Hội nghị trực tuyến Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) Công bố cam kết hành động 2021
Ngày 17/6, hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 51 (SEAMEC) và Đối thoại chiến lược giáo dục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tại phiên toàn thể diễn ra trong buổi sáng, các đại biểu tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đông Nam Á nhiệm kỳ mới. Theo nguyên tắc luân phiên, các nước sẽ bầu cho Singapore làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2021-2022, thay cho Chủ tịch đương nhiệm là Bộ trưởng Giáo dục Malaysia.
Phiên toàn thể cũng thông qua Kế hoạch chiến lược SEAMEO giai đoạn 2021-2030; trao chứng nhận công nhận British Columbia Council for International Education (BCCIE) chính thức trở thành thành viên liên kết của SEAMEO (thành viên số 6); cập nhật về những chương trình mà các trung tâm khu vực SEAMEO đang triển khai và các cuộc thi trong khu vực.
Đối thoại Chiến lược của các Bộ trưởng Giáo dục lần thứ 5 (SDEM 5) diễn ra trong buổi chiều, tập trung vào 2 chủ đề lớn là “Preparing future-ready learners” và “Education as an uplifting force”.
Phía Việt Nam Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu trong đối thoại chiến lược. Trong đó khẳng định cam kết của Việt Nam đóng góp nguồn lực và đồng hành cùng các nước Đông Nam Á kiến tạo một nền giáo dục mở, thúc đẩy các sáng kiến nhằm hướng tới nền giáo dục chất lượng, bảo đảm không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Dưới đây là toàn văn Cam kết hành động ( đã dịch ra tiếng Việt)
Chúng tôi, các Quốc gia thành viên của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), đã cùng tham dự Đối thoại Chiến lược của các Bộ trưởng Giáo dục lần thứ 5 (SDEM 5) và xem xét các sáng kiến khu vực và nhận thấy sự cần thiết xây dựng các khuyến nghị chung;
Đánh giá cao những thành tựu và tiến bộ của 11 Quốc gia Thành viên SEAMEO trong việc xử lý những thách thức và sự gián đoạn chưa từng có trong giáo dục;
Coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác trong việc chuyển đổi nền giáo dục ở Đông Nam Á, đồng thời nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo tiếp cận giáo dục chất lượng và không để người học nào bị bỏ lại phía sau;
Vì vậy, chúng tôi kêu gọi hành động của các Quốc gia thành viên SEAMEO, các Quốc gia thành viên liên kết, các tổ chức liên kết và các đối tác, nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi giáo dục ở Đông Nam Á thông qua hợp tác chiến lược và quan hệ đối tác.
Để đạt được điều này, các quốc gia thành viên SEAMEO cần tập trung hợp tác trong các lĩnh vực sau:
1. Mở rộng các đổi mới giáo dục cho một tương lai công nghệ;
2. Tăng cường khả năng phục hồi trong hệ thống giáo dục nhằm ứng phó với các thách thức;
3. Thúc đẩy môi trường giáo dục tiếp tục hỗ trợ những nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương nhất trong hệ thống giáo dục Đông Nam Á;
4. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ giáo dục trong việc đào tạo những người học sẵn sàng cho tương lai trong một thế giới không ngừng phát triển;
5. Làm việc với các đơn vị thuộc SEAMEO để thúc đẩy học tập suốt đời;
6. Tạo ra một môi trường chính sách tăng cường sự hợp tác và đối tác giữa các đối tác giáo dục chủ chốt, nhằm chuyển đổi nền giáo dục và khoa học theo cách phù hợp với bản sắc và văn hóa Đông Nam Á.
Chúng tôi, các Trưởng đoàn tham gia Đối thoại Chiến lược Giáo dục lần thứ Năm, đề nghị Ban Thư ký SEAMEO và các Trung tâm, Mạng lưới khu vực SEAMEO tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế và khu vực và các bên liên quan để chuẩn bị tốt nhất cho giáo viên và người học trong bối cảnh nhiều bất ổn và thách thức.
Chúng tôi đánh giá cao hỗ trợ của Chính phủ Singapore trong việc tổ chức Đối thoại Chiến lược này.
Do đó, chúng tôi đã đồng ý thông qua Tuyên bố này, Cam kết Hành động của Hội đồng SEAMEO (Tuyên bố Singapore), để tập trung vào những chuyển đổi sáng tạo trong giáo dục ở Đông Nam Á thông qua quan hệ đối tác.
Được thông qua vào ngày 17/6/2021″.
Ban TT – SV