Quan niệm sai lầm về “địa phương chủ quản” – thực trạng và kiến nghị
Vì sao Hiệp hội lại cho rằng xem chính quyền địa phương như là “cơ quan chủ quản” của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là quan niệm sai lầm?
LTS: Quý vị bạn đọc đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành, Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Bài viết này tác giả làm rõ quan niệm sai lầm về vai trò “địa phương chủ quản” đối với các trường ngoài công lập qua thực tiễn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thông tin từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) cho biết, ngày 23/2/2017 Hiệp hội đã gửi văn bản số 15/HH-VP tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Văn bản kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện đối với mô hình đào tạo ngoài công lập bậc Đại học, Cao đẳng.
Trên cơ sở những gợi mở mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong buổi thăm và làm việc tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Hiệp hội đã kiến nghị 10 vấn đề chủ yếu.
Kiến nghị của Hiệp hội với Chính phủ có một điểm rất đáng lưu ý: “Đối với các trường ngoài công lập cần xóa bỏ ngay quan niệm sai lầm lâu nay xem chính quyền địa phương như là “cơ quan chủ quản” của những trường loại này”. [1]
Vì sao Hiệp hội lại cho rằng xem chính quyền địa phương như là “cơ quan chủ quản” của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là quan niệm sai lầm?
Liệu có sự ngộ nhận nào đó của địa phương về sự “chủ quản” của mình, sự không muốn “chủ quản” của cơ quan quản lý giáo dục hay các trường ngoài công lập “thích” được Ủy ban nhân dân tỉnh “chủ quản”?
Trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin đề cập đến hai đối tượng được xem là có “quan niệm sai lầm” về chức năng “chủ quản” các đại học ngoài công lập: chính quyền cấp tỉnh và cơ quan quản lý giáo dục – cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đơn vị hay cơ quan chủ quản (governing body) theo cách hiểu của phương Tây là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng chính sách, quản lý nhân sự và chỉ đạo hoạt động một (hoặc một số) đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật.
Theo nghĩa đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quả thật không phải là “chủ quản” của đại học ngoài công lập vì Bộ không quản lý nhân sự các trường này. Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Mục d, khoản 1, điều 22 Điều lệ trường đại học (theo Quyết định số70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014) quy định Chủ tịch hội đồng quản trị đại học ngoài công lập phải trình văn bản “đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể của trường cử đại diện tham gia hội đồng quản trị.
Tổ chức để tập thể các thành viên góp vốn, tập thể giảng viên bầu các đại diện của mình tham gia hội đồng quản trị; báo cáo danh sách thành viên hội đồng quản trị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Với quy định này một số thành viên hội đồng quản trị (chính quyền tỉnh, Đảng, đoàn thể, giảng viên) không phải là người góp vốn và cũng có thể họ là người không am hiểu về giáo dục nhưng được quyền tham gia quản lý mọi hoạt động của trường đại học?
Không những thế, tờ trình của trường gửi Ủy ban nhân dân tỉnh xin công nhận hội đồng quản trị bắt buộc phải có “văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử thành viên tham gia hội đồng quản trị”.
Nếu Ủy ban nhân dân tỉnh cử một cán bộ là công chức đương nhiệm tham gia thì điều này có trái với Luật Cán bộ, Công chức và Pháp lệnh Công chức hiện hành?
Nếu không có thành viên do Ủy ban nhân dân tỉnh cử tham gia, hội đồng quản trị sẽ không được công nhận, nói cách khác Ủy ban nhân dân tỉnh không chỉ là nơi quyết định công nhận nhân sự hội đồng quản trị các đại học ngoài công lập mà còn có quyền cử người tham gia vào hội đồng quản trị các trường này, nghĩa là công chức nhà nước được quyền tham gia hội đồng quản trị các cơ sở sản xuất, kinh doanh do tư nhân đầu tư vốn?
Còn nữa, nếu trường đại học do một cá nhân đầu tư, hội đồng quản trị có ít nhất 07 (bảy) thành viên nhưng bắt buộc phải có bốn thành viên không góp vốn (chính quyền, Đảng, đoàn thể, giảng viên) thì phiếu bầu của họ trong hội đồng quản trị đương nhiên chiếm hơn 50%.
Đó là lý do vì sao nhiều cổ đông sáng lập bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức nhưng bị mất trắng (hoặc nguy cơ bị mất trắng), bị cấm cửa không cho bước chân vào ngôi trường mình xây dựng nên, một số trường hợp đã lặng lẽ bán trường.
Chính quy định bất thành văn “địa phương chủ quản” đã tiếp sức cho một số người lũng đoạn trường đại học, mang đến những hệ lụy không thể đánh giá hết cho sự phát triển của hệ thống trường ngoài công lập.
Mặt khác sự ngộ nhận này tạo điều kiện cho một số lãnh đạo chính quyền địa phương hoặc là thiếu hụt nghiệp vụ quản lý hoặc là cố tình giải thích pháp luật một cách tùy tiện, chống lưng cho sai phạm của một số cá nhân tại cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Để chứng minh cho nhận định này, xin lấy ví dụ về hoạt động chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh H. (cách Hà Nội chỉ vài chục cây số) với Trường Đại học ngoài công lập đóng trên địa bàn tỉnh này.
Năm 2012, sau khi thâu tóm được một số cổ phần, một cổ đông trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị trường (nhiệm kỳ 2012-2017).
Cũng bắt đầu từ đây người này đưa ra quyết định chưa có tiền lệ trong các trường ngoài công lập, “cấm” không cho một số cổ đông sáng lập được phép vào trường dù những người này sở hữu hơn 40% vốn điều lệ.
Hàng loạt đơn thư tố cáo, khiếu nại gửi tới Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số đơn thư gửi tới Ban Tổ chức Trung ương, Thường trực Ban Bí thư. Đơn thư gửi cơ quan trung ương thông thường lại được chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.
Với tư cách là cơ quan quản lý xử lý đơn thư tố cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh H. nhiệm kỳ 2011-2016 đã có kết luận về nhiều nội dung tố cáo sai phạm tại nhà trường.
Báo Thanhtra.com.vn ngày 1/9/2015 đã trích đăng một phần nội dung kết luận thanh tra này. [3]
Đây là bản kết luận số 1429/KL-CTUBND (KL1429) do một vị khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký.
Bản kết luận thanh tra này công bố ngày 17/8/2015 nghĩa là sau 7 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg (QĐ70) ban hành “Điều lệ trường đại học”.
Điều 2 Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg quy định:
“Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 01 năm 2015 và thay thế Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học;
Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục và Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên trong KL1429, Ủy ban nhân dân tỉnh H. luôn luôn vận dụng các điều khoản trong những văn bản đã bị bãi bỏ (theo điều 2, QĐ70 nêu trên), cụ thể là Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg (QĐ58); Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg (QĐ61), Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg (QĐ63),…
Là cơ quan chính quyền cấp tỉnh, lẽ nào Ủy ban nhân dân tỉnh H. lại không biết đến Quyết định 70/2014/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký?
Cứ cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh H. tận dụng khái niệm “luật bất hồi tố” để vận dụng các văn bản cũ. Vậy Ủy ban nhân dân tỉnh H. vận dụng các văn bản đã hết hiệu lực thế nào.
Trích một đoạn trong KL1429: “Đối với nội dung người tố cáo nêu Ban Giám hiệu không đủ tiêu chuẩn, qua kiểm tra cho thấy: 3 Phó Hiệu trưởng đều tốt nghiệp đại học trở lên, không có Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo và nghiên cứu khoa học nên không cần có tiêu chuẩn ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục theo quy định tại Khoản 2, Điều 35 Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg. Vì vậy, nội dung tố cáo sai”.
Khoản 3, điều 38, QĐ58 ghi: “Phó Hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 điều 35 của Điều lệ này”, còn khoản 2, điều 35 (QĐ58) quy định tiêu chuẩn Hiệu trưởng (và cũng là của các Phó hiệu trưởng) như sau:
a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín trong giới khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy và quản lý giáo dục đại học;
b) Có bằng tiến sĩ;…
Do lỗi đánh máy hay, do ghi nhầm số quyết định hay do ông Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh đọc… chưa kỹ văn bản?
Trong khi bao che cho sai phạm của Chủ tịch hội đồng quản trị (như đã nêu) thì Ủy ban nhân dân tỉnh H. lại sẵn sàng chấp nhận để trường này suốt gần 5 năm không có Hiệu trưởng, nhiều năm không có Hiệu phó phụ trách đào tạo và Trưởng phòng Đào tạo (ít ra cho đến thời điểm ban hành kết luận)?
Phải chăng Ủy ban nhân dân tỉnh H. chỉ quản lý Hội đồng Quản trị, còn Ban Giám hiệu thì do cơ quan khác quản lý?
Kết luận số 1429 của Ủy ban nhân dân tỉnh H. (trang 9) vận dụng kết luận thanh tra số 1147 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (ban hành ngày 27/11/2013) mà cố tình “quên” văn bản kết luận số 816/KL-BGDĐT (ban hành ngày 19/9/2014) của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký.
Cần lưu ý rằng kết luận do Thứ trường Bùi Văn Ga ký đã phủ nhận kết luận thanh tra số 1147 mà ông Phó Thanh tra Phạm Ngọc Trúc ký, theo đó học vị “tiến sĩ” (chứ không phải “phó tiến sĩ” như trong văn bản Ủy ban nhân dân ghi) của ông Chủ tịch hội đồng quản trị đại học nọ là không hợp chuẩn, không được công nhận trên lãnh thổ Việt Nam.
Phần cuối bản kết luận giải quyết khiếu nại tố cáo (KL1429) ghi: “Từ những tồn tại trên, Ủy ban nhân dân tỉnh … yêu cầu hội đồng quản trị Trường … kiểm điểm trách nhiệm đối với ông … Chủ tịch hội đồng quản trị của Trường đối với những nội dung tố cáo mà người tố cáo đã tố cáo đúng.
Đồng thời, xử lý các văn bản, giấy tờ ông … đã ký với chức danh không đúng theo quy định của pháp luật”.
Lại một lần nữa Ủy ban nhân dân tỉnh này không quan tâm đến “đề nghị” của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi yêu cầu ông Chủ tịch hội đồng quản trị xử lý các văn bản, giấy tờ liên quan đến “chức danh” chứ không phải học hàm, học vị.
Nếu cần phải chỉ thêm những “nhầm lẫn” trong KL1429 thì chắc không phải chỉ vài điều đã nêu. Chính “nhờ” kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh H. mà kiện cáo tại đại học …vẫn chưa chấm dứt suốt 5 năm qua.
Thực tế là hội đồng quản trị trường này đã 5 năm không quyết toán tài chính, không trả cổ tức, không minh bạch thuế; khoảng 3 năm nay không họp hội đồng quản trị,…
Riêng phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, liệu Bộ có thể khẳng định một trường đại học xảy ra kiện cáo suốt 5 năm trong khi không có Hiệu trưởng, Trưởng phòng Đào tạo (gần đây mới có Hiệu phó phụ trách Đào tạo) mà vẫn đảm bảo chất lượng, nhất là chương trình đào tạo thạc sĩ của trường này?
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định ông Chủ tịch hội đồng quản trị trường này sử dụng bằng tiến sĩ không hợp chuẩn, cụ thể là bằng do cơ sở nước ngoài cấp nhưng không được công nhận tại Việt Nam.
Tuy vậy, trong phần kết luận (văn bản số 816/KL-BGDĐT năm 2014), Bộ Giáo dục và Đào tạo “đề nghị”chính quyền tỉnh “quan tâm, phối hợp với Bộ chỉ đạo trường và cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện…” mà không làm theo quy đình về kết luận nội dung tố cáo tại Điều 24 của Luật tố cáo.
Có phải những quy định chi tiết về thẩm quyền ký văn bằng chứng chỉ, về thu hồi hủy bỏ văn bằng chứng chỉ tại các điều 16, 22 của “Quy chế văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”, tại Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT được “miễn trừ” với ông “tiến sĩ” nọ hay quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có giá trị trên địa bàn tỉnh H.?
Liệu có phải Bộ Giáo dục và Đào tạo không xem mình là “chủ quản” nên quả bóng trách nhiệm được chuyển về phía Ủy ban nhân dân tỉnh?
Nhờ có quá trình “chuyền bóng” này cộng với sự “chủ quản” của địa phương mà tên của ông Chủ tịch hội đồng quản trị trường với học vị “tiến sĩ” vẫn đàng hoàng hiện diện trên website của trường và một số giao dịch ra bên ngoài cho đến đầu năm 2017.
Với những ví dụ đã nêu, liệu có cần tiếp tục sửa đổi Điều lệ trường đại học theo hướng quy định rõ ràng, tránh sự đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân tỉnh, tránh “quan niệm sai lầm” về quyền “chủ quản” của bất kỳ cơ quan công quyền nào?
Kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam không chỉ động chạm đến một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mà còn cho thấy sự lúng túng, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý vụ việc trong hệ thống trường đại học ngoài công lập.
Trong khi lãnh đạo một số tỉnh thành phố đã chỉ đích danh những người “chống lưng” cho sai phạm, liệu Ủy ban nhân dân tình H. có nên dành thời gian xem xét lại kết luận mà ông Phó Chủ tịch nhiệm kỳ cũ đã ký nhân danh Ủy ban?
Có nên có những chỉ đạo quyết liệt, đúng pháp luật theo tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, sáng tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng?