Toàn văn phát biểu của PTT Vũ Đức Đam trong Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức”

Ngày 07/03/2017

Tôi muốn phát biểu với hội thảo hôm nay như một tham luận.

Trước hết tôi thấy: Cách hiểu về tự chủ ĐH hiện nay bị “lệch” quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, học thuật, bộ máy tổ chức, nhân sự. Chúng ta cần nhìn nhận cho đúng bản chất của tự chủ đại học.

Trong cải cách giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, phản ứng tốt trước tác động của thị trường luôn thay đổi và với những yêu cầu mới của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Lãnh đạo Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, tự chủ đại học ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm trước, nhưng tiến triển rất chậm. Hiện nay vấn đề tự chủ đại học được cho là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.

Toàn văn phát biểu của PTT Vũ Đức Đam trong Hội thảo “Tự chủ Đại học – Cơ hội và thách thức”

Giáo dục đại học có vấn đề về chất lượng đào tạo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đổi mới là một quá trình liên tục.Việt Nam thường xuyên đổi mới giáo dục, nhưng vì xét thấy xu thế thế giới, thực trạng giáo dục trong nước cần phải đổi mới căn bản và toàn diện nên Trung ương có Nghị quyết 29.

Về thực trạng giáo dục đại học hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng: “Có rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học “có vấn đề”, ví dụ số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Đương nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, nhưng rõ ràng cũng có vấn đề về chất lượng đào tạo. Nếu Việt Nam có thật nhiều cử nhân ra cử nhân, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ thì đó là nguồn lực thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, Phó Thủ tướng nêu một ví dụ, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI; 20.000 tạp chí Scorpus thì không có một tạp chí nào thuộc một trường ĐH của Việt Nam. Cùng với đó mô hình sáng tạo quốc gia hiện nay khiến các trường ĐH đứng ngoài các chương trình nghiên cứu khoa học.

“Đây là hai trong nhiều chỉ số, hai trong nhiều góc nhìn cho thấy chúng ta cần đổi mới giáo dục ĐH toàn diện, mạnh mẽ bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì ĐH gần hơn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Không copy kinh nghiệm của bên ngoài

Phó Thủ tướng Đam cho rằng, nguyên tắc đổi mới là phải phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới, chúng ta không copy kinh nghiệm của bên ngoài. Việt Nam có đặc thù nhưng không thể lấy đặc thù đấy để át đi, che đi xu thế tất yếu của thế giới, của thời đại.Đại học trên thế giới ở những nước nền đại học tiến tiến, có nền giáo dục tiên tiến có xu thế phát triển đại học thì điều dễ nhận thấy nhất là tự chủ.

Đi sâu vào sự cần thiết phải tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý các nhà trường: Trường đại học là môi trường cần sự khai phóng, sáng tạo, có mặt bằng trình độ, hiểu biết cao. Đặc biệt, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình xã hội.

Tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm và trao quyền tự chủ đại học cho 14 trường ĐH, CĐ và Học viện.Tuy nhiên, khi triển khai cách hiểu về tự chủ ĐH “lệch” quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, học thuật; bộ máy tổ chức, nhân sự.Chúng ta cần nhìn nhận cho đúng bản chất của tự chủ đại học.

Về tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu khoa học, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc, so với quyền của các ĐH quốc gia, ĐH vùng lúc mới thành lập thì những trường ĐH tự chủ gần đây thậm chí được nhiều quyền hơn.

Liên quan đến bộ máy tổ chức, nhân sự, Phó Thủ tướng cho biết về nguyên tắc Bộ Nội vụ hoàn toàn đồng tình đối với các ĐH tự chủ được toàn quyền quyết định về nhân sự, “tuyển ai, như thế nào không cần phải làm đề án, mô tả vị trí việc làm như Luật Viên chức”; tự quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong.

Ngân sách Nhà nước không cắt ngay tiền đầu tư cho giáo dục ĐH

Đề cập đến lo ngại của nhiều trường ĐH khi tự chủ sẽ không được ngân sách Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng nêu thực tế ở những quốc gia như Đức, Pháp trường ĐH tự chủ rất nhiều nhưng ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí.

Nói về quy định cho phép các trường ĐH tự chủ được quy định mức học phí cao sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con em nông dân, người nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng mối quan tâm đấy là hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, có thực tế cần tính đến là với mức học phí hiện quá thấp trong khi ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư thì không thể nâng cao chất lượng ĐH đầu ra. Cùng với đó, hàng năm có rất nhiều sinh viên, học sinh phổ thông ra nước ngoài học hoặc “du học tại chỗ” với mức học phí cao gấp hàng trăm lần học phí trong nước. Vì vậy, việc nâng học phí để nâng chất lượng đào tạo ĐH nhằm thu hút người học có khả năng chi trả và kết hợp với ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho sinh viên nghèo, con em nông dân, đối tượng chính sách… không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các em.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Ngân sách Nhà nước không cắt tiền đầu tư cho giáo dục ĐH nhưng cần thay đổi cách thức để tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm của nhà trường. Tự chủ không phải là Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục ĐH chỉ có điều thay đổi cách đầu tư””.

Phó Thủ tướng đã đưa ra dẫn chứng một số trường đại học như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân dù đã được trao cơ chế tự chủ đại học, nhưng Nhà nước vẫn đứng ra vay vốn để hỗ trợ đầu tư phát triển.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như các bộ ngành cần rà soát, tháo gỡ từng bước tiến tới bỏ toàn bộ các quy định quản lý Nhà nước không cần thiết đối với các trường ĐH, đối với một nền giáo dục tiên tiến.

Xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả

Vấn đề vướng mắc rất lớn đối với tự chủ ĐH, theo Phó Thủ tướng là mô hình quản trị đại học rất cần bàn thảo sâu và nếu không có đột phá điểm này thì rất khó thực hiện tự chủ ĐH.

Phó Thủ tướng cho rằng mô hình hội đồng trường là nhằm tăng quyền tự chủ của trường ĐH, chuyển từ mô hình quản trị hành chính một thủ trưởng sang mô hình quản trị là cá nhân kết hợp với tập thể khi các cơ quan hành chính chủ quản không còn can thiệp vào hoạt động của trường. Nhưng thực tế thời gian qua, hội đồng trường trong các trường công lập chưa phát huy được vai trò đúng nghĩa, quyền lực vẫn tập trung vào hiệu trưởng.

Phó Thủ tướng cho biết, dự thảo nghị định của Chính phủ về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đối với khối ĐH sẽ đặt hội đồng trường là cơ quan quản lý cao nhất, toàn quyền lựa chọn Hiệu trưởng, Hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương”.(theo Báo Dân trí, ngày 1/10/2016)