PGS.TS Trần Xuân Nhĩ và kỉ niệm gắn với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN

Ngày 06/12/2024

GDVN – Gắn bó với Hiệp hội từ những ngày đầu thành lập, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ có không ít kỷ niệm sâu sắc và “nặng lòng” với giáo dục nước nhà.

Năm 2004, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam được thành lập. Ngày 5/5/2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Và ngày 6/11/2014, Bộ Nội vụ đã ký quyết định cho phép thành lập Hiệp hội.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập trên cơ sở tổ chức lại từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Tính đến nay, Hiệp hội đã có 20 năm thành lập và phát triển (2004-2024).

Hiệp hội đã và đang tiếp tục thực hiện chức năng nghiên cứu, tham mưu, phản biện về các chính sách, chủ trương của các cấp quản lý có liên quan đến giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các hội viên. Đến nay, Hiệp hội đã thu hút và nhận được sự tin tưởng từ nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập; không ít kiến nghị đề xuất, tham mưu của Hiệp hội đến cơ quan các cấp có thẩm quyền được ghi nhận.

Gắn bó với Hiệp hội từ những ngày đầu thành lập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có không ít kỷ niệm sâu sắc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ. (Ảnh: Doãn Nhãn).

Cơ duyên đến với Hiệp hội

Thầy Nhĩ sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Nam nhiều khó khăn nhưng kiên cường, anh dũng, hiếu học. Năm 1950-1951, thầy Nhĩ là giáo viên tiểu học. Năm 1957-1961, thầy Nhĩ làm giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, thầy làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Từ năm 1969-1976, thầy nhận công tác tại Bộ Giáo dục. Từ năm 1976-1987, thầy được Bộ Giáo dục cử đi thành lập và quản lý Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) và Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường Đại học Quy Nhơn).

Theo nhận xét của nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình, có lẽ, trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam, thầy Nhĩ là người duy nhất được Bộ Giáo dục cùng một lúc (năm 1976 và năm 1981) cử làm hiệu trưởng của một trường cao đẳng và một trường đại học cách nhau 300km. Dưới sự lãnh đạo sát sao, trách nhiệm của ban giám hiệu, 2 trường đều đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Nhờ đó, năm 1981, thầy Nhĩ được phong học hàm Phó Giáo sư, và làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục (1987-1990) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (1990-1997).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Hiệu trưởng đầu tiên chụp ảnh cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh – Hiệu trưởng hiện nay của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng (Ảnh: NVCC).

Sau khi về hưu, cơ duyên thầy Nhĩ đến với Hiệp hội gắn liền với cố Giáo sư Trần Hồng Quân.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Trần Xuân Nhĩ cho biết: “Năm 1994, Trung tâm đại học dân lập Thăng Long đổi tên thành Trường Đại học dân lập Thăng Long, một cơ sở giáo dục đại học “mở đường” cho loại hình các trường đại học ngoài công lập sau này. Thời điểm đó, hệ thống trường đại học ngoài công lập phát triển mạnh và được khuyến khích ra đời. Nhưng trong khoảng 10 năm sau đó, các trường này trở nên bơ vơ, không có sự kết nối giữa các trường với nhau. Trong khi đó, khối đại học công lập lại có một câu lạc bộ quy tụ hiệu trưởng các trường.

Chính vì vậy, dựa trên những điều kiện khách quan, năm 2004, cố Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và tôi cùng bàn bạc, trao đổi về việc thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.

Sau 10 năm hoạt động, lãnh đạo của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam nhận thấy rằng, trường đại học công lập và ngoài công lập đều có sứ mạng chung là làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, chỉ khác ở chỗ trường đại học công lập được nhận ngân sách còn trường ngoài công lập thì phải tự chủ (về nhân sự, tài chính – học phí,…) nên các trường ngoài công lập đều biết quản lý chi tiêu đúng mục đích và tiết kiệm. Lãnh đạo Hiệp hội lúc bấy giờ có suy nghĩ rằng các trường đại học công lập có thể nâng đỡ về chuyên môn cho trường ngoài công lập, nhưng thực tế ngược lại, trường ngoài công lập do được tự chủ về mặt tài chính, có thể trả lương, phụ cấp giờ dạy thỏa đáng cho cán bộ nên lại thu hút được nhiều cán bộ giảng dạy giỏi, chất lượng giảng dạy khá tốt. Chính vì thế, Giáo sư Trần Hồng Quân nhận định rằng mỗi loại hình trường đều có thế mạnh, nếu biết cách phối hợp với nhau thì sẽ cùng nhau phát triển mạnh mẽ. Điều này đã thôi thúc sự ra đời của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vào năm 2014”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ dự Hội nghị Tự chủ đại học 2022. (Ảnh: Doãn Nhàn).

Khi xem xét đề nghị tổ chức lại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam trở thành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, có không ít ý kiến phản đối đến từ phía các cơ sở giáo dục đại học công lập, kể cả cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đều cho rằng việc Hiệp hội quy tụ cả trường đại học công lập và ngoài công lập vào một tổ chức chẳng khác nào một tổ chức “đồng sàng dị mộng”. Tuy nhiên, theo thời gian, các thành viên của Hiệp hội đều thấy rằng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoạt động có hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các trường và không “đồng sàng dị mộng”. Các trường cùng hướng tới một “mộng” đó là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước; làm thế nào để có cơ chế thống nhất thực chất về tự chủ cho các trường đại học – bản chất của cơ sở giáo dục đại học.

Cố Giáo sư Trần Hồng Quân và Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (hiện là Chủ tịch Hiệp hội) đã nhất trí cho xúc tiến thành lập các câu lạc bộ gồm các trường đại học thuộc một chuyên ngành/lĩnh vực chuyên môn để các trường được tham gia sinh hoạt; các câu lạc bộ này trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, được xem như tổ chức cơ sở của Hiệp hội và làm “địa chỉ” tập hợp các cơ sở giáo dục đại học có chung lĩnh vực nhằm thúc đẩy nhanh quá trình tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi của các trường – thành viên Hiệp hội.

Luôn “nặng lòng” với giáo dục nước nhà

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trải qua 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, Hiệp hội có những tham vấn chính sách quan trọng được Chính phủ, Nhà nước ghi nhận và đưa vào quyết sách của ngành giáo dục. Trong quá trình ấy, thầy Nhĩ đã gom nhặt không ít kỷ niệm đáng nhớ.

“Hiệp hội thực hiện nhiệm vụ tham mưu, phản biện các chính sách, chủ trương của các cấp quản lý có liên quan đến giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung. Trong đó, có những tham vấn của Hiệp hội được lãnh đạo các cấp quản lý ghi nhận nhưng cũng không ít đề xuất, tham mưu của Hiệp hội chưa được cấp quản lý đưa vào những quyết sách”, thầy Nhĩ tâm sự.

Cũng theo chia sẻ của thầy Nhĩ, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, chủ trương của ngành giáo dục khi đó là cho học sinh nghỉ học và đợi cho đến hết dịch thì mới đi học trở lại. Tuy nhiên, Hiệp hội thấy rằng dịch bệnh không biết khi nào mới hết nên nếu cho học sinh nghỉ học quá lâu sẽ nảy ra rất nhiều vấn đề xã hội khác như lãng phí cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục, học sinh “nhàn cư vi bất thiện” sẽ ít nhiều dẫn tới hệ quả tiêu cực cho cuộc sống, thậm chí thời gian nghỉ học quá lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn hệ thống giáo dục nói chung. Do đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng một số Hiệp hội, đơn vị đã có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch COVID-19.

“Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch cũng thực hiện đóng cửa trường học nhưng lại triển khai phương thức dạy học từ xa (qua truyền hình, dạy trực tuyến,…).

Nghiên cứu thực tế tình hình dịch bệnh ở Việt Nam lúc bấy giờ và kinh nghiệm một số nước trên thế giới, việc áp dụng phương thức dạy học từ xa là hoàn thành phù hợp, chủ động đối phó với mọi điều kiện, diễn biến của dịch. Tuy nhiên, ban đầu, đề xuất của Hiệp hội chưa nhận được sự đồng tình từ phía cơ quan quản lý giáo dục nhưng lãnh đạo Hiệp hội vẫn giữ quan điểm, ý chí quyết tâm nên đã từng bước được Bộ chấp nhận, đưa vào áp dụng và cho thấy hiệu quả”, thầy Nhĩ chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ trong chuyến đi tới vườn ươm của Viện nghiên cứu đàn hương và thực vật quý hiếm năm 2021. (Ảnh: Thùy Linh)

Kỷ niệm sâu sắc đối với thầy Nhĩ gắn với Hiệp hội còn liên quan đến vấn đề quản lý hệ thống giáo dục quốc dân. Hiện nay, dễ thấy thực trạng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng tham gia làm công tác quản lý các cơ sở giáo dục. Theo thông lệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ quản lý về việc sử dụng người lao động đã được đào tạo, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về công tác đào tạo các loại hình nguồn lao động cho xã hội. Hai cơ quan đều chia nhau quản lý một số mảng giáo dục nên dễ dẫn đến nhiều chủ trương không thống nhất, làm nảy sinh nguy cơ đào tạo nguồn nhân lực khó đạt chất lượng như mong muốn.

Thầy Nhĩ chia sẻ, nếu đúng, khi học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, ngành giáo dục phải tiến hành phân luồng. Ở trên thế giới, nhiều nước chia tỷ lệ với học sinh trung học cơ sở sau khi tốt nghiệp sẽ có ⅓ học sinh đi học nghề, 1/3 học sinh học kỹ thuật viên và ⅓ học theo hướng nghiên cứu. Ở Việt Nam, học sinh trung học cơ sở tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 rất căng thẳng, áp lực cho phụ huynh, học sinh và tốn kém nhiều cho xã hội. Không làm tốt công tác phân luồng cũng là nguyên nhân dẫn tới tuyển sinh đại học hiện nay “đẻ” ra nhiều kỳ thi riêng với lý do là để đánh giá năng lực, tư duy của học trò vì chưa thực sự tin tưởng vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiều kỷ niệm trong quá trình tham vấn chính sách là vậy nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất đối với thầy Nhĩ là vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống trường sư phạm địa phương.

Tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ lâu. Thời điểm thầy Nhĩ công tác ở Bộ, cả nước có hơn 250 trường sư phạm ở các tỉnh nằm rải rác nhiều nơi, nhiều trường ở xa tỉnh lỵ. Khi đó, thầy Nhĩ đề nghị Bộ cho hình thành một chương trình mục tiêu củng cố xây dựng trường sư phạm và cho phép xây dựng chương trình liên thông trong công tác đào tạo giáo viên cho các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở, mở các khoa đại học sư phạm trong nhiều trường đại học khác, góp phần đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên Kỹ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thể thao; đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho trường sư phạm;…

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu, từ 250 trường sư phạm, thầy Nhĩ cùng các cộng sự khi đó đã sắp xếp và xây dựng còn hơn 100 trường sư phạm, khoa sư phạm theo hướng mỗi tỉnh có 1 trường cao đẳng sư phạm đa hệ, đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong quá trình thực hiện, điều được thầy cho là gian nan nhất là việc quy hoạch chuyển địa điểm nhà trường sư phạm từ những nơi xa xôi về thị xã tỉnh lỵ, mở rộng mặt bằng đúng tiêu chuẩn, tạo cảnh quan khang trang.

Các hạng mục trong nhà trường được nối hành lang tạo thành một hệ thống liên hoàn, thuận lợi cho việc đi lại của thầy cô và học sinh khi thời tiết mưa, nắng. Việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được phân cấp cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm nên chưa bao giờ xảy ra hiện tượng thiếu giáo viên; các trường cao đẳng sư phạm có đội ngũ thầy cô chất lượng, cơ sở vật chất tốt và định hướng từng bước tiến lên trở thành trường đại học đa ngành của địa phương, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Luật Giáo dục (2019) quy định nâng chuẩn trình độ đối với nhà giáo từ bậc mầm non đến trung học cơ sở nhưng lại không đưa ra lộ trình cụ thể nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm địa phương nên đây là một trong những nguyên nhân khiến cho không ít trường cao đẳng sư phạm địa phương gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần kiến nghị các giải pháp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ dự Hội thảo khoa học Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học và Lễ ra mắt Câu lạc bộ Mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Phạm Minh).

Dù gần 90 tuổi nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ vẫn luôn hăng hái nhiệt tình với công việc, miệt mài và đau đáu suy nghĩ về những vấn đề đặt ra đối với ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Ở cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, không khi nào Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ thôi trăn trở về con đường phát triển giáo dục nước nhà.

“Gắn bó với ngành giáo dục, với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tôi vẫn còn nhiều “nặng lòng” và trăn trở.

Thứ nhất, tôi mong muốn cần phải sớm thống nhất vấn đề quản lý hệ thống giáo dục về một đầu mối. Trước hết, cần giao việc quản lý nhà nước các trường nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó sẽ tạo được tính liên thông dễ dàng giữa các bậc học, làm tiền đề cho việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Thứ hai, để đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ thì phải làm công tác phân luồng sau trung học cơ sở. Để thực hiện việc phân luồng thì cần thành lập một chương trình mục tiêu để phân hóa các cơ sở giáo dục trung học thành 3 loại trường: trường trung học phổ thông, trường trung học kỹ thuật, trường trung học nghề. Mỗi loại trường đều phải đảm bảo giảng dạy khoảng 1/3 số học sinh học tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thứ ba, mong muốn của tôi còn liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong thời gian tới. Từ năm 2025 trở đi, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần được tổ chức gọn nhẹ, có chất lượng để làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học. Hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học đã và đang có xu hướng tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Điều này gây không ít tốn kém cho xã hội, tạo ra tâm lý lo lắng của học sinh, phụ huynh. Chính vì vậy, Hiệp hội cho rằng không nên tổ chức các kỳ thi riêng mà nên tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có chất lượng, làm cơ sở cho việc tuyển sinh đại học. Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội sẽ có những tham vấn, kiến nghị về nội dung và cách tổ chức kỳ thi”.

Có thể thấy, trăn trở của thầy Nhĩ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cũng đang là vấn đề mà Hiệp hội trăn trở với mong muốn chuyện thi cử đừng khiến nhà nhà, người người cảm thấy phiền hà mà vẫn đáp ứng được tuyển sinh đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học.

Đặc biệt, thầy Nhĩ kỳ vọng trong thời gian tới, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, góp phần thực hiện nhanh chóng chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào cuối thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI.

                                                                                                                                                                                               Ngọc Mai