Thông báo tình hình hoạt động của Hiệp hội quý III năm 2016

Ngày 07/03/2017

Kính gửi: Các trường hội viên của Hiệp hội

(Các Đại học, các Trường Đại học, Học viện, Viện và các Trường Cao đẳng) 

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hiệp hội trong năm 2016, Thường trực Hiệp hội trân trọng Thông báo tới Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các đồng chí Lãnh đạo Hiệp hội và các trường thành viên kết quả các hoạt động chính, quan trọng đã được triển khai thực hiện trong Quý III/2016 và các công việc sẽ triển khai trong Quý IV/ 2016.

I/ Một số hoạt động chính, quan trọng đã triển khai trong Quý III/2016

  1. Thực hiện chức năng của mình, Hiệp hội đã có công văn gửi Thủ tướng

Chính phủ (lần thứ 4) bày tỏ quan điểm ủng hộ đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thống nhất một đầu mối nhà nước quản lý giáo dục, đào tạo, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

  1. Đóng góp ý kiến với Bộ GD&ĐT về Quy chế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp

trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017.

Ngay từ vài năm trước đây, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (VIPUA nay là Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (AVU&C) đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ Phương án đổi mới tổ chức thi tốt nghiệp THPT và các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học, thay cho tổ chức thi 3 chung nặng nề, phức tạp và tốn kém.

Mới đây, Bộ đã công bố lấy ý kiến cho dự thảo Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 so với Phương án đã thực hiện trong năm 2016 đã có thêm những điểm mới, tiến bộ. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn phải tiếp tục đổi mới để kỳ thi từ năm 2018 trở đi, chất lượng toàn diện hơn hiện nay, “học gì thi nấy”, sẽ thi 5 môn bắt buộc, trong đó có 3 môn đơn (toán, ngữ văn, ngoại ngữ ) và 2 môn tổ hợp: khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (Lịch sử, ĐỊa lý, Giáo dục công dân), không còn môn tự chọn như năm 2017.

  1. Hiệp hội cũng đã tổ chức buổi gặp mặt chuyên đề với các phóng viên Báo chí, Đài Trung ương và địa phương để trao đổi về quan điểm nhất quán của Hiệp hội đối với cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hơn 70 phóng viên của 50 đơn vị đã tới dự và cùng trao đổi rất thân tình và hết sức thẳng thắn. Qua cuộc trao đổi, nhiều nội dung của các tin, bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng đã được các nhà báo và xã hội hiểu rõ hơn, yên tâm hơn đối với phương án mà Bộ đã đưa ra.
  2. Nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội thảo Tự chủ đại học, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức một số Đoàn công tác đến thăm và làm việc với các trường đại học, cao đẳng, để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của các trường, từ đó có những đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có liên quan (Trường Đại học Công nghiệp Dệt-May Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Nguyên, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội,…)
  3. Tổ chức Hội thảo quốc gia về Tự chủ đại học

Các văn bản chủ trương, chính sách về tự chủ đại học của Đảng và Nhà  nước đã được ban hành. Đó là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục đại học nước nhà. Qua thí điểm ở một số trường, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, tạo tiền đề cho việc mở rộng chủ trương tự chủ đối với các trường khác.

Ngày 30/9/2016, Hiệp hội đã tổ chức cuộc hội thảo về Tự chủ đại họccơ hội và thách thức. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi đến thăm và làm việc với Hiệp hội ngày 05/5/2016 đã đồng tình, ủng hộ ý tưởng này của Hiệp hội và theo đề nghị của Hiệp hội, Bộ đã gửi công văn nhắc các trường tham gia hội thảo.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã hỗ trợ, phối hợp cùng với Hiệp hội tổ chức Hội thảo. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã hết sức nhiệt tình hỗ trợ Hiệp hội tổ chức cuộc hội thảo với tinh thần trách nhiệm cao, tạo điều kiện để cuộc hội thảo thành công như mong muốn.

Trên  350 người (trong đó có 310 người của 168 trường) đã tham dự hội thảo để theo dõi nội dung báo cáo tham luận của chuyên gia các bộ, ban, ngành trong nước, chuyên gia của SEAMEO và của Lãnh đạo các trường đã và đang thực hiện tự chủ. Đặc biệt, bài phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thu hút sự chú ý của tất cả đại biểu tham gia hội thảo, giải tỏa được nhiều băn khoăn, lo lắng của một số Lãnh đạo trường đối với việc xây dựng đề án thực hiện tự chủ đại học.

Có thể nói rằng, Hội thảo Tự chủ đại học – Cơ hội và Thách thức đã có sự chuẩn bị chu đáo, có sự hỗ trợ và phối hợp tốt giữa Hiệp hội với các cơ quan, nhà trường và nhất là có sự hưởng ứng tích cực tham gia của nhiều hội viên. Hội thảo đã đạt được hiệu quả như mong muốn, để lại ấn tượng tốt đẹp cũng như nhiều kinh nghiệm hay cho các lần tổ chức tiếp theo.

 Một số hoạt động sẽ được triển khai trong thời gian tới

  1. Tổ chứ hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”, thời gian 3 ngày, khai mạc 21/10/2016, tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Phố Lê Thạch, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  2. Tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập kết hợp tổ chức tọa đàm về các giải pháp để củng cố duy trì và phát triển bền vững khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập do Câu lạc bộ các trường NCL tổ chức, thời gian 1 ngày. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất quan tâm, muốn dành thời gian tới tham dự buổi tọa đàm này. Dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11/2016.

 3. Tọa đàm khối các trường cao đẳng sư phạm. Bộ GD&ĐT cũng rất muốn được trực tiếp nghe tâm tư nguyện vọng của các trường, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 11/2016 tại Hà Nội.

 4. Tổ chức hội nghị định kỳ hàng năm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra dự kiến giữa tháng 12/2016.

Những hội thảo, tọa đàm, hội nghị dự kiến trên, Thường trực Hiệp hội sẽ gửi Giấy mời cụ thể tới các đại biểu sau.

 III. Về tình hình thực hiện đóng hội phí:

Đầu tháng 7/2016, Thường trực Hiệp hội đã gửi Thông báo tình hình hoạt động của Hiệp hội 6 tháng đầu năm 2016 và nhắc hội viên đóng hội phí năm 2016. Đến nay, Văn phòng Hiệp hội đã nhận được hội phí của 118 trường gửi vào tài khoản Quỹ của Hiệp hội. Với nguồn kinh phí đã nhận được, Thường trực Hiệp hội thấy rất khó khăn trong việc chi trả các chi phí duy trì hoạt động thường xuyên của Hiệp hội và tổ chức các hoạt động bề nổi khác phục vụ cho quyền lợi của Hội viên và sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới.

Vì vậy, Thường trực Hiệp hội trân trọng đề nghị Đồng chí Hiệu trưởng những  trường (chưa đóng hội phí năm 2015 và 2016) thực hiện đóng hội phí để Thường trực có nguồn kinh phí tiếp tục triển khai thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của Hiệp hội đã đề ra.

Tên tài khoản: HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM

Số tài khoản: 0011004233505

Tại: Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Sở giao dịch Hà Nội

Trên đây là một số nội dung chính, Thường trực Hiệp hội trân trọng thông báo để toàn thể Hội viên nắm được tình hình hoạt động của Hiệp hội và cho nhận xét gửi về Văn phòng Hiệp hội.

Rất mong nhận được sự hợp tác tích cực của toàn thể Trường hội viên.

Trân trọng!

Nơi nhận:                                                           – Như kính gửi; – Chủ tịch, Các Phó Chủ tịch; – Lưu VPHH.

 

  1. KT. CHỦ TỊCH HIỆP HỘI

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

 TSKH. Phan Quang Trung