Quá nhiều tổ hợp, hình thức xét tuyển sớm vào đại học gây “lợi bất cập hại”
GDVN – Theo các chuyên gia, bên cạnh mặt tích cực, các hình thức xét tuyển sớm đang gây rối hệ thống tuyển sinh và gây mất công bằng giữa học sinh các vùng miền.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện với lớp 1 từ năm học 2020-2021. Từ năm học 2021-2022 thực hiện đối với lớp 2 và lớp 6. Từ năm học 2022-2023 thực hiện đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 thực hiện đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 thực hiện đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, năm 2025 là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức theo chương trình mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh đang mong chờ Bộ giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Thêm vào đó, các trường đại học lại nở rộ nhiều kỳ thi riêng với vô vàn hình thức xét tuyển sớm khác nhau khiến thí sinh lo lắng.
Lợi bất cập hại khi có quá nhiều hình thức xét tuyển sớm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh văn phòng Hội đồng giáo dục Quốc gia cho rằng, xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Đây là một hình thức tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh được xét tuyển trước khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra, dựa trên nhiều yếu tố như học bạ, IELTS và kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận – nguyên Chánh văn phòng Hội đồng giáo dục Quốc gia, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngân Chi)
Một trong những ưu điểm lớn nhất của xét tuyển sớm là giúp mở ra nhiều lựa chọn hơn cho học sinh khi họ có thể đăng ký nhiều đợt xét tuyển khác nhau, từ xét học bạ đến tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể. Đồng thời tạo điều kiện giúp các em có thể sớm đạt được nguyện vọng học tập của mình trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông…
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, xét tuyển sớm lại tiềm ẩn nhiều thách thức cho học sinh, phụ huynh và các trường trung học phổ thông.
Thứ nhất, một trong những lo ngại lớn từ việc xét tuyển sớm là học sinh có xu hướng mất tập trung vào học tập sau khi nhận được kết quả trúng tuyển. Khi đã biết mình đỗ đại học, nhiều học sinh có thể giảm tinh thần học tập, dẫn đến việc không còn tập trung vào việc hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó, học sinh không chỉ bị ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn tạo ra sự bất cập trong công tác tổ chức ôn tập tại các trường trung học phổ thông.
Thứ hai, khả năng tiếp cận không đồng đều giữa học sinh ở các khu vực khác nhau dẫn đến tính thiếu công bằng khi xét tuyển sớm vào đại học. Đối với học sinh ở thành phố lớn, nơi có điều kiện học tập tốt hơn, thường có lợi thế hơn so với học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, các kỳ thi đánh giá năng lực thường được tổ chức ở các thành phố lớn khiến học sinh ở xa khó tiếp cận với kỳ thi, tốn kém chi phí đi lại, ăn ở. Từ đó tạo ra sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội thi tuyển và đặt ra thách thức cho các chính sách giáo dục hướng đến công bằng.
Thứ ba, việc có quá nhiều kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy tạo ra áp lực tài chính lớn cho phụ huynh và học sinh. Để có thể tham gia nhiều kỳ thi, học sinh phải bỏ thời gian và tiền bạc để ôn luyện, tham gia các lớp học thêm. Điều đó khiến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tham gia các kỳ thi, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội được vào đại học.
Thứ tư, sự xuất hiện của nhiều hình thức xét tuyển khác nhau cũng khiến cho hệ thống tuyển sinh trở nên phức tạp hơn. Các trường đại học với quyền tự chủ tuyển sinh riêng sẽ có những tiêu chí khác nhau, khiến cho học sinh và phụ huynh cảm thấy bối rối trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp. Điều này đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự điều chỉnh và thống nhất rõ ràng về các tiêu chí tuyển sinh, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của hệ thống.
Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, xét tuyển sớm vào đại học đã trở thành một hình thức được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra không ít thách thức cho học sinh, phụ huynh và nhà trường. Đặc biệt, năm 2025 sẽ là một cột mốc quan trọng khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần đầu tiên áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Ánh)
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc tồn tại quá nhiều tổ hợp xét tuyển cũng khiến học sinh khó khăn trong việc chọn lựa. Mặc dù sự đa dạng tổ hợp trên giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho học sinh nhưng nhiều em cũng cảm thấy không biết nên tập trung vào tổ hợp nào để có lợi nhất.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Sái Công Hồng – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), xét tuyển sớm, đặc biệt là xét tuyển bằng học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay các kỳ thi đánh giá năng lực đã mang đến nhiều lợi ích cho học sinh. Tuy nhiên xét tuyển sớm cũng có không ít bất cập, đặc biệt là trong bối cảnh năm đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới và sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các khu vực.
Theo Tiến sĩ Sái Công Hồng, một trong những vấn đề lớn nhất là tính công bằng. Hình thức xét tuyển sớm bằng chứng chỉ quốc tế hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực thường chỉ thuận lợi cho học sinh ở những khu vực thành thị, nơi có điều kiện học tập tốt và dễ tiếp cận các trung tâm dự thi. Trong khi đó, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa lại gặp nhiều khó khăn hơn. Chẳng hạn, chi phí di chuyển và lệ phí thi là một gánh nặng không nhỏ đối với những gia đình có thu nhập thấp. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng về cơ hội, khiến nhiều học sinh ở các vùng khó khăn bị hạn chế trong việc tiếp cận các kỳ thi này.
Bên cạnh đó, xét tuyển sớm cũng có thể gây ra tình trạng học sinh lơ là học tập chính khóa. Khi học sinh đã được xét tuyển vào đại học từ trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra, một số em có xu hướng chểnh mảng trong việc học tập tại trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập mà còn gây khó khăn cho các giáo viên trong việc quản lý lớp học.
Cần có sự điều chỉnh, phối hợp thống nhất từ cấp quản lý Nhà nước và các trường đại học
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, để xét tuyển sớm phát huy tối đa hiệu quả, cần có những điều chỉnh từ các cấp quản lý giáo dục và nhà trường. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các tiêu chí chung và rõ ràng cho việc xét tuyển sớm, đặc biệt là chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông và đầu vào đại học.
Ngoài ra, các trường đại học nên xem xét giảm bớt các kỳ thi đánh giá năng lực không cần thiết để giảm thiểu áp lực tài chính cho phụ huynh, đặc biệt với những gia đình khó khăn. Thực hiện tốt việc này vừa giảm chi phí xã hội, vừa đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục cho tất cả học sinh.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự điều chỉnh trong phương án thi cử và xét tuyển. Trong đó, nên xem xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là căn cứ quan trọng để các trường tuyển sinh vào đại học. Việc có quá nhiều kỳ thi riêng như hiện nay chỉ làm tăng thêm áp lực cho học sinh và gia đình, đồng thời gây lãng phí nguồn lực xã hội.
“Một giải pháp khác đáng cân nhắc là đơn giản hóa các tổ hợp xét tuyển. Thay vì có quá nhiều tổ hợp như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét, rút gọn lại các tổ hợp cơ bản và rõ ràng hơn. Điều này giúp học sinh dễ dàng lựa chọn và tập trung vào những môn học mà mình có thế mạnh, đồng thời giúp các trường học có thể hướng dẫn và đào tạo học sinh một cách hiệu quả hơn.
Cuối cùng, việc cung cấp thông tin và tư vấn cho phụ huynh và học sinh là vô cùng cần thiết. Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về phương thức thi cử và xét tuyển, học sinh và phụ huynh cần được trang bị đầy đủ thông tin để có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Các trường học cần tổ chức thêm các buổi tư vấn, hội thảo để giải đáp các thắc mắc và cung cấp hướng dẫn chi tiết cho học sinh về cách chọn tổ hợp môn thi, cách chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Sái Công Hồng khẳng định, việc sớm công bố phương án tuyển sinh và tổ hợp các môn thi là vô cùng quan trọng. Điều này giúp học sinh có thời gian chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, đồng thời giảm thiểu sự lo lắng và bất định trong việc lựa chọn môn học. Ngoài ra, các trường cần cân nhắc dành một tỷ lệ chỉ tiêu hợp lý cho xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, để đảm bảo cơ hội công bằng cho những học sinh không có điều kiện tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hoặc thi chứng chỉ quốc tế.
“Xét tuyển sớm vào đại học là một bước tiến quan trọng trong công tác tuyển sinh, giúp tạo điều kiện cho học sinh. Tuy nhiên, để phương thức này thực sự hiệu quả và công bằng, cần có những điều chỉnh hợp lý từ các cấp quản lý giáo dục, nhằm tạo ra một môi trường giáo dục công bằng, giảm bớt áp lực tài chính và đảm bảo học sinh có sự lựa chọn phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.
Việc công bố sớm phương án tuyển sinh, đảm bảo tính công bằng cho học sinh ở mọi vùng miền và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong quá trình chuẩn bị sẽ là những yếu tố quan trọng giúp xét tuyển sớm phát huy tối đa hiệu quả trong hệ thống tuyển sinh”, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ.