NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH MỚI: RÀO CẢN, VẤN ĐỀ VÀ KHUYẾN NGHỊ
Phạm Đỗ Nhật Tiến
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Abstract
Improving the quality of higher education is a constant concern of all education systems, in Vietnam as well as in the world. This concern becomes even more urgent when higher education is gradually moving away from the traditional model to be able to meet the requirements of the fourth industrial revolution, especially the challenges and opportunities of Covid-19 pandemic. The identification of barriers in improving the quality of higher education shows that the quality of higher education is a function of many variables and finding the solution to the quality problem requires a system-wide approach. An overview of studies on the quality of Vietnam higher education shows that we always have a system of solutions that are elaborately researched, have theoretical and practical foundations, are consistent with international experience and have wide contribution of stakeholders. Our weakness is chiefly in the implementation stage. Therefore, this article argues that the problem is not in proposing solutions to overcome barriers in improving the quality of higher education. It is to propose recommendations to remove bottlenecks in the implementation of solutions to improve the quality of higher education.
Key words: higher education; quality improvement; sustainable development; fourth industrial revolution; covid-19 pandemic
- Mở đầu
Nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng là một chủ trương xuyên suốt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục trong hơn 35 năm đổi mới. Dĩ nhiên cách tiếp cận về chính sách trong việc nâng cao chất lượng GDĐH có sự vận động cùng với sự vận động trong mô hình quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục. Trong khoảng hai chục năm đầu đổi mới, khi mô hình QLNN về giáo dục chủ yếu là mô hình chỉ huy và kiểm soát thì cách tiếp cận trong việc nâng cao chất lượng GDĐH tập trung vào các điều kiện đảm bảo đầu vào, bao gồm chất lượng của đội ngũ giảng viên, chất lượng tuyển sinh, chất lượng cơ sở vật chất trường, lớp. Cùng với việc mô hình QLNN về giáo dục từng bước chuyển sang mô hình trao quyền và giám sát thì cách tiếp cận trong việc nâng cao chất lượng GDĐH cũng từng bước chuyển sang cách phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp đó là cách trao quyền cho các trung tâm kiểm định chất lượng (KĐCL) đánh giá và công nhận việc các cơ sở GDĐH đạt hay không đạt các tiêu chuẩn về chất lượng.
Những thay đổi nêu trên kéo theo những thay đổi trong cách đánh giá chất lượng GDĐH. Nếu đánh giá qua các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào thì GDĐH ngày nay tiến bộ hơn rất nhiều so với GDĐH những năm đầu đổi mới. Nhưng nếu đánh giá chất lượng GDĐH ở góc độ đáp ứng mục tiêu, thì những yếu kém về chất lượng GDĐH vẫn là mối quan ngại của cả Nhà nước và xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo…”. Đánh giá so sánh chất lượng GDĐH với các nước trong khu vực thì Báo cáo giáo dục Việt Nam 2011-2020 chỉ ra rằng Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực (Viện KHGD Việt Nam, 2021). Nghiên cứu của World Bank (2020) còn chỉ ra rằng cả quy mô và chất lượng của GDDH Việt Nam không chỉ thua kém các nước trong khu vực mà còn thụt lùi so với những bước tiến ấn tượng của giáo dục phổ thông Việt Nam.
Vì vậy, đặt trong bối cảnh thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, việc cải thiện và nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài.
Thực ra đây cũng là một nhiệm vụ mang tính thời sự đối với mọi hệ thống GDĐH trên thế giới trong một bối cảnh đang diễn biến phức tạp. Chính vì thế, trong 10 chủ đề được đưa ra thảo luận mới đây tại Hội nghị GDĐH thế giới lần thứ ba từ 18 đến 20/5/2022 thì chủ đề thứ 4 là “Chất lượng và sự phù hợp của các chương trình đào tạo”. Chủ đề này tập trung chủ yếu vào việc nhận dạng bối cảnh mới, những xu thế mới, những rào cản, để từ đó đưa ra những khuyến nghị về chất lượng trước yêu cầu hình thành mô hình phát triển mới của GDĐH, không phải chỉ nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững mà GDĐH có trách nhiệm hoàn thành vào 2030, mà còn mở đường cho sự hình thành một kỷ nguyên mới của các hệ thống GDĐH và cơ sở GDĐH, nhất là sau đại dịch Covid-19 toàn cầu (Karakhanyan, 2022).
Vận dụng các kết quả của chủ đề nêu trên, bài viết này muốn nhận dạng những rào cản trên tiến trình nâng cao chất lượng GDĐH Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh mới với nhiều thách thức hiện nay, để từ đó đưa ra một số khuyến nghị cần thiết.
- Bối cảnh mới và định hướng về một mô hình GDĐH mới
Kể từ năm 2015, GDĐH Việt Nam cũng như GDĐH thế giới chuyển từ việc góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ sang các mục tiêu phát triển bền vững SDG. Để thực hiện mục tiêu tổng quát SDG4 là “Bảo đảm giáo dục có chất lượng bình đẳng và bao trùm, tăng cường các cơ hội HTSĐ cho mọi người”, các quốc gia có nhiệm vụ thiết lập một hệ thống GDĐH vững vàng, được quản lý tốt trên nền tảng công nghệ cùng các tài nguyên giáo dục mở (OER) và giáo dục từ xa để nâng cao tiếp cận, công bằng, chất lượng và sự phù hợp, thu hẹp khoảng cách giữa cái được dạy trong các cơ sở GDĐH với cái mà kinh tế và xã hội đòi hỏi (World Education Forum, 2015).
Nhưng không chỉ có vậy. Với việc tuyên bố thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, GDĐH bước sang mô hình phát triển mới, mô hình GDĐH 4.0, với đặc trưng cơ bản là khai thác các lợi thế của công nghệ giáo dục (edtech) để hình thành hệ thống GDĐH chuyển đổi số, mở, suốt đời, tương tác, cá thể hóa, chuẩn bị những con người cho canh tân và sáng tạo.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số là một tiến trình nhiều thách thức và vì vậy nhìn chung diễn ra chậm chạp trên toàn thế giới. Chính đại dịch Covid-19 với việc đặt thế giới trước những thách thức toàn cầu mang tính phá hủy đã tạo ra cú hích để đẩy nhanh chuyển đổi số trong GDĐH.
Qua đó, đại dịch Covid-19 đã giúp nhận ra hai thách thức mang tính toàn cầu đối với mọi hệ thống giáo dục. Một là thách thức quan trọng về khả năng ứng đáp của giáo dục trước những yêu cầu phức tạp của người học trong giai đoạn hậu công nghiệp gắn liền với CMCN4. Hai là thách thức bức thiết về khả năng tự cường của hệ thống giáo dục không phải chỉ để vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây nên mà còn nhiều khủng hoảng nữa có thể xẩy ra trong tương lai.
Vì thế, bước sang giai đoạn hậu covid, hướng đến 2030 và sau này, GDĐH thế giới phải hoàn thiện mô hình GDĐH 4.0 để hướng đến mô hình GDĐH với hai đặc trưng cơ bản, một là ứng đáp với các đòi hỏi của CMCN4, hai là kiên cường trước các thách thức của mọi khủng hoảng (OECD, 2020).
Việc dời bỏ mô hình GDĐH truyền thống đã trở thành tất yếu. Các hệ thống GDĐH trên thế giới đều đang ở những vị trí khác nhau trên lộ trình chuyển đổi này. Đây là lộ trình hướng đến một mô hình GDĐH mới với những đặc trưng cơ bản sau đây (UNESCO, 2022):
– Sinh viên không còn chỉ giới hạn ở những học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương) mà bao gồm mọi lứa tuổi, mọi trình độ.
– Chương trình đào tạo không còn chỉ giới hạn ở các chương trình 4 năm mà là các chương trình 60 năm, nghĩa là một hệ thống chương trình đa dạng đáp ứng các nhu cầu học tập đa dạng và suốt đời của người học.
– Phương thức đào tạo không còn chỉ giới hạn ở phương thức chính quy mà bao gồm cả các phương thức không chính quy và phi chính quy. Vì vậy, bên cạnh thuật ngữ giáo dục đại học, cần bổ sung thuật ngữ học tập đại học (higher learning) để nói đến mọi hình thức học tập ở trình độ đại học bất kể là chính quy, không chính quy hay phi chính quy.
– Nhà cung ứng GDĐH không còn giới hạn ở các cơ sở GDĐH mà còn bao gồm các nhà cung ứng khác ngoài hệ thống giáo dục, bao gồm các doanh nghiệp và các công ty công nghệ.
– Hệ thống văn bằng GDĐH không còn giới hạn ở các văn bằng truyền thống mà mở rộng với nhiều loại văn bằng khác, bao gồm các chứng chỉ kỹ năng (micro credential), các bằng đại học ngắn hạn (nano degree), các văn bằng số (digital badge).
Tựu trung, mô hình mới mà các hệ thống GDĐH ngày nay hướng tới cũng chính là mô hình về một hệ thống GDĐH mà Việt Nam đang hướng đến trên đường đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần NQ29. Mô hình này đã được phát biểu một cách tường minh trong QĐ 209 ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH đến năm 2030. Đó là: “Thiết lập được một hệ thống GDĐH mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả và phục vụ HTSĐ; có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững của cả nước và từng địa phương”.
Dĩ nhiên, rất nhiều vấn đề được đặt ra trên con đường chuyển đổi từ mô hình GDĐH truyền thống sang mô hình mới. Một trong những vấn đề chính yếu là làm thế nào bảo đảm và nâng cao chất lượng GDĐH trong bước chuyển sang mô hình này. Câu trả lời phụ thuộc trước hết vào việc nhận dạng các rào cản, ở cả cấp hệ thống và cấp cơ sở, trong việc cung ứng GDĐH có chất lượng.
- Các rào cản trong việc cung ứng GDĐH có chất lượng
Đã có nhiều nghiên cứu về các rào cản trong việc nâng cao chất lượng GDĐH ngày nay, từ các rào cản về nhận thức, về thể chế, về cơ cấu hệ thống, đến các rào cản về quản trị đại học, về cơ chế tài chính, về hạ tầng công nghệ, về năng lực và động lực v.v…
Riêng đối với GDĐH ở các nước đang phát triển trong bối cảnh xây dựng GDĐH 4.0, trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu có liên quan, Costan và cộng sự (2021) đã chỉ ra 12 rào cản thuộc phạm vi các cơ sở GDĐH, bao gồm các rào cản về an ninh mạng; chi phí tốn kém; thiếu tri thức và kinh nghiệm trong sử dụng công nghệ số cho giáo dục; thiếu sẵn sàng của các bên có liên quan; thiếu nguồn lực trong phát triển nghề nghiệp liên tục đối với nhà giáo; thiếu sự hợp tác của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng; thiếu năng lực đổi mới chương trình đào tạo; thiếu hụt công nghệ tiên tiến; tác động tiêu cực của công nghệ lên sức khỏe thể chất và tinh thần của người dạy và người học; gia tăng áp lực công việc lên nhà giáo; tính phức tạp của dạy và học trên nền tảng số; chất lượng giáo dục phổ thông còn bất cập trước yêu cầu triển khai GDĐH 4.0.
Có thể thấy các rào cản trên cũng đúng đối với các cơ sở GDĐH nước ta. Tuy nhiên, có giá trị tham khảo cao chính là nghiên cứu bài bản và công phu của UNESCO về các rào cản chung mà các hệ thống GDĐH ngày nay đang đối diện trước bài toán nâng cao chất lượng trong bối cảnh mới khi mà nhu cầu học tập đại học đang hết sức đa dạng, linh hoạt và khác trước rất nhiều (Karakhanyan, 2022). Cũng chính vì thế mà các rào cản cũng đa dạng không kém, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chương trình đào tạo, cấu trúc bằng cấp, trình độ của đội ngũ, sự tham gia của các bên liên quan, bảo đảm và kiểm định chất lượng, sự công nhận văn bằng, vai trò của chính phủ.
Vận dụng các kết quả nghiên cứu trên vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tham khảo thêm các đánh giá về chất lượng GDĐH Việt Nam trong các nghiên cứu của Viện KHGDVN (2021) và World Bank (2020), có thể nhận dạng các rào cản trong việc nâng cao chất lượng GDĐH nước ta như sau:
TT | Lĩnh vực | Rào cản |
1 | Chính sách và thể chế | – Các ưu tiên chiến lược trong chính sách phát triển GDĐH chưa thực sự quan tâm đến chất lượng;
– Các phương thức cung ứng GDĐH mới, phi truyền thống chưa được quan tâm và ghi nhận đúng mức để bảo đảm có sự bù đắp và bổ sung cho GDĐH truyền thống một cách có chất lượng và hiệu quả; – Quyền tự chủ đại học hạn chế, sự tiếp tục can thiệp của các cơ quan quản lý, cơ chế kiểm định chất lượng cứng nhắc khiến các cơ sở GDĐH thiên về tuân thủ hơn là đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng; – Việc tổ chức thực hiện thiếu chuyên nghiệp với những thay đổi chính sách thiếu cơ sở khoa học cũng tác động tiêu cực đến mọi nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng. |
2 | Hệ thống GDĐH | – Tính thống nhất và liên thông của hệ thống GDĐH bị phá vỡ khi trình độ cao đẳng bị tách khỏi GDĐH;
– Hệ thống các cơ sở GDĐH phân mảnh, thiếu gắn kết, chịu quá nhiều đầu mối quản lý, với quá nửa là các cơ sở nhỏ lẻ và chuyên ngành phù hợp với kinh tế kế hoạch hóa hơn là kinh tế thị trường. |
3 | Mối quan hệ toàn hệ thống giáo dục | – Nhìn chung còn thiếu một tiếp cận toàn hệ thống xuyên suốt ngành giáo dục trong triển khai thực hiện để bảo đảm có hệ thống giải pháp nhất quán và bền vững trong nâng cao chất lượng giáo dục. |
4 | Mối quan hệ với doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp | – Doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp không thực sự gắn kết với cơ sở GDĐH vì thiếu niềm tin và cũng vì các quan tâm lợi ích khác nhau;
– Chậm đổi mới về hệ thống văn bằng và bảo đảm chất lượng để cơ sở GDĐH có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu cập nhật kỹ năng, nâng cao kỹ năng của người lao động; – Chưa có nền tảng thông tin thị trường lao động dựa trên trí tuệ nhân tạo để cung cấp kịp thời thông tin về các nhóm kỹ năng và năng lực mà thị trường lao động cần làm cơ sở cho cơ sở GDĐH xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo. |
5 | BĐ&KĐCL | – Các tiêu chuẩn BĐ&KĐCL chưa phản ánh được quan niệm về chất lượng của doanh nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp;
– Các tiêu chuẩn BĐ&KĐCL được sử dụng chung cho mọi cơ sở GDĐH, không phản ánh được tính đa dạng của hệ thống; – Chưa có cơ chế gắn kết BĐ&KĐCL với tự chủ đại học để công tác BĐ&KĐCL không dẫn đến việc hạn chế tự chủ đại học; – Công tác BĐ&KĐCL chưa có sự chuyển động phù hợp với một hệ thống GDĐH đang rời xa tính truyền thống. |
6 | Công nhận văn bằng | – Nhìn chung giá trị văn bằng đào tạo trong nước chưa được coi trọng; thậm chí văn bằng đào tạo không chính quy không được công nhận; các chứng chỉ ít có gía trị trong hồ sơ việc làm;
– Mối quan hệ giữa BĐ&KĐCL với Khung trình độ quốc gia chưa được thiết lập để tạo cơ sở công nhận giá trị của các văn bằng, chứng chỉ khi chuyển từ GDĐH truyền thống sang GDĐH suốt đời; – Văn bằng Việt Nam nhìn chung chưa được công nhận quốc tế. |
7 | Quản trị đại học | – Nhìn chung các cơ sở GDĐH còn thiếu đầu tư về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người trong việc nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo;
– Còn nhiều yếu kém trong quản trị đại học liên quan đến quản lý rủi ro, năng lực quản trị, công tác dự báo, xây dựng hạ tầng, do đó cơ sở GDĐH nhìn chung kém trang bị để đương đầu với thách thức; – Sự tham gia kém hiệu quả của các bên liên quan, việc ra quyết định không trên cơ sở dữ liệu, tính thiếu chuyên nghiệp của lãnh đạo cấp cao cũng là các rào cản trong nâng cao chất lượng; – Việc thu thập dữ liệu phù hợp, tin vậy và đầy đủ làm cơ sở cho việc ra quyết định còn ít được quan tâm. |
8 | Đội ngũ giảng viên | – Giảng viên nhìn chung vẫn chưa có năng lực và phương pháp sư phạm phù hợp trong giảng dạy và đánh giá nhằm đem lại cho sinh viên những kỹ năng và năng lực cần thiết;
– Rất ít giảng viên được tiếp xúc với những gì xảy ra trên thị trường lao động để giúp họ cung cấp các nội dung có liên quan. Xu thế coi trọng đánh giá giảng viên qua các công trình nghiên cứu cũng khiến giảng viên coi nhẹ công tác giảng dạy. Tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ còn thấp; – Chế độ lương thấp, cơ chế khuyến khích kém, công tác phát triển nghề liên tục ít được chú trọng góp phần làm gia tăng tình trạng chảy máu chất xám trong GDĐH. |
9 | Chương trình đào tạo | – Các chương trình truyền thống theo cấu trúc 4 + 2 + 4 (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) giữ chân sinh viên quá lâu trong nhà trường, dễ bị tụt hậu so với thực tiễn, do đó hiệu quả không cao và lợi suất đầu tư không rõ ràng;
– Nội dung chương trình và cách đánh giá vẫn năng về truyền thụ kiến thức, ít gắn kết với thế giới việc làm và do đó bất cập trong cung cấp các kỹ năng cần thiết để sinh viên tìm hoặc tạo việc làm; – Việc thiết kế, chỉnh lý, cập nhật, hoàn thiện chương trình thường thiếu sự đóng góp hiệu quả của các bên liên quan, do đó thiếu gắn kết với thế giới thực cùng các nhu cầu kinh tế-xã hội. |
10 | Hạ tầng | – Kết cấu hạ tầng công trình nhìn chung còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ cho việc gắn lý thuyết với thực hành còn yếu kém, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu triển khai ứng dụng còn lạc hậu;
– Ngay cả các trường hàng đầu cũng thiếu một hạ tầng CNTT vững mạnh cùng một cơ chế vận hành và tài chính hiệu quả để phát huy sức mạnh của công nghệ số trong đổi mới sáng tạo.
|
- Tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng GDĐH
4.1 Thực trạng giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH và vấn đề đặt ra
Việc nhận dạng các rào cản nêu trên cho thấy chất lượng GDĐH là một hàm phụ thuộc rất nhiều biến. Vì thế, để có lời giải đúng về các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH cần chỉ ra hệ các nguyên nhân của hệ các rào cản. Tuy nhiên với hệ thống GDĐH, ở nước ta cũng như trên thế giới, đã trở nên phức hợp thì việc tìm giải pháp với tiếp cận dựa trên lôgic về mối quan hệ tuyến tính giữa nguyên nhân và kết quả không còn thích hợp. Nó được thay thế bởi một tiếp cận mới theo đó mối quan hệ nhân quả là phi tuyến. Điều đó có nghĩa là nguyên nhân và kết quả, không những rất đa dạng mà còn nằm trong quan hệ tương tác với nhau và vì thế nếu một lời giải nào đó tỏ ra thành công trong việc giải quyết một vấn đề giáo dục vào lúc này, trong bối cảnh này, thì không có gì bảo đảm là nó sẽ thành công trong việc giải vấn đề đó vào lúc khác, trong bối cảnh khác.
Vì vậy, trong báo cáo nói trên của UNESCO (Karakhanyan, 2022) về chất lượng GDĐH, các khuyến nghị về giải pháp được đề xuất trên cơ sở tổng kết thực tiễn về các bài học kinh nghiệm và thông lệ tốt trong việc khắc phục các rào cản, kết hợp với hồi cứu các tư liệu nghiên cứu có liên quan, thảo luận và tham vấn rộng rãi các ý kiến chuyên gia.
Ở nước ta, giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng GDĐH cũng đã được bàn thảo, tranh luận và đề xuất suốt những năm đổi mới. Năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 với mục tiêu tổng quát là: “Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH, tạo được chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu học tập của nhân dân. Đến năm 2020, GDĐH Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới, có năng lực cạnh tranh cao, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN”.
NQ 14 được các học giả và giới GDĐH trong và ngoài nước đánh giá cao về tầm nhìn cũng như cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống GDĐH hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng. Tuy nhiên, cái mà NQ14 thiếu là các đề án chi tiết để triển khai thực hiện.
Để giúp đưa NQ14 vào cuộc sống, trong báo cáo “Việt Nam: GDĐH và các kỹ năng vì tăng trưởng”, Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2008) phác họa một lộ trình ba giai đoạn. Trước hết là đặt nền móng cho một hệ thống GDĐH có tính cạnh tranh. Tiếp theo là giai đoạn hoàn thiện khung khổ để nâng cao tính phù hợp trong các quyết định học thuật. Cuối cùng là xây dựng một hệ thống GDĐH hàng đầu.
Tuy nhiên, tất cả dường như vẫn dừng lại trên văn bản. GDĐHVN vẫn không có một định hướng phát triển rõ rệt, ngoài việc đại chúng hóa ồ ạt trong 8 năm 2006-2013 và tham vọng xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020. Trong khi đó, yêu cầu mang tính đột phá về phát triển nhân lực trình độ cao đã và đang đòi hỏi bức thiết GDĐHVN phải tái cơ cấu để khơi thông những điểm nghẽn tạo bởi một quá trình phát triển thiên về mở rộng quy mô và thiếu gắn kết với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Với mục tiêu “tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo” nói chung, GDĐH nói riêng, NQ 29 đã quy định hệ thống 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Để thực hiện NQ29, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động kèm theo NQ44 ngày 09/06/2014, với 18 đề án sẽ được triển khai nhằm mục đích tột cùng là nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo QĐ 2653 ngày 25/7/2014, với dự kiến triển khai 21 đề án làm cơ sở cho việc ban hành các văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Như vậy, kể cả về phương diện nghiên cứu lẫn ban hành chính sách, chúng ta luôn có hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng GDĐH. Ngay hiện nay, trong bối cảnh mới dưới tác động của CMCN4 và đại dịch covid-19, chúng ta cũng có những văn bản chỉ đạo quan trọng để nâng cao chất lượng GDĐH. Trước hết là Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhằm phát huy hơn nữa quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng GDĐH. Kèm theo đó là nhiều văn bản quy định chi tiết như NĐ 99 ngày 30/12/2019 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SĐBSMSĐ của Luật GDĐH; QĐ 69 ngày 15/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025; QĐ 436 ngày 30/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của GDĐH giai đoạn 2020 – 2025”; QĐ 209 ngày 17/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập “Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH và sư phạm thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; QĐ 78 ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030”; QĐ 131 ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Như vậy, hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH không ngừng được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện. Chỉ có điều sự chuyển biến về chất lượng GDĐH không được như kỳ vọng và hiện vẫn là mối quan tâm sâu sắc của Nhà nước và xã hội trước yêu cầu phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vấn đề đặt ra là vì sao. Hiển nhiên không phải là vì sự yếu kém của hệ thống giải pháp vì các giải pháp này luôn được xây dựng trên cơ sở lý luận và thực tiễn được nghiên cứu công phu, có sự tham vấn của các bên liên quan và sự đóng góp ý kiến rộng rãi của toàn xã hội. Vấn đề chính là ở chỗ tình trạng yếu kém dai dẳng của việc tổ chức thực hiện.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng GDĐH trong bối cảnh mới, vấn đề không phải là đề xuất giải pháp mà là nhận dạng những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện.
4.2 Nhận dạng các điểm nghẽn, yếu kém và bất cập trong việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH
Dưới đây là các điểm nghẽn, yếu kém và bất cập tồn tại dai dẳng suốt những năm qua trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH.
4.2.1 Tình trạng chồng chéo, thiếu nhất quán của hệ thống văn bản pháp luật.
Một đặc trưng nổi bật của GDĐH Việt Nam là các cơ sở GDDH chịu quá nhiều đầu mối quản lý. Kéo theo đó là một hệ thống văn bản luật và dưới luật phức tạp, chồng chéo và thiếu nhất quán mà các cơ sở GDĐH phải tuân theo khi thực thi quyền tự chủ. Vì vậy, mặc dù thiện chí của các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật SĐBSMSĐ của Luật GDĐH là gỡ bỏ những rào cản trong việc phát huy quyền tự chủ đại học, nhưng các quy định chồng chéo, không đồng bộ của các luật khác như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính đã khiến cho các cơ sở GDĐH gập rất nhiều khó khăn trong phát huy quyền tự chủ đại học với tư cách là một công cụ quản lý để cải thiện và nâng cao chất lượng GDĐH.
4.2.2 Hiệu lực thi hành của các văn bản pháp luật thấp.
Tính nhờn luật còn khá phổ biến khiến nhiều quy định pháp lý mất hiệu lực thi hành. Môi trường pháp luật với yêu cầu đề cao tính nghiêm minh của pháp luật chưa thực sự hình thành ở mọi cấp, ở cả chủ thể quản lý lẫn đối tượng quản lý. Một ví dụ điển hình là Nghị quyết 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020, mặc dù được xây dựng công phu và được đánh giá cao về tầm nhìn và giải pháp để GDĐH Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nhưng các quy định của NQ này về cơ bản đã không được thực hiện đến nơi đến chốn. Thậm chí có quy định bị làm ngược lại: đó là quy định hạn chế thành lập các cơ sở GDĐH công lập, khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập để quy mô sinh viên ngoài công lập đạt 40% vào năm 2020; quy định này đã bị thay thế bởi một giải pháp ngược lại là ồ ạt thành lập mới các cơ sở công lập suốt 8 năm 2008-2016.
4.2.3 Thiếu cân bằng giữa các nhiệm vụ, giải pháp với nguồn lực cần thiết để thực hiện
Các đề án thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam nói chung, nâng cao chất lượng GDĐH nói riêng, bao giờ cũng có một hệ thống giải pháp đầy đủ trên cơ sở tiếp thu ý kiến mọi bên có liên quan, đồng thời cũng thường có quy định về nguồn kinh phí. Nhưng quy định này chỉ chung nhất, với mệnh đề như “Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành”. Nói chung đó là nguồn kinh phí không rõ ràng, không cụ thể, và không thể đáp ứng được yêu cầu hoàn thành một khối lượng nhiệm vụ rất nhiều và rất toàn diện. Điều đó kéo theo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cũng không rõ ràng, không cụ thể, thường là đến đâu hay đó.
4.2.4 Thiếu một cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các bộ, ngành trong QLNN về giáo dục nói chung, trong nâng cao chất lượng GDĐH nói riêng.
Mặc dù trong các văn bản chỉ đạo luôn có sự phân công về tổ chức thực hiện giữa các bộ, ngành, nhưng trong thực tế triển khai ngành giáo dục vẫn thường rơi vào thế đơn độc. Như đã được chỉ ra trong Báo cáo Việt Nam 2035 (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2016), Việt Nam đã đẩy mạnh phân công, phân cấp trong QLNN về giáo dục nhưng do thiếu một cơ chế kiểm soát quyền lực đi đôi với trách nhiệm giải trình không rõ ràng nên hậu quả hiện nay là cấu trúc nhà nước cát cứ và manh mún. Sự phân mảnh quyền lực theo chiều ngang giữa các cơ quan TW với nhau, và theo chiều dọc giữa TW và địa phương dẫn tới tình trạng chồng lấn về thẩm quyền, xung đột về lợi ích. Một tầm nhìn dài hạn, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong phối hợp thực hiện các giải pháp đề ra, thực sự không tồn tại. Thay vào đó là một cơ chế phối hợp còn mang tính hình thức, trong đó lợi ích ngành chi phối tư duy và hành động. Một cơ chế giải trình về trách nhiệm của các bộ ngành trong quan hệ phối hợp cùng các chế tài xử lý vi phạm trong công tác phối hợp quản lý và triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng GDĐH, còn thiếu vắng.
4.2.5 Cơ chế giám sát và đánh giá còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và lạc hậu về phương pháp.
Cơ chế này bấy lâu nay được thực hiện trong ngành giáo dục nước ta thông qua phương thức báo cáo từ dưới lên, với nội dung tập trung chủ yếu vào việc đánh giá các yếu tố đầu vào cùng việc tuân thủ các quy định được ban hành từ trên xuống. Đó là một cơ chế quan liêu, khép kín trong ngành giáo dục, thiếu một hệ thống chỉ báo phản ánh tương đối đầy đủ, minh bạch và khách quan các chiều đo cơ bản của GDĐH, và do đó thiên về định tính, cảm tính và chủ quan. Chính sự yếu kém này của công tác giám sát và đánh giá đã dẫn đến tình trạng ngành giáo dục không có được câu trả lời thuyết phục trước công luận về các rào cản trong tiến trình nâng cao chất lượng GDĐH, đặc biệt là các rào cản trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt đáng quan tâm là nó không cung cấp được các thông tin tin cậy và kịp thời để phục vụ cho việc nhận dạng các yếu kém, chỉ ra các nguyên nhân, làm rõ các trách nhiệm, để từ đó có giải pháp hữu hiệu trong việc rút ngắn các khoảng cách.
- Kết luận và khuyến nghị
Có thể nói đến nay trên thế giới đã có ba thế hệ chính sách và giải pháp trong việc tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng GDĐH.
Thế hệ chính sách thứ nhất hình thành và phát triển chủ yếu ở Châu Âu, kéo dài nhiều thế kỷ cho đến những năm 1970 khi các hệ thống GDĐH ở Châu Âu chủ yếu là các hệ thống công lập và tinh hoa. Đặc trưng cơ bản của thế hệ chính sách này là Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong quản lý chất lượng GDĐH thông qua những quy định liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ chế tài chính, chế độ tuyển sinh và cấp phát văn bằng.
Khi mô hình quản lý công mới được đưa vào vận dụng trong GDĐH kể từ những năm 1980 thì GDĐH Châu Âu đứng trước một loạt yêu cầu mới về mở rộng quy mô, hiệu quả chi phí, trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin. Cùng với đó là sự hình thành của thị trường GDĐH, ban đầu nhỏ lẻ ở một số nước, dần dà lan tỏa sang nhiều nước để rồi chính thức trở thành một thị trường toàn cầu kể từ sau năm 1995 khi Hiêp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) được ban hành. Chất lượng GDĐH trở thành mối quan tâm hàng đầu để bảo đảm rằng sinh viên được cung ứng một dịch vụ GDĐH xứng đáng với đồng tiền mà Nhà nước và xã hội bỏ ra. Trong bối cảnh đó đã hình thành thế hệ chính sách và giải pháp thứ hai về nâng cao chất lượng GDĐH. Đặc trưng cơ bản của thế hệ này là triển khai các chính sách và giải pháp riêng lẻ về phát huy quyền tự chủ đại học cùng với việc xây dựng hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng, coi đó vừa là công cụ quản lý vừa là cơ chế nâng cao chất lượng GDĐH.
Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu khoa học, thì tự chủ đại học cũng như bảo đảm và kiểm định chất lượng chỉ là những điều kiện cần trong một tập hợp các điều kiện cần và đủ của một tiếp cận toàn hệ thống để nâng cao chất lượng GDĐH. Vì thế, thế hệ chính sách và giải pháp thứ ba trong việc nâng cao chất lượng GDĐH đã ra đời với quan niệm cơ bản là ở chỗ xây dựng được một hệ thống chính sách và giải pháp khá đủ và đồng bộ để bao hàm mọi thành tố cơ bản có liên quan đến chất lượng GDĐH (Patrinos, 2012). Thế hệ chính sách thứ ba này được World Bank đẩy mạnh nghiên cứu trong khuôn khổ của một chương trình mang tên “Tiếp cận hệ thống để nâng cao chất lượng giáo dục” (System approach for better educational results, viết tắt là SABER).
Dưới tác động của tiến trình toàn cầu hóa, với dòng chảy xuyên biên giới của thông tin và tri thức, ở Việt Nam cũng đã hình thành các thế hệ chính sách và giải pháp như trên trong việc tìm lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng GDĐH. Chúng ta đã phát triển các giải pháp, từ các giải pháp riêng lẻ về phát huy tự chủ đại học, đẩy mạnh bảo đảm và kiểm định chất lượng, v.v…đến các giải pháp toàn hệ thống như trong NQ 14, hoặc mới đây trong QĐ 69 ngày 15/01/2019 về nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025.
Vì vậy, như bài viết này đã chỉ ra, vấn đề đối với Việt Nam không phải là những đề xuất về chính sách và giải pháp để vượt qua các rào cản trên con đường nâng cao chất lượng GDĐH. Mà là những đề xuất về chính sách và giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH. Trên cơ sở nhận dạng các nút thắt này, bài viết xin kết luận bằng việc đề xuất một số khuyến nghị cần được triển khai ngay như sau:
– Đối với Quốc hội: Tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, phát hiện các quy định pháp lý chồng chéo, không đồng bộ, thiếu nhất quán, thậm chí xung đột nhau giữa Luật GDĐH (sửa đổi, bổ sung năm 2018) với các luật khác có liên quan; tổ chức chỉnh lý, bổ sung, sớm ban hành khung pháp lý nhất quán, minh bạch, rõ ràng, thông thoáng để các cơ sở GDĐH tự tin đổi mới sáng tạo trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng GDĐH;
– Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá dựa trên kết quả đầu ra để bảo đảm các văn bản pháp quy về giáo dục được thực hiện có hiệu lực và hiệu quả. Về vấn đề này, vận dụng kinh nghiệm quốc tế và thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần chuyển giao những công việc mà cơ quan hành chính nhà nước không nên làm hoặc làm hiệu quả thấp cho các tổ chức xã hội đảm nhận, Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ có thể đặt hàng để Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thực hiện việc giám sát và đánh giá với tư cách là một cơ quan độc lập.
– Đối với Bộ GD&ĐT: Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin quản lý GDĐH (HEMIS), đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ, minh bạch các chỉ báo hoạt động cơ bản (KPI) của GDĐH, tạo cơ sở dữ liệu khách quan và tin cậy trong việc cung cấp thông tin cho công tác giám sát và đánh giá, đo lường bước tiến về chất lượng của GDĐH, nhận dạng những yếu kém, bất cập trong tổ chức thực hiện, làm rõ trách nhiệm giải trình, đề xuất giải pháp để từng bước tiến lên.
_______________
Tài liệu tham khảo:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư & Ngân hàng thế giới .2016. Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ
Costan, E.; Gonzales, G.; Gonzales, R.; Enriquez, L.; Costan, F.; Suladay, D.; Atibing, N.M.; Aro, J.L.; Evangelista, S.S.; Maturan, F.; et al. 2021. Education 4.0 in Developing Economies: A Systematic Literature Review of Implementation Barriers and Future Research Agenda. Sustainability 2021, 13, 12763. https://doi.org/10.3390/su132212763
Karakhanyan, S. 2022. Quality and relevance of programmes in higher education. Paper commissioned for the World Higher Education Conference 18-20 May 2022.
OECD. 2020. Lessons for Education from COVID-19. A Policy Maker’s Handbook for More Resilient Systems. Paris: OECD Publishing
Patrinos, H. A. (ed). 2012. Strengthening education quality in East Asia. UNESCO & The World Bank.
UNESCO. 2022. Beyond limits. New ways to reinvent higher education. Working document for the World Higher Education Conference. 18-20 May 2022
Viện KHGD Việt Nam. 2021. Báo cáo giáo dục Việt Nam 2011-2020. Tài liệu lưu hành nội bộ
World Bank. 2008. Vietnam: Higher education and skills for growth. Washington, D. C.: The World Bank
World Bank. 2020. Improving the Performance of Higher Education in Vietnam: Strategic Priorities and Policy Options. Hanoi: Higher Education Sector Report
World Education Forum. 2015. Incheon Declaration. Education 2030: Towards inclusive and equitable quality education and lifelong learning for all