… là những người thể hiện năng lực sử dụng ngôn ngữ ở một trình độ cao.
2. Trí năng logic-toán: Khả năng tính toán, định lượng, phân tích các mệnh đề và các giả thuyết, khả năng thực hiện những thao tác toán học phức tạp. Các nhà khoa học, nhà quản trị tài chính, kỹ sư, lập trình viên đều đòi hỏi phải sở hữu một trí tuệ logic-toán đủ mạnh.
3. Trí năng thể chất-vận động: Khả năng sử dụng khéo léo các đồ vật, khả năng thực hiện những hoạt động, khả năng thực hiện những động tác của cơ thể với một độ khéo léo và chính xác cao. Trong các xã hội Phương Tây trước đây, các kỹ năng thể chất không được xem là một khả năng nhận thức. Tuy nhiên, như Howard Gardner nhấn mạnh, kỹ năng thể chất, khả năng sử dụng các bộ phận cơ thể trong một số trường hợp là yếu tố sống còn và là tiêu chuẩn quan trọng của một số ngành nghề danh giá, có thể kể ra ở đây các trường hợp của các bác sĩ phẫu thuật, nghệ nhân, vận động viên và vũ công.
4. Trí năng thị giác-không gian: Đó là khả năng tưởng tượng và tư duy trong các không gian ba chiều. Người nào có năng lực thị giác-không gian sẽ dễ dàng cảm nhận và tri giác được các hình ảnh bên ngoài và bên trong, có khả năng tái tạo, chuyển dịch và biến đổi những hình ảnh đã được tri giác đó. Các điêu khắc gia, họa sĩ, kiến trúc sư, phi công, thủy thủ là những người cần tới dạng năng lực này.
5. Trí năng âm nhạc: Các cá nhân sở hữu dạng năng lực trí tuệ này sẽ có một độ nhạy cảm với âm điệu, giai điệu, tiết tấu và những vấn đề về âm thanh nói chung. Các nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà phê bình âm nhạc, nhà sản xuất nhạc cụ, các thính giả cao cấp và tinh tế đều là những người sở hữu năng lực dạng này.
6. Trí năng tương tác xã hội: đó là năng lực thấu hiểu người khác và tương tác hiệu quả với họ. Khi nền văn minh Phương Tây bắt đầu phát hiện ra mối quan hệ “thể xác-tinh thần” cũng là lúc nó đề cao tầm quan trọng của tính hiệu quả trong quan hệ tương tác giữa các cá nhân. Dạng năng lực này thường xuất hiện ở những người thầy giỏi, các nhân viên xã hội, các nghệ sĩ và các chính trị gia.
7. Trí năng nội tâm: Năng lực trí tuệ được xây dựng dựa trên khả năng tự thấu hiểu bản thân mình và biết cách sử dụng những hiểu biết đó để lên kế hoạch định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình. Những cá nhân có được năng lực trí tuệ này thường đi sâu vào các lĩnh vực thần học, tâm lý học hay triết học.
8. Trí năng thiên nhiên: là khả năng quan sát nhậy bén để phát hiện ra những quy luật xuất hiện trong môi trường tự nhiên, biết nhận dạng và phân loại các đối tượng, hiểu được các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra. Trong số những người có trí thông minh tự nhiên vượt trội, người ta thường gặp những nhà nông học, thực vật học, nhà nghiên cứu môi trường, thợ săn và nông dân.
Howard Gardner rất cẩn trọng khi nhấn mạnh rằng các dạng trí thông minh của con người không chỉ bó hẹp trong tám dạng mà ông đã nhắc tới. Trong cuốn “Intelligence Reframed” (Trí thông minh tái cấu trúc) xuất bản năm 1999, Howard Gardner nhận định, chắc chắn còn tồn tại những dạng trí năng khác chưa được nghiên cứu, và nhắc tới những năng lực trí tuệ mà chúng ta có thể đặt tên là: “hiện sinh”, “đạo đức” hay “tâm linh”.
Trong đó, trí năng “hiện sinh” được đặc trưng bằng thói quen luôn tự vấn về ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Howard Gardner đã không thể xác định được vị trí của nó trong não bộ vì thế ông cho rằng còn quá sớm để đưa nó vào trong danh sách các loại năng lực trí tuệ đã được thừa nhận. Trí năng “đạo đức” liên quan đến “khả năng đưa ra những đánh giá về giá trị” mà Howard Gardner thì luôn cho rằng các dạng trí thông minh mà ông nghiên cứu bản chất là “trung tính” về mặt đạo đức vì thế ông không coi phẩm chất trí tuệ này là một dạng trí năng. Cũng tương tự như vậy, trí năng “tâm linh” cho phép chúng ta nắm bắt các sự thật về vũ trụ, các hiện tượng siêu việt nhưng nó lại phụ thuộc một phần lớn vào năng lực tình cảm của chúng ta. Vì thế Howard Gardner vẫn chỉ dừng lại ở danh sách 8 dạng trí năng kể trên và ông tin rằng chúng đủ để xây dựng một bức tranh về nhận thức chính xác hơn nhiều so với những lý thuyết trước đây.
Howard Gardner cũng nhấn mạnh, bản thân mỗi một trong tám dạng trí năng nói trên lại được hợp thành từ những dạng trí năng “thành phần”, ví dụ như trí năng âm nhạc sẽ bao gồm các năng lực như: chơi nhạc, ca hát, sáng tác, chỉ huy dàn nhạc, phê bình âm nhạc hay đơn giản chỉ là khả năng thưởng thức âm nhạc.
Chúng ta cũng có thể sắp xếp lại 8 dạng trí năng mà Howard Gardner đưa ra và phân chia thành 3 nhánh lớn. Đầu tiên, bốn dạng trí năng: trí năng thị giác-không gian; logic-toán học; thể chất-vận động và trí năng tự nhiên có thể xem là những loại năng lực trí tuệ “gắn với đối tượng”, chúng phụ thuộc vào các đối tượng tồn tại trong môi trường và có mối tiếp xúc với con người. Nhánh thứ hai sẽ bao gồm các trí năng “không gắn với đối tượng”, đó là những dạng trí năng ngôn ngữ và âm nhạc. Những dạng trí năng này không được xác định từ môi trường vật lý mà từ những hệ thống như ngôn ngữ và âm nhạc. Và cuối cùng là nhánh thứ ba: những trí năng gắn với con người – trí năng tương tác xã hội và trí năng nội tâm.
Mỗi dạng năng lực trí tuệ nêu ở trên đều có một quá trình phát triển đặc thù, chúng xuất hiện và nảy nở ở những thời điểm khác nhau của cuộc sống. Trí năng âm nhạc chẳng hạn, đó là một dạng “năng khiếu thiên phú”, sự xuất hiện của nó cho đến nay vẫn luôn là một điều bí ẩn. Howard Gardner đưa ra giả thuyết rằng những thành công trong âm nhạc xuất hiện từ rất sớm ở những “thần đồng” như Mozart có thể giải thích từ việc dạng trí năng này không đòi hỏi phải đi kèm với những trải nghiệm sống. Ngược lại, điều kiện cần thiết để phát triển của trí năng tương tác xã hội và trí năng nội tâm lại đòi hỏi phải tích lũy những trải nghiệm sống phong phú, bao gồm những tương tác qua lại giữa chủ thể với những cá nhân khác.
Howard Gardner kiên định lập trường rằng, trí thông minh là độc lập với những đánh giá về đạo đức. Vấn đề đạo đức chỉ xuất hiện câu hỏi “con người này đã sử dụng trí thông minh của mình vào mục đích gì?”. Goebbels kẻ đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Đức quốc xã và Gandhi, người sáng lập ra thuyết Bất bạo động đều có một trí năng tương tác xã hội ở mức phát triển rất cao, nhưng hai người này sử dụng những năng lực của mình vào những mục đích hoàn toàn trái ngược nhau. Vì thế cái cách sử dụng trí thông minh của các cá nhân trong xã hội là một vấn đề đạo đức có tầm quan trọng thiết yếu.
Sự sáng tạo sẽ được thể hiện qua các trí năng đặc thù. Tuy nhiên, theo Howard Gardner, phần lớn các cá nhân chỉ có khả năng sáng tạo trong một vài lĩnh vực nhất định. Ví dụ như Einstein thực sự là một thiên tài về toán học và khoa học, nhưng ở ông, người ta không hề nhìn thấy dấu hiệu xuất sắc nào của những trí năng dạng cơ thể-vận động hay tương tác xã hội. Hầu hết các cá nhân chỉ có thể thành công xuất sắc với một vài dạng trí năng mà họ sở hữu.
Hiện nay, tình trạng các chương trình dạy học đang dành tỷ trọng ưu tiên quá lớn cho sự phát triển năng lực ngôn ngữ và logic-toán đã làm giảm bớt khả năng phát triển các dạng trí khôn khác. Kết quả là những học sinh không thành công trong việc chứng minh khả năng của họ ở những môn học “ chủ lực” nói trên sẽ đánh mất sự tự tin vào chính mình. Những khả năng khác của họ, do không được chú ý khai thác và bồi dưỡng, sẽ bị thui chột, đó là một sự thiệt thòi với cá nhân họ và một sự mất mát đối cho xã hội.
Ngay cả những kiến thức và kỹ năng cơ bản mà hiện nay tất cả các học sinh được yêu cầu nắm vững (ngôn ngữ, toán học, lịch sử và các môn khoa học) cũng không nên dạy theo cùng một cách với các đối tượng khác nhau. Sự chán nản, những kết quả kém cỏi chắc chắn sẽ giảm đi nhiều nếu giáo viên cung cấp kiến thức theo những cách thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Nhiệm vụ của người giáo viên là phải tìm ra những con đường “hợp lý” đó. Muốn vậy, cần thiết lập một cách tiếp cận “đa phương thức” sao cho mỗi học sinh có cơ hội khám phá các sở thích, năng khiếu và khả năng sáng tạo của mình trong một vài lĩnh vực nào đó. Chương trình giáo dục cần được thiết kế có độ “mở” nhất định, trong đó có tính đến sự phong phú về thiên hướng và sở thích tự nhiên của từng cá nhân học sinh.( Theo Báo ĐT: khoa học phát triển)
Ban TT& SV