Xếp hạng đại học: Thay vì ‘mua’ bài báo quốc tế…

Ngày 02/12/2021

Theo Báo đất Việt, GS.TSKH Phạm Phố chỉ ra sự bất hợp lý, thiếu lành mạnh trong cách làm của một số trường đại học ở Việt Nam để được xếp hạng quốc  tế.

Mới đây, báo Tiền phong có bài viết phản ánh hiện tượng giảng viên cơ hữu một trường đại học hay viện nghiên cứu nhưng lại đứng tên ở một trường đại học khác để đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế.

Câu chuyện này được chỉ ra thông qua khảo sát của TS Doãn Minh Đăng (đang làm việc tại Đức) về một số tác giả Việt Nam trong danh sách top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn hàng đầu thế giới vừa được công bố trên tạp chí PLoS Biology của Mỹ.

Khảo sát của TS Đăng nêu rõ một số nhà khoa học Việt Nam trong danh sách này đứng tên bài báo khoa học không phải tại trường đại học hay viện nghiên cứu chủ quản.

Không ngạc nhiên trước hiện tượng được đề cập, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, điều này xuất phát từ việc nhiều trường đại học tại Việt Nam, nhất là trường tư thục, tìm cách để được xếp hạng quốc tế.

Theo đó, cách phổ biến đang được nhiều trường đại học áp dụng là thưởng cho cá nhân nhà khoa học có bài báo quốc tế ghi tên trường.

Điều đáng nói ở chỗ, thay vì việc thưởng chỉ dành cho cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường, một số trường đại học tư thục ở Việt Nam áp dụng chính sách thưởng đối với bất kỳ ai, làm việc ở bất kỳ đâu, miễn là trên công trình ấy có ghi địa chỉ làm việc của tác giả bài báo là trường đại học của họ.

Kết quả là, số lượng bài báo quốc tế ghi địa chỉ trường đại học như trên tăng trưởng nhanh chóng, từ đó tác động tích cực đến uy tín và xếp hạng của trường trên các bảng đánh giá quốc tế.

Pháp luật nhà nước không quy định vấn đề này, nhưng nhà trường cần có quy định. Theo đó, với giảng viên cơ hữu, khi thực hiện đề tài nghiên cứu thì những tài sản, giá trị liên quan đến đề tài đều thuộc quyền sở hữu của trường. Giảng viên không được phép đứng tên ở trường khác liên quan đến đề tài đó.

Thực tế, có không ít GS là giảng viên cơ hữu của một trường đại học công lập nhưng lại “bán” công trình nghiên cứu cho trường tư thục vì chế độ thưởng của trường tư thục tốt hơn. Việc một số trường tư thục thưởng cao để có tên trên bài báo quốc tế thực chất là chuyện mua bán, tạo ra giá trị ảo cho ngôi trường đó.

Trường tư có tiền, chuyện bỏ tiền ra mua bài báo quốc tế không khó. Các nhà khoa học quốc tế có rất nhiều công trình, chỉ cần trả tiền cho họ, họ lập tức trao lại bản quyền cho trường”, GS.TSKH Phạm Phố nêu quan điểm

Ông cho hay, sinh viên, giảng viên khác không biết sự việc, nhìn vào chỉ thấy trường có nhiều bài báo quốc tế, công trình nghiên cứu thì nghĩ trường chất lượng nên sẽ muốn học tập, giảng dạy ở trường.

Bên cạnh việc tìm cách để tên trường xuất hiện trên nhiều bài báo quốc tế, từ đó cải thiện thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng quốc tế, GS Phố cho biết, các trường tư thục còn có nhiều cách để nâng cao chất lượng, danh tiếng của mình.

Theo đó, số GS đầu ngành ở các trường đại học công hiện nay còn rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay vì theo quy định, đến tuổi họ phải về hưu, nếu có được kéo dài thời gian làm việc cũng chỉ được thêm dăm năm nữa. Đây là điều đáng tiếc, có thể làm giảm chất lượng đội ngũ giảng viên các trường đại học công vì độ tuổi 60-70 chính là độ tuổi các GS đã dạn dày kinh nghiệm, năng lực sáng tạo còn nhiều.

Tận dụng điều này, các trường tư thục mời các GS nghỉ hưu về làm việc, tự nhiên số giảng viên cơ hữu của trường tư thục sẽ cao hơn trường công và chất lượng giảng viên của trường cũng được nâng cao. Thậm chí, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường đại học công lập về hưu cũng được mời làm hiệu trưởng các trường tư thục. Đây là một hình thức để trường tư thục cạnh tranh, nâng cao trường lên. Trong khi đó, các nhà khoa học được thỏa mãn mong muốn tiếp tục cống hiến, lại được trường tư tạo điều kiện thuận lợi, trả lương cao.

Theo GS Phố, để đánh giá một trường đại học cần căn cứ vào chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất (thư viện, phòng thí nghiệm, nhà xưởng…), tổ chức giảng dạy và chất lượng sinh viên. Thực tế có những ngành đào tạo rất sâu nhưng chưa chắc sinh viên ra trường đã có việc làm, đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội…

“Thay vì mở trường tràn lan, chạy đua theo các bảng xếp hạng, giáo dục đại học Việt Nam cần đi vào thực chất”, ông nhấn mạnh.

Thành Luân

 Ban TT& SV