Bộ GD-ĐT: Không để xảy ra việc kỳ thị các trường hợp F0

Ngày 11/02/2022

Các trường không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh

Công điện mới của Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần có phương án tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học, tuyệt đối không để xảy ra việc kỳ thị các trường hợp F0.

Trong bối cảnh các tỉnh thành đang lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2 này, ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc các Sở GD-ĐT về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp, các cơ sở giáo dục cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp. Với các em học sinh lớp 1 chưa từng tới trường, nhà trường cần: phổ biến các quy định về học tập và sinh hoạt tại trường; tổ chức các hoạt động để tạo hứng thú và trạng thái thoải mái cho học sinh tới trường; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp F0.
Nhằm tránh gây áp lực, quá tải, các trường cần tiếp tục tổ chức dạy học những nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, các trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, “nhất là đối với các học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh”, Bộ GD-ĐT lưu ý.
Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kì theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường và từ trường về nhà; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời. Dù chấp hành nghiêm ngặt việc phòng dịch, nhưng Bộ GD-ĐT cũng đồng thời lưu ý các cơ sở giáo dục và phụ huynh “không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh”.
Trong quá trình khởi động trở lại việc học trực tiếp, ngành giáo dục đang phải đối mặt với một số khó khăn, tiêu biểu là “tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học” – ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương chia sẻ trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu vào ngày 9/2 vừa qua.
Bên cạnh đó, dù tỉ lệ học sinh quay trở lại học trực tiếp vẫn tăng theo từng ngày, hiện đạt trên 80% toàn tỉnh, nhưng “tâm lý của không ít phụ huynh vẫn còn băn khoăn khi cho con trở lại học tập vì chưa được tiêm vaccine”. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn địa phương chưa thể cho học sinh đi học trực tiếp trở lại (TP Dĩ An), vì vậy ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT kéo dài thêm thời gian kết thúc năm học và sớm công bố kế hoạch kết thúc năm học bậc THCS, THPT cùng thời gian thực hiện thi tốt nghiệp để ngành chủ động kế hoạch hoàn thành năm học.
Ban TT&SV