Lắng nghe kinh nghiệm về thương mại hoá tài sản trí tuệ sẽ có lợi cho các doanh nghiệp & tạo dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả

Ngày 03/11/2021

TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng nên tổ chức các diễn đàn nhỏ để chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sáng chế cho những công ty khởi nghiệp trẻ. Nguồn: tainangviet.vn

Việc lắng nghe những kinh nghiệm “chọn đúng người, đúng thời điểm” hay cách tận dụng các nguồn lực trong quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ của những người từng trải không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn góp phần tạo nên những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn.

Làm thế nào để giảm chi phí sản xuất bản in offset (kỹ thuật in sử dụng các tấm cao su đã được lăn qua giấy, thường dùng để in các ấn phẩm văn phòng và quảng cáo) là một trong những bài toán đau đầu của tập đoàn Kodak (Hoa Kỳ) vào đầu những năm 1990. “Khi đó, tập đoàn Kodak sản xuất khoảng 150 triệu bản in offset mỗi năm, trong đó có một bước quan trọng là phải ủ nhiệt bản in ở điều kiện 40oC, độ ẩm 80% trong khoảng ba ngày, nên chi phí rất cao. Nếu bỏ được bước ủ thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã tổng hợp một chất trong bản in offset là nhựa novolak có nhóm chất hấp thu tia laser, thay vì dùng nhựa novolak với bột màu hồng ngoại theo phương pháp truyền thống. Về bản chất, sáng chế này rất đơn giản. Sau đó chúng tôi đã đăng ký bảo hộ ở Mỹ và chuyển giao thành công cho tập đoàn Kodak. Nhờ doanh thu từ những sáng chế ở công ty khởi nghiệp đầu tiên, tôi đã có nguồn vốn để về quê Trà Vinh và xây dựng tập đoàn Mỹ Lan”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan, kể lại.
Bài học ông rút ra từ trường hợp này là “sáng chế của mình phải đúng thời điểm, chẳng hạn hiện nay chúng tôi làm sáng chế cho in offset thì trật thời điểm rồi, vì in offset đang có xu hướng càng ngày càng giảm”.
Đây là một trong những kinh nghiệm về thương mại hóa sáng chế do các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Thách thức trong thương mại hóa sáng chế và các tài sản trí tuệ” vào cuối tháng chín vừa qua, thuộc khuôn khổ Techfest năm 2021. “Thương mại hóa sáng chế luôn là vấn đề rất khó khăn, nhiều nhà sáng chế không thể thương mại hóa được vì các lý do khác nhau như thiếu vốn đầu tư, không tìm được thị trường, đối tác,… Do vậy, chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi để các chủ sở hữu sáng chế chia sẻ những kinh nghiệm thương mại hóa sáng chế thành công, cũng như những khó khăn chưa vượt qua được. Điều này có thể giúp các nhà sáng chế đi sau học hỏi rút kinh nghiệm, đồng thời cũng là tư liệu quý báu để đơn vị tổ chức có những góp ý về mặt chính sách để thúc đẩy thương mại hóa sáng chế tốt hơn”, ông Phùng Minh Hải ở Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết.
Cất giấu” bí quyết của sáng chế
Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ là một trong những bước đầu tiên để bắt đầu hành trình thương mại hóa tài sản trí tuệ. Dù biết đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp song thực tế, không ít người vẫn phân vân về việc đăng ký do lo ngại tốn nhiều thời gian và chi phí. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ: “Đây là việc hoàn toàn nên làm, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp. Bên cạnh việc được pháp luật bảo vệ, việc đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ giúp việc gọi vốn đầu tư thuận lợi hơn. Chẳng hạn khi bạn có sáng chế về công nghệ và muốn gọi vốn, người làm tài chính thường sẽ không biết nhiều về công nghệ nên sẽ khó hiểu và có thể nghi ngờ, nhưng nếu có bằng bảo hộ sáng chế, họ sẽ hiểu ngay là mình có công nghệ”.
Một điều đáng chú ý là doanh nghiệp cần chọn đúng nơi để đăng ký. “Bằng bảo hộ sáng chế mang tính lãnh thổ, do vậy, mình phải chọn thị trường nào mình muốn làm ăn để đăng ký, hoặc nơi nào có đối thủ cạnh tranh lớn thì mình đăng ký trước. Nếu không lựa chọn mà đăng ký tràn lan thì sẽ khá tốn kém, nhất là với những công ty khởi nghiệp còn non trẻ”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết. “Do vậy, doanh nghiệp nên tìm đến các công ty luật, mentor hoặc những người có nhiều kinh nghiệm để được hướng dẫn”.
Ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có các quy định khác nhau về bảo hộ sáng chế. Thậm chí, còn có những quy tắc “bất thành văn” mà ít người biết đến. Chẳng hạn như khi đăng ký bảo hộ sáng chế ở Mỹ, “thông thường thẩm định viên sẽ tách một đơn thành nhiều đơn theo từng nhóm khác nhau. Ví dụ sáng chế bảo hộ cho chất dẻo hấp thu tia hồng ngoại của chúng tôi sẽ gồm hai bằng sáng chế, một cái thuộc nhóm chất mới (compositon và matter), một cái về phương pháp sản xuất và cách sử dụng”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ kể lại. Việc nắm vững các quy tắc này sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị đơn đăng ký chính xác ngay từ đầu, đỡ tốn nhiều thời gian và công sức chính sửa.
Dù nộp đơn bảo hộ ở bất cứ đâu, điều tối quan trọng là phải “giấu” được bí quyết kỹ thuật trong bản mô tả sáng chế. Đặc biệt là với những sáng chế liên quan đến quy trình sản xuất, “khi viết chúng ta phải rất cẩn thận, đừng tiết lộ nhiều quy trình sản xuất, thì nó sẽ được bảo hộ rất kĩ càng và thành công”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết. Một trong những yêu cầu của bản mô tả sáng chế là phải “bộc lộ đầy đủ và rõ ràng bản chất của sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được”. Tuy nhiên, nếu tuân thủ đúng theo quy định này thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng áp dụng. Do vậy, trên thực tế các doanh nghiệp sẽ tìm cách viết bản mô tả sáng chế sao cho vừa giấu được bí quyết kỹ thuật riêng, vừa đáp ứng yêu cầu trong luật. Đây là điều mà các doanh nghiệp nước ngoài làm rất tốt, chẳng hạn như gần đây, Tổ chức Y tế thế giới đã phải thuê một startup ở châu Phi giải mã bằng sáng chế vaccine COVID-19 của Moderna để chế tạo vaccine tương tự trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp không ít khó khăn vì “bằng sáng chế của Moderna được viết rất khéo léo để không tiết lộ bí quyết sản xuất vaccine”.
Chọn hình thức khai thác phù hợp
Quá trình theo đuổi và có được bằng sáng chế vốn đã không dễ dàng, nhưng ngay sau đó doanh nghiệp còn phải đối mặt với bài toán làm thế nào để khai thác chúng. “Có rất nhiều hình thức khai thác tài sản trí tuệ, có thể chọn chiến lược tự khai thác (doanh nghiệp tự sản xuất, kinh doanh) hoặc không tự khai thác như chuyển nhượng (mua bán tặng cho sáp nhập…) hoặc chuyển giao quyền sử dụng (li xăng, góp vốn, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại,…)”, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Làng sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thuộc Techfest 2021 cho biết. Việc lựa chọn hình thức khai thác sẽ tùy thuộc vào năng lực và điều kiện của mỗi doanh nghiệp.
Nếu chuyển giao sáng chế, điều quan trọng là “doanh nghiệp phải tìm đúng đối tác để chuyển giao”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết. “Đúng” ở đây có nghĩa là đối tác sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ sòng phẳng chứ không tìm cách lợi dụng. Chẳng hạn với sáng chế in offset, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã tìm đến những doanh nghiệp lớn. Theo kinh nghiệm của ông,“nên chọn đối tác chuyển giao là những doanh nghiệp lớn chứ đừng lựa nhỏ, vì đa phần các công ty nhỏ thường sẽ tìm cách reverse engineer – phân tích ngược sáng chế của mình”. Thực trạng phân tích ngược sản phẩm để tìm ra bí quyết chế tạo đã từng xảy ra ở nhiều nơi: “Có doanh nghiệp chỉ mua một máy của chúng tôi về chế ra 70 máy tương tự. Chúng tôi phát hiện, đến làm việc với họ nhưng không giải quyết được gì”, theo chia sẻ của một giảng viên từ một trường ĐH ở Việt Nam chia sẻ trên báo Người lao động vào năm 2020.
Sau khi có đối tác, doanh nghiệp cũng phải cân nhắc cách thức chuyển giao cụ thể như thế nào, trả một lần hoặc nhiều lần bằng tiền hoặc hàng hóa,… để thu được lợi ích cao nhất. Chẳng hạn, với sáng chế in offset, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã chuyển giao công nghệ và cung cấp nguyên liệu sản xuất cho đối tác trong vòng 20 năm và thu được 270 triệu USD. Tuy nhiên, khi chuyển giao một sáng chế khác là mực in 3D, ông lại lựa chọn hình thức trả tiền một lần với trị giá 1,25 triệu USD vì “theo đó mình đã lời hơn phân nửa rồi”.
So với các doanh nghiệp lựa chọn chuyển giao công nghệ, những doanh nghiệp tự khai thác sáng chế có vẻ “vất vả” hơn. Bởi lẽ, con đường đi từ sáng chế đến quy trình sản xuất trên diện rộng trong thực tế đòi hỏi nhiều thời gian và kinh phí đầu tư hoàn thiện chứ hiếm khi có thể ứng dụng ngay lập tức. Do vậy, doanh nghiệp phải tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ. “Mọi người đừng ngần ngại, có điều kiện thì phải nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác cả trong nước và quốc tế, nhất là khi chúng ta chưa có khả năng đầu tư nhiều”, ông Thân Thế Hào ở công ty CP Giải pháp công nghệ Thuận Thiên cho biết. Trước khi thương mại hóa thành công sáng chế hố ga nhựa ngăn rác và chống trào ngược nước cống như hiện nay, “chúng tôi đã thực hiện dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ 68 – tiền đề giúp chúng tôi hệ thống hóa tất cả các vấn đề còn tồn đọng của sáng chế hố ga và tiếp tục phát triển. Ngoài ra, nhờ Cục phát triển thị trường (Bộ KH&CN) tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia hội thảo ở Anh năm 2016, chúng tôi đã có được mối quan hệ với ĐH Oxford và ĐH Cambridge và nhận được sự giúp đỡ quan trọng từ họ khi gặp khó khăn trong quá trình nghiên cứu phát triển khuôn mẫu hố ga”, ông kể lại.
Sự hỗ trợ từ bên ngoài kết hợp với nội lực của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để triển khai ứng dụng những sáng chế sẵn có cũng như ươm mầm những sáng chế mới. “Hiện nay, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM để nghiên cứu phát triển dự án hố ga COVID-19, góp phần hỗ trợ hoạt động thu thập phân tích nước thải để truy vết virus gây ra dịch COVID-19 đang lan tràn hiện nay”, ông Thân Thế Hào nói.
Ban TT&SV