THÔNG BÁO SỐ 1 về Tổ chức hội thảo khoa học năm 2018
Kính gửi: Lãnh đạo Đại học Quốc gia, Đại học Vùng, Trường đại học,
Học viện, Viện nghiên cứu, Trường cao đẳng, Sở Giáo dục & Đào tạo
Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là: (1) đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo; (2) chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Tuy nhiên cho tới nay, mặc dù đã 4 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau khi giải thích về nó.
Theo nhiều nhà chiến lược giáo dục của thế giới hệ thống giáo dục mở là một hệ thống giáo dục mở rộng cửa đối với mọi người, vượt qua những hạn chế về thời gian và địa điểm, có mục tiêu cuối cùng là kiến tạo “một nền giáo dục toàn hảo” để đảm bảo sự hoàn thiện của mỗi công dân. Hệ thống giáo dục như vậy sẽ mang những đặc tính như sau:
– Tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình giáo dục này sang một chương trình giáo dục khác hoặc chuyển từ một chuyên ngành đào tạo này sang một chuyên ngành đào tạo khác. Nhờ vậy mọi người có thể dễ dàng theo học chương trình phù hợp nhất tùy thuộc vào sở thích và năng lực cá nhân.
– Tạo ra một hệ thống ngân hàng tín chỉ có nhiệm vụ tích lũy các tín chỉ mà người học đạt được trong tiến trình học tập của mình.
– Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục.
Đối với giáo dục phổ thông, hệ thống giáo dục như vậy phát triển con người các phẩm chất đạo đức, thái độ thân thiện, biết trân trọng và sáng tạo giá trị thẩm mỹ. Với sự coi trọng cá tính và năng khiếu, hệ thống đó phát triển tối đa năng lực của mỗi cá nhân.
Đối với giáo dục đại học, các trường đại học được quyền tự chủ đầy đủ, được nhận sự ủng hộ cần thiết để đạt chất lượng cao trong nghiên cứu. Đồng thời, mô hình đại học sẽ được đa dạng hóa để các trường đại học trở thành cái nôi của các cuộc canh tân về khoa học, công nghệ và là nơi đào tạo ra những cá nhân có trình độ chuyên môn cao.
Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 29-NQ/TW, thúc đẩy giáo dục Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam dự định phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên Nhi đồng Quốc Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hiệp hội Giáo dục cho mọi người tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Hệ thống giáo dục mở – Tự chủ giáo dục – Hội nhập quốc tế vào đầu Quý 2 năm 2018 tại Hà Nội.
Mục đích
Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu kêu gọi và tạo điều kiện cho các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Hệ thống giáo dục mở cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đã và đang diễn ra, để cùng đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 là tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm tạo dựng mạng lưới nghiên cứu giữa các giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, các học giả cùng trao đổi, hợp tác nghiên cứu các vấn đề của hệ thống giáo dục mở để thích ứng với thời đại toàn cầu hóa hiện nay, góp phần đưa Nghị quyết 29 sớm đi vào cuộc sống.
Kết quả mong đợi
(1) Góp phần giúp các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất quan niệm và định hướng về hệ thống giáo dục mở;
(2) Tập hợp các nghiên cứu về hệ thống giáo dục mở:
Vai trò, đặc trưng và các thuộc tính của hệ thống giáo dục mở
– Hệ thống giáo dục mở và quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục
– Sự thích ứng của hệ thống giáo dục mở trong hội nhập quốc tế
(3) Đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục mở tại Việt Nam theo tinh thần NQ 29.
Các chủ đề tham luận
Các bài tham luận cho Hội thảo tập trung vào những vấn đề sau:
– Vai trò, đặc trưng và các thuộc tính của hệ thống giáo dục mở;
– Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục mở;
– Quan hệ giữa giáo dục mở và vấn đề tự chủ giáo dục;
– Công nghệ thông tin và việc mở rộng cơ hội giáo dục;
– Giáo dục mở và vấn đề xây dựng xã hội học tập;
– Xây dựng hệ thống học liệu mở;
– Công nghệ mới và giáo dục mở;
– Toàn cầu hóa và sự thích ứng của giáo dục;
– Định hướng phát triển của các đại học mở;
– Cơ cấu hệ thống giáo dục mở cho giáo dục Việt Nam theo tinh thần NQ 29;
– Hệ thống các cơ sở giáo dục của Việt Nam để bảo đảm định hướng mở .
– ………..
Đại biểu tham dự
Khoảng 200 đại biểu, bao gồm:
– Đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước
– Đại diện Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và các đơn vị đồng chủ trì
– Các sở giáo dục và đào tạo
– Các trường đại học, cao đẳng
– Các doanh nghiệp về khoa học, công nghệ.
– Các chuyên gia giáo dục.
Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thảo
– Thời gian: Dự kiến đầu quý 2 năm 2018
– Địa điểm: TP. Hà Nội.
Đăng kí tham dự và viết báo cáo Hội thảo
– Thời hạn đăng ký tên báo cáo và tóm tắt báo cáo: hạn chót vào ngày 15/2/2018
– Gửi báo cáo toàn văn: hạn chót vào ngày 15/4/2018
– Đăng ký tham dự Hội thảo: trước ngày 20/4/2018.
– Quy cách báo cáo và tóm tắt báo cáo:
+ Tóm tắt báo cáo: tối đa 1 trang A4, font Times New Roman (unicode), font size 12, top margin 3cm, bottom margin 2,5cm, left margin 3cm, right margin 2,5 cm, kèm file (đĩa mềm hoặc gửi qua email).
+ Toàn văn báo cáo: tối đa 12 trang A4, font Times New Roman (unicode), font size 14, top margin 3cm, bottom margin 2,5cm, left margin 3cm, right margin 2,5cm, kèm file (đĩa mềm hoặc gửi qua email). Tiêu đề của báo cáo chữ in đậm, cỡ chữ 15, dưới tiêu đề xin ghi rõ họ và tên tác giả, học hàm, học vị, đơn vị, thông tin liên hệ (E-mail, số di động).
Báo cáo và tóm tắt báo cáo xin gửi về địa chỉ:
Văn phòng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam
Tầng 10 Cung Trí thức Thành phố
Số 1 phố Tôn Thất Thuyết, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
ĐT Văn phòng: (04) 3 957 159; Email: hiephoidhcdvn@gmail.com/
TS. Lê Viết Khuyến: 0913016368
Để Hội thảo có được thành công tốt đẹp, Ban tổ chức rất mong được đón nhận các bài tham luận và sự tham dự nhiệt tình từ các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước.
Trân trọng ./.