HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI

Ngày 08/12/2020

DẤU ẤN ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT(NHIỆM KỲ 2015-2020)

 

Thể theo nguyện vọng của hàng trăm trường đại học cao đẳng công lập, được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 20 tháng 12 năm 2014, Đại hội lần thứ I Hiệp Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam diễn ra tại Cung Trí thức thành phố Hà Nội.

Trước đó 10 năm, năm 2004 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam thành lập với hơn 40 hội viên, đến năm 2014 số hội viên tăng lên là 50 trường. Qua 10 năm hoạt động, Hiệp hội ngoài công lập đã góp phần phát triển hệ thống các trường đại học cao đẳng ngoài công lập từ yếu thành mạnh, gánh vác một phần kinh phí không nhỏ cho nhà nước chi cho đào tạo nguồn nhân lực.

Gần 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã cử đại diện về Thủ Đô để tham gia ngày hội lớn của ngành giáo dục đại học Việt Nam – Đại hội thành lập Hiệp hội chung của các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Nhiều đại biểu còn ví sự kiện này như một dấu mốc quan trọng trên hành trình đổi mới gian nan của giáo dục đại học nước nhà.

Mọi người hy vọng Hiệp hội sẽ như ngôi nhà chung để mỗi trường, mỗi nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo tìm về những khi gặp khó khăn, vướng mắc, khi vui, khi buồn cần chia sẻ !

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các trường đại học cao đẳng Việt Nam không phân biệt loại hình đào tạo, trình độ đào tạo, tự nguyện làm hội viên của Hiệp hội để được sinh hoạt chung, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Mọi người nhận xét: Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày nay như con chim đại bàng 2 cánh, một cánh công lập, cánh kia là ngoài công lập. Khi hai cánh đều khỏe như nhau, cùng nhịp nhàng vỗ cánh thì chim sẽ bay cao, bay xa hơn…

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI NHIỆM KỲ I

Đại hội toàn thể Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ I đã bầu:

Ban Chấp hành gồm 147 vị; Ban Thường vụ gồm 63 vị; Chủ tịch và 13 Phó Chủ tịch Hiệp hội.

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập được tôn vinh là Chủ tịch Hiệp hội chung – Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Trong 6 năm hoạt động, có thêm hàng chục trường đại học, cao đẳng nộp đơn gia nhập Hiệp hội, trong đó có Trường Đại học VINUNI – trường mới thành lập đầu năm 2020 còn rất non trẻ. Đến thời điểm năm 2020, Hiệp hội có 417 hội viên.

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội đã tiến hành 10 phiên họp thường kỳ và đột xuất để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành hàng năm.

Ban Chấp hành đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, bổ sung hình thức, phương pháp sinh hoạt mới cho phù hợp.

Từ năm 2016 – 2017 xuất hiện nhu cầu giao lưu, tọa đàm của các nhóm trường có cùng lĩnh vực quan tâm, cùng nhóm ngành nghề đào tạo, hay cùng vấn đề khó khăn cần tháo gỡ… Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Hiệp hội giữa nhiệm kỳ đã cho phép thành lập các Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội. Mỗi Câu lạc bộ tập hợp một số trường thành viên cùng có nhu cầu họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo những vẫn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đến cuối năm 2020 đã thành lập và đi vào hoạt động 20 Câu lạc bộ.

Các CLB sinh hoạt sôi nổi. Nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đổi mới giáo dục đào tạo được bàn bạc thấu đáo; một số vấn đề được Hiệp hội nắm bắt chuyển thành kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết tháo gỡ khó khăn. Tích cực và sáng tạo nhất là các câu lạc bộ: Câu lạc bộ các trường Cao đẳng Sư phạm Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương; Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập; Câu lạc bộ khối các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Công Thương; Câu lạc bộ Khối đào tạo Điều dưỡng; Câu lạc bộ Khối sư phạm kỹ thuật; Câu lạc bộ Khối trường cao đẳng Y, Dược; Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng.

Việc thành lập các câu lạc bộ là một sáng kiến nổi bật về sự điều hành của Ban Lãnh đạo Hiệp hội. Nhờ đó, hoạt động của Hiệp hội vừa quan tâm các vấn đề vĩ mô, vừa đi sâu vào thực tiễn sinh động của toàn ngành với nhiều vấn đề thiết thực do cuộc sống đặt ra.

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội đã tiến hành 10 phiên họp thường kỳ và đột xuất để kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành hàng năm.

Ban Chấp hành đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, bổ sung hình thức, phương pháp sinh hoạt mới cho phù hợp.

CÔNG TÁC PHẢN BIỆN CHÍNH SÁCH

Hiệp hội đã tích cực tham gia phản biện chính sách, kịp thời đề xuất những nội dung thiết thực cho Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học, các Nghị định Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt Hiệp hội có đóng góp tích cực, hiệu quả trong đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, đổi mới thi tốt nghiệp THPT.

Hiệp hội cũng chủ trì tổ chức một loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm về xây dựng khung trình độ Quốc gia giáo dục đại học, về kiểm định chất lượng giáo dục, về tự chủ đại học, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khai thác tài nguyên giáo dục mở trong đào tạo nhân lực …

Năm 2020, khi cả nước chịu tác động của đại dịch Covid-19, Hiệp hội đã kiên trì đề xuất các cơ sở giáo dục chuyển sang dạy học onlin, dạy học qua truyền hình, thực hiện phương châm “học sinh sinh viên có thể không đến trường, nhưng việc học tập vẫn không ngừng”. Kết quả đã được Ngành GD&ĐT đã đồng tình, hưởng ứng.

CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI HỘI VIÊN

Bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên – là một nội dung quan trọng của Hiệp hội.

Tất cả các trường hội viên có những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm hoặc bị xâm hại đều được Hiệp hội quan tâm, xem xét một cách thấu đáo, cử đoàn chuyên gia tham vấn, hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên những năm qua được mọi người ghi nhận.

Nhìn lại quãng đường nhiệm kỳ thứ nhất đã qua, mỗi hội viên của Hiệp hội đều tự hào về Ngôi nhà chung ấm áp thân tình của mình. Hiệp hội là chỗ dựa cho niềm tin và tư duy sáng tạo của cán bộ, giáo viên và sinh viên – những người dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm.

 

ĐẠI HỘI TOÀN THỂ LẦN THỨ II

(NHIỆM KỲ 2020 – 2025)

Trong 2 ngày 02 và 03 tháng 12 năm 2020, Đại hội toàn thể lần thứ II của Hiệp hội diễn ra tại Cung Trí thức thành phố Hà Nội.

Đại hội II diễn ra trong tình hình dịch Covid 19 vẫn chưa chấm dứt tại Việt Nam, đồng thời tình hình lũ lụt ở miền Trung Tây Nguyên vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy số đại biểu về dự đại hội không được đông đủ như Đại hội lần I. Chỉ đạt  80% số hội viên.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 93 thành viên, giảm 54 thành viên so với số ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ I. Đây là chủ trương của Đại hội II nhằm cơ cấu Ban Chấp hành gọn nhẹ hơn, thực chất hơn. Đại hội cũng bầu Ban Kiểm tra gồm 7 vị.

Ban Chấp hành Khóa II đã họp phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ gồm 44 ủy viên, giảm 19 người so với số ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ I. Tinh thần cũng theo phương châm gọn nhẹ, hiệu quả hơn.

Ban Chấp hành cũng đã bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II gồm:

Chủ tịch :

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên Giáo TW;

Các Phó Chủ tịch: 11 vị

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ; PGS.TS Hoàng Minh Sơn; PGS.TS Trần Quang Quý; TS Lê Trường Tùng; TS Lê Viết Khuyến; TS Nguyễn Đình Hảo; PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải; PGS.TS.Nguyễn Minh Tâm; PGS.TS. Lê Quang Sơn; PGS.TS. Hà Thanh Toàn; Viện sỹ Trình Quang Phú.

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CỦA HIỆP HỘI TRONG NHIỆM KỲ II

  1. Về phương hướng chung

Hiệp hội cần tập hợp lực lượng từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và hoạt động xã hội, phối hợp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Đoàn thể, chủ động tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn của một nền giáo dục Việt Nam: nhân bản – khoa học – khai sáng và phát triển. Trong đó, cần bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục.

  1. Về nhiệm vụ
  2. Tích cực hỗ trợ và chia sẻ về thông tin, tri thức, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện phát triển, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ các quyền lợi chính đáng và môi trường bình đẳng cho các tổ chức thành viên. Đồng thời, Hiệp hội cần tham gia tư vấn cho các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước về mặt chiến lược và chính sách, phối hợp và gắn bó với họ để cùng hành động vì lợi ích chung của nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến khác nhau cần được thảo luận cởi mở, chân thành, cầu thị và xây dựng.
  3. Tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược Phát triển Giáo dục đại học, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới đại học và cao đẳng mà Chính phủ đã có chủ trương gần đây, tư vấn và đề xuất về chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn lớn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Góp phần tạo nhận thức chung về vai trò của mạng lưới và hệ thống đại học của một quốc gia, sự quan tâm xây dựng môi trường bình đẳng về đầu tư và cơ chế chính sách.
  4. Nỗ lực góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học. Đây là việc lớn đối với hệ thống đại học. Không có tự chủ hoặc chưa được tự chủ thì coi như chưa có đại học thật sự theo đúng nghĩa. Chỉ có sự tự chủ mới bảo đảm tính năng động, sáng tạo cho hoạt động giáo dục của tập thể nhà trường nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả cao hơn. Quyết tâm thực hiện chủ trương đúng đắn này là việc hết sức cần thiết, đòi hỏi tâm huyết, bản lĩnh và cả phương pháp tốt nữa.
  5. Tham gia xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học, liên thông và hiệu quả, không bị cắt khúc và khu trú riêng trong từng khối, từng phần, trong đó có tư duy mở, cơ chế mở, dữ liệu mở, cấp phép mở, gắn với CNTT, kết nối và số hóa, gắn với tham gia xây dựng xã hội học tập. Đây là vấn đề mới mẽ và rất quan trọng cho trước mắt và cho lâu dài, vì sự phát triển của con người, của các thế hệ và của cả một dân tộc có năng lực ở thứ bậc cao hơn.
  6. Phát triển khoa học giáo dục của Việt Nam là một nhiệm vụ lớn và cấp bách, nhằm tạo nền tảng về nhận thức để từ đó làm cơ sở cho việc giải quyết công việc trong thực tiễn. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức, còn có việc làm sách, viết sách, dịch thuật, hợp tác xuất bản và phát hành, tổ chức truyền thông. Cùng với phát triển khoa học giáo dục, công tác tư vấn và chuyên gia là yêu cầu khách quan. Sẽ tổ chức một nhóm cán bộ khoa học và quản lý trẻ có triển vọng để họ tham gia vào công việc tư vấn.
  7. Việc xây dựng các câu lạc bộ chuyên ngành, chuyên lĩnh vực từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và quản lý như đã làm trong nhiệm kỳ I cần tiếp tục thực hiện, vừa củng cố vừa mở rộng thêm, thường xuyên rút kinh nghiệm để uốn nắn và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động có ích.
  8. Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, việc tiếp tục phát triển hội viên, tổ chức xây dựng Hội là công việc rất quan trọng. Trong đó, có vấn đề về phát triển hội viên là các trường quốc tế và các cá nhân người nước ngoài đang sống và hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Bộ máy của Hiệp hội cần phù hợp với yêu cầu công việc, tinh gọn và năng động là yêu cầu cần được thảo luận chuyên đề để kế thừa, tiếp tục xây dựng và điều chỉnh hoàn thiện.
  9. Quỹ Hội cần được quan tâm xây dựng để có nguồn tài chính cho chi tiêu thường xuyên và hoạt động khoa học. Cần phải có kế hoạch và phương pháp, trước mắt và lâu dài cho việc xây dựng quỹ Hội, tạo thành nề nếp, phù hợp với quy định của luật pháp và xu thế tiến bộ của cộng đồng văn minh, có tầm nhìn chung về giáo dục, cộng với cách tổ chức quản lý minh bạch và hiệu quả.

BAN THÔNG TIN & TRUYỀN THÔNG