Tiêu chuẩn với quy chế đào tạo tiến sĩ nếu không tăng thì cũng không nên giảm-PCT Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ VN – TS. Lê Trường Tùng

Ngày 23/07/2021

TS. Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam , Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho biết, chúng ta không bị áp lực về số lượng tiến sĩ phải có, chính vì vậy, tiêu chuẩn đối với quy chế đào tạo tiến sĩ nếu không tăng thì cũng không nên giảm.

Trong khi đó, chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa thực sự tốt nên việc hạ một số tiêu chuẩn theo thông tư 18/2021/TT-BGDĐT tạo nên những ý kiến tranh luận, bất bình cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới đang quan tâm đến việc bằng tiến sĩ được cấp như thế nào, nhưng vấn đề quan trọng hơn là những người có bằng tiến sĩ rồi họ phải làm gì và làm được những gì, điều này chưa được bàn luận và chưa có quy định cụ thể nào.

“Chất lượng tiến sĩ không chỉ được thể hiện trong thời gian 3 -4 năm anh học để lấy bằng, đây chỉ là bước khởi đầu, phản ánh chất lượng thời gian học mà thôi.

Vấn đề trong quy chế đào tạo tiến sĩ chỉ liên quan đến câu chuyện nghiên cứu sinh đầu vào thế nào, cần có mấy bài báo, đăng ở tạp chí nào, hội đồng bảo vệ như thế nào, người hướng dẫn ra sao,…

Nhưng nói đến chất lượng tiến sĩ là phải trả lời câu hỏi then chốt: có bằng tiến sĩ để làm gì, ngoài cái học vị, cái danh mà người mang bằng có được? Chất lượng công việc của những người có bằng tiến sĩ được đo như thế nào quan trọng hơn nhiều so với việc phải làm thế nào để có bằng tiến sĩ. Bởi thực tế, không ít người sau khi được cấp bằng tiến sĩ nhưng không làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình nữa”, TS. Lê Trường Tùng nhận định.

Mặc dù vậy, theo TS. Lê Trường Tùng, để đo được chất lượng công việc của những tiến sĩ ở Việt Nam là điều rất khó, bởi lẽ, chúng ta chưa có nguồn lực, chưa có thị trường, môi trường nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học thực hiện các hoạt động nghiên cứu.

Một trong những câu hỏi lớn nhất hiện nay là tiền đâu để trả lương cho hoạt động nghiên cứu của các giảng viên trường đại học.

Theo thông tư 20/2020/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học đã nêu rõ, giảng viên phải dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học (tương đương 586 giờ hành chính) để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Theo ông Lê Trường Tùng, đây là một quy định cần thiết, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, vấn đề là kinh phí ở đâu để chi trả cho những hoạt động nghiên cứu đó, nội dung này chưa được nêu trong một quy định nào.

Trong bối cảnh các trường tự chủ về tài chính, kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư đã bị cắt thì nhà trường lấy tiền ở đâu phục vụ hoạt động nghiên cứu? Nếu chỉ trông chờ vào học phí của người học để trả tiền cho nghiên cứu thì con số đó cũng không đủ đáp ứng. Điều đáng nói là có những nghiên cứu còn không liên quan đến nội dung bài học thì không thể dùng học phí để chi trả.

Tất nhiên, bên cạnh đó sẽ có những nghiên cứu từ quan hệ hợp tác để doanh nghiệp trả tiền cho nghiên cứu nhưng con số đó cũng vô cùng ít.

Còn thực tế, các nghiên cứu của chúng ta hiện nay vẫn là thực hiện theo ngân sách nhà nước và thực hiện để lấy danh tiếng.

Chỉ có 2% ngân sách nhà nước dùng chi cho hoạt động nghiên cứu. Trong khi đó hoạt động nghiên cứu này còn phân chia theo các bộ, ngành, thử hỏi trong một năm, đề tài nhà nước chia ra cho tất cả các trường đại học được bao nhiêu?

Rõ ràng, chúng ta không có động lực, không có nguồn lực cho việc thực hiện nghiên cứu. Như vậy thì sẽ rất khó để đánh giá được chất lượng tiến sĩ hiện nay.

Theo ông Lê Trường Tùng, ở nhiều nước, kinh phí nghiên cứu khoa học phần lớn do nhà nước cấp, phần lương tương ứng với khoảng thời gian giảng viên dạy học được trích từ học phí người học, khoảng thời gian giảng viên làm nghiên cứu thì có ngân sách cung cấp.

Theo mô hình các trường đại học khác ở nước ngoài, hàng năm đều phải công khai tài chính, thu học phí bao nhiêu, bao nhiêu nghiên cứu được cấp từ ngân sách nhà nước.

Giảng viên ở các nước tiên tiến như nước Anh, Mỹ, Úc,… công việc giảng dạy và nghiên cứu được đảm bảo hài hòa, bởi vì họ được đảm bảo về nguồn lực tài chính, từ mức học phí thu khá cao và bao gồm cả nguồn thu lớn từ kinh phí đặt hàng của nhà nước.

Tóm lại, vấn đề đặt ra là không chỉ là quy chế đào tạo tiến sĩ ra sao mà còn là đào tạo ra tiến sĩ để làm gì. Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng tiến sĩ thì không đơn thuần là đo chất lượng công việc của tiến sĩ mà còn phải đo nguồn lực xã hội chi bao nhiêu cho hoạt động nghiên cứu.

Đây là hai yếu tố song song tồn tại, nếu như chúng ta có nguồn nhân lực giỏi nhưng không có nguồn lực tài chính, không có hệ thống môi trường nghiên cứu chuẩn chỉnh thì hoạt động nghiên cứu không thể đảm bảo.

Còn nếu đã có nguồn lực chi cho hoạt động nghiên cứu nhưng không đạt kết quả, không tạo ra giá trị thì khi đó chúng ta mới có cơ sở để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực – những người được cấp bằng tiến sĩ.

“Chi phí nghiên cứu khoa học của Việt Nam đang rất thấp, thấp đến mức vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn còn rất mờ nhạt.

Chúng ta không có thị trường khoa học công nghệ, không có nguồn lực tài chính và không tạo được môi trường để các nhà khoa học làm nghiên cứu.

Chính vì vậy, rất dễ hiểu vì sao nhiều nhà nghiên cứu giỏi ở nước ta phải ra nước ngoài làm việc, vì ở đó, họ có đồng nghiệp, có phòng thí nghiệm, có quan hệ quốc tế, có tài chính, họ có cả một môi trường tổng thể tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc và phát huy khả năng của mình.

Muốn đảm bảo chất lượng cho hoạt động nghiên cứu khoa học, muốn đo được chất lượng của tiến sĩ thì nhà nước phải thực sự quan tâm, phải đảm bảo được nguồn lực tài chính chi cho công việc nghiên cứu.

Nhà nước có sẵn sàng cung cấp ngân sách đủ lớn cho hoạt động nghiên cứu hay không, phải quy định rõ kết quả của nghiên cứu như thế nào thì sẽ được cấp ngân sách, không phải tất cả các công bố đều được chi trả.

Bởi lẽ, bản thân các công bố không mang lại tiền, để công bố ngoài hoạt động nghiên cứu để có kết quả, chúng ta phải chi trả tiền để công bố chứ không phải công bố thu về được tiền.

Và mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu không phải bài báo công bố, không phải các chỉ báo, số lượng mà phải là những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội, tạo ra giá trị xã hội, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới, hay mang lại những giá trị nhân văn,…”

Ban TT&SV