Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thường trực Hiệp hội và một số trường đại học tư thục

Ngày 12/05/2017

Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống các trường ngoài công lập hiện đang gặp nhiều khó khăn, trong số đó có những nguyên nhân chủ quan, khách quan và những thách thức từ thực tiễn hoạt động.

Các trường ngoài công lập TOP đầu đang có xu hướng chững lại, và giảm sút về quy mô sinh viên, rất nhiều trường ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ sáp nhập, giải thể.

Nhận thấy những khó khăn, thách thức, và những tâm tư của lãnh đạo các trường ngoài công lập, đồng thời cũng mong muốn có được cái nhìn toàn diện hơn quá trình phát triển cũng như những vướng mắc mà các trường gặp phải, ngày 11/05/2017 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Hiệp hội và một số trường đại học tư thục để làm rõ vấn đề này.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các trường và hiệp hội đã bày tỏ những chia sẻ về các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập đang gặp phải.

Hiện nay các trường ngoài công lập đang đứng trước 3 thách thức lớn:

Thứ nhất, đó là vấn đề về chính sách. Mặc dù những chính sách vĩ mô dành sự quan tâm rất lớn đến vấn đề phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, bằng việc đưa ra rất nhiều những quyết sách lớn. Tuy nhiên, các chính sách này mới chỉ nằm nhiều ở tầm vĩ mô, khi triển khai xuống còn gặp nhiều khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của các cấp.

Có thể đưa ra một điển hình, là có rất nhiều địa phương vẫn còn e dè, thậm chí một vài địa phương có xu hướng không tuyển dụng sinh viên các trường ngoài công lập vào công chức, viên chức, gây ra những tâm lý xã hội mặc định việc học các trường tư thục rất khó khăn trong vấn đề tuyển dụng.

Thứ hai, là vấn đề tâm lý xã hội, hệ tư tưởng còn nặng nề trong vấn đề cho con em học trường công lập, vấn đề này không chỉ nằm cụ thể ở công tác tuyển dụng công chức, viên chức, mà còn nằm ở hầu hết, ở các khía cạnh khác như: học trường công lập thì chất lượng tốt hơn, học trường công lập thì kinh phí rẻ hơn, hoặc tâm lý trọng trường công lập, tự hào về con em mình được học tại các trường công lập. Vấn đề này nếu nhìn nhận ở góc độ xã hội thì không thuộc trách nhiệm của ai, nhưng nếu nhìn góc độ quản lý nhà nước, thì công tác tuyên truyền chưa đi sâu, đi đúng. Vì thời điểm bắt đầu phát triển hệ thống trường ngoài công lập đã hơn 20 năm, quãng thời gian đủ dài cho một chiến lược tuyên truyền đúng đắn và phù hợp chủ trương, phù hợp xu hướng.

Thứ ba, khó khăn do sự cạnh tranh trong điều kiện “thiếu công bằng” đối với các trường công lập. Các trường công lập không chỉ được sự hỗ trợ về mọi mặt (cơ sở vật chất, tài chính, các chính sách phát triển nguồn lực…) mà còn nhận được sự hỗ trợ trong rất nhiều chính sách sát sườn, trong công tác tuyên truyền, trong các phát biểu của cơ quan quản lý nhà nước.

Các ý kiến chia sẻ của lãnh đạo các trường còn đề cập đến vấn đề khó khăn trong công tác mở mã ngành đào tạo, hợp tác quốc tế….

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng có những ý kiến phản hồi, trân trọng những chia sẻ của các trường, và cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các trường, lắng nghe và chia sẻ để đưa ra những kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo cấp Nhà nước nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, phù hợp hệ thống các trường ngoài công lập, theo đúng tinh thần và chủ chương của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, tại Việt Nam đã có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường đại học và 24 trường cao đẳng) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% sinh viên của cả nước.

Đinh Hoàng