MỘT CUỘC TỌA ĐẢM BỔ ÍCH VỀ HỘI ĐỒNG TRƯỜNG

Ngày 21/12/2020

Tự chủ Đại học là xu thế tất yếu để các trường đại học công lập đổi mới mạnh mẽ và phát triển. Khâu then chốt của hành trình đi tới tự chủ hoàn toàn là phải có Hội đồng trường(HĐT) thực sự đủ sức, đủ lực. Nhận thức về Hội đồng trường thế nào cho đúng, quan hệ giữa Hội đồng trường với Ban Giám hiệu và Đảng ủy trường như thế nào cho đúng ? … đang là vấn đề lúng túng trong triển khai tại các trường đại học công lập được tham gia quá trình tự chủ đại học. Từ chủ trương đến thực tiễn hóa ra còn nhiều điều chưa được hướng dẫn, gây khó cho các trường.

Nắm bắt những băn khoăn, lúng túng này, ngày 17/12/2020 Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đã khởi xướng cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chức năng Chủ tịch Hội đồng trường đại học, học viện”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội chủ trì hội nghị; TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội cùng các Ủy viên Thường trực Hiệp hội và Chủ tịch H ĐT của 21 trường đại học, học viện cùng tham dự.

Tại cuộc tọa đàm, các vị Chủ tịch Hội đồng trường của nhiều trường đại học đã đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội tổ chức kịp thời cuộc tọa đàm bổ ích, thiết thực này; Đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập HĐT, xây dựng quy chế hoạt động của HĐT, xây dựng các văn bản pháp lý liên quan để bộ máy nhà trường hoạt động trong điều kiện có HĐT. Đặc biệt là giải quyết mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐT với Bí thư Đảng ủy, với Hiệu trưởng nhà trường sao cho là quan hệ phối hợp chứ không gây khó dễ cho các chức vụ này.

Ngay cả vấn đề nhận thức sao cho đúng Chủ sở hữu của trường đại học công lập sau khi chuyển sang tự chủ cũng chưa thấu đáo. Chủ sở hữu là Nhà nước, hay là sở hữu toàn dân? Ai là đại diện chủ sở hữu hợp pháp của trường đại học khi đã được tự chủ?  Những vấn đề cơ bản này cũng chưa được các cấp quản lý nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể, cho nên các cơ quan quản lý và lãnh đạo trường còn hiểu rất khác nhau.Từ đó dẫn tới quan điểm và hành vi quản lý cũng khác nhau, thậm chí vênh nhau, xung đột nhau.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đã trao đổi với các vị chủ tịch H ĐT một số nhận thức cơ bản xung quanh các nội dung mà các vị chủ tịch HĐT chưa hiểu đúng.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, vấn đề này đã nói đến trong các văn bản của Đảng, Nhà nước về tự chủ đại học. Tuy nhiên, ngay cả Điều 34 Luật GD ĐH và Nghị định số 99 của Chính phủ gần đây cũng vẫn chung chung, chưa cụ thể, nên các trường khó triển khai. Nếu tổ chức Hội đồng trường không tốt, hoạt động của HĐT không đúng cơ cấu thành phần, không đúng chức năng thì sẽ rối, và khi xảy ra rối thì rõ ràng chủ trương tự chủ đại học không thành công.

Do thời gian cuộc tọa đàm có hạn, Ban Tổ chức thấy rằng, nhiều vấn đề của tự chủ đại học, của HĐT…  cần có thêm các cuộc tọa đàm tiếp theo để bàn thảo làm rõ. Một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình tự chủ đại học nhất định phải được tập hợp đầy đủ và có kiến nghị bằng văn bản của Hiệp hội lên các cấp thẩm quyền để tháo gỡ.

Chính vì vậy, Hiệp hội gợi ý sẽ thành lập Câu lạc bộ các Chủ tịch HĐT để thực hiện các nhiệm vụ trên. Hầu hết các vị chủ tịch HĐT tham gia cuộc tọa đàm đều tán thành việc thành lập CLB chủ tịch HĐT trong thời gian tới, dự kiến ra mắt CLB này vào tháng 3/2021.

Văn Đình Ưng