HỘI THẢO VỀ XÂY DỰNG VÀ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ

Ngày 05/10/2019

Ngày 4/10/2019, tại Trường ĐH Thăng Long, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội Thư viện, Hội Tin học Việt Nam cùng 2 Câu lạc bộ thuộc Hội Tin học tổ chức hội thảo chủ đề “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”. Đây là hội thảo có quy mô lớn lần đầu tiên về vấn đề này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN cũng đã phối hợp với một vài đơn vị tổ chức một số hội thảo và tọa đàm quy mô nhỏ về chủ đề này. Chủ tịch Hiệp hội GS Trần Hồng Quân cùng lãnh đạo các đơn vị phối hợp đã chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS Vũ Ngọc Hoàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam gợi mở một số vấn đề cần thảo luận tại hội thảo.

Nhiều ý kiến cho rằng tài nguyên giáo dục mở là những tài nguyên dùng để dạy, học và nguyên cứu khoa học, không phải trả chi phí và không có rào cản trong truy cập, được cấp phép mở và được tự do sử dụng thông tin, kể cả được biến tấu cho phù hợp với ý định của người sử dụng.

Tuy nhiên cũng có một số y kiến khác lại giới hạn đó là những tài nguyên gắn với công nghệ thông tin, liên quan đến dữ liệu, phần mềm và kết nối để giúp cho việc dạy và học, tự học và học tập suốt đời. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nói thế chưa đầy đủ. Có những tài nguyên thông tin tuy không được truy cập miễn phí, không được ai bao cấp, nhưng lại có giá trị rất quan trọng đối với giáo dục mở! Nếu giới hạn trong phạm vi được sử dụng miễn phí thì sẽ hạn chế khả năng tạo ra kho dữ liệu thông tin vì bị giới hạn bởi nguồn tài chính đầu tư không thu hồi.

Các nội dung trên đây thể hiện đặc trưng của khái niệm tài nguyên giáo dục mở.

Tài nguyên giáo dục mở không chỉ liên quan đến CNTT mà còn rộng hơn thế nữa. Cơ chế về tự do học thuật dù có thể không gắn với CNTT và truy cập miễn phí nhưng theo nghĩa nào đó thì nó vẫn là tài nguyên hết sức quan trọng của nền giáo dục mở. Còn việc cấp phép mở thì tùy thuộc yêu cầu và nội dung thông tin, cái gì cần mở thì sẽ tiếp tục cấp phép.

Vì vậy, tài nguyên giáo dục mở cần được hiểu rộng hơn, bao gồm cả thể chế, cơ chế, quy định, thiết chế và cách thức tiếp cận tri thức, tiếp cận thông tin cũng như các nguồn lực để tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển con người và phát triển giáo dục. Thể chế và cơ chế đó phải tốt, phải mở, thì mới là tài nguyên giáo dục mở.

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chính phủ cần xây dựng chính sách phát triển cho nguồn tài nguyên giáo dục mở kết hợp với giấy phép mở trong giáo dục đại học. Đồng thời cần có một kế hoạch tổng thể, bước đi thích hợp, bảo đảm tính khoa học, chính xác, minh bạch, công bằng, nghiêm túc, gắn chặt với đổi mới công tác đánh giá chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt chi phí cho đào tạo để cho người dân có khả năng tiếp cận các hệ thống giáo dục đại học.

Việc cần làm ngay là xây dựng văn bản pháp lý về tài nguyên giáo dục mở, đó sẽ là chỗ dựa để các trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia phát triển.

Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định xuất bản mở, việc sử dụng cấp phép mở theo các hình thức cấp phép đa cấp để tăng cường tính hiệu quả của đầu tư công, bằng cách tạo điều kiện cho việc khai thác và phổ cập  tài nguyên giáo dục mở một cách rộng rãi và tránh việc xây dựng trùng lặp.

Văn Đình Ưng

——————————

Các báo cáo tham luận tại hội thảo:

Giới thiệu và demo khai thác tài nguyên giáo dục mở. KS. Lê Trung Nghĩa