Hiệp hội tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II
Ngày 17/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội nghị Ban chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II. (ảnh: T.L)
Ngày 17/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội; Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Uỷ viên ban chấp hành nhiệm kỳ II.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh, chúng ta đã trải qua năm đầu tiên của nhiệm kỳ II dù dịch Covid ảnh hưởng đến nhiều hoạt động tuy nhiên Hiệp hội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Trần Xuân Nhĩ có tóm tắt báo cáo hoạt động của Hiệp hội năm 2021.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, bước vào năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành gây khó khăn, cản trở mọi hoạt động kinh tế xã hội, tác động tiêu cực đến mọi ngành nghề, nhưng Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) vẫn triển khai phương hướng hoạt động đã được Đại hội lần thứ II (tổ chức ngày 02 và 03/12/2020) đề ra và đạt được kết quả đáng kể.
Cụ thể, ngay từ sau Đại hội lần thứ II, Hiệp hội đã kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng các quy chế để điều hành công việc theo hướng gọn nhẹ, năng động.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội đã ban hành Quyết định phân công công việc kịp thời đối với các Phó Chủ tịch.
Các phòng, ban chuyên môn cùng nhân sự được sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu trước mắt và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Thường trực Hiệp hội gồm có Văn phòng và 7 Ban chuyên môn; 03 Hội đồng và 19 tổ chức trực thuộc (gồm 01 Tạp chí điện tử, 09 Viện và 09 Trung tâm).
Thời gian qua số lượng hội viên, tổ chức trực thuộc tuy có tăng, giảm ít nhiều do một số hội viên tổ chức thực hiện sáp nhập, thu gọn đầu mối, nhưng nhìn chung vẫn giữ được sự ổn định, phát triển. Cụ thể, tổng số hội viên là 364 trong đó 340 hội viên tổ chức và 24 hội viên cá nhân. Riêng năm 2021 kết nạp thêm 6 hội viên mới trong đó 2 hội viên chính thức và 4 hội viên liên kết. Ngoài ra, Hiệp hội thành lập thêm 01 Trung tâm trực thuộc: Trung tâm Nghiên cứu – chuyển giao khoa học, công nghệ giáo dục đại học.
Cùng với đó, Hiệp hội đã xây dựng và ban hành kịp thời các quy chế nội bộ, đưa các hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả.
Trong năm 2021, Hiệp hội đã tổ chức 20 buổi tọa đàm khoa học vào thứ Sáu hàng tuần, mời các chuyên gia giáo dục tham gia để trao đổi một số vấn đề như chuẩn bị nội dung ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngoài ra có một số vấn đề quan trọng như: Mục tiêu và sứ mệnh của giáo dục đại học; Thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, những hạn chế bất cập; Thực trạng hệ thống trường ngoài công lập Việt Nam và hành lang pháp lý liên quan; Mô hình trường đại học đẳng cấp quốc tế; Về khung chương trình…
Về vấn đề tự chủ đại học
Hiệp hội đã đưa ra nhiều chủ đề để trao đổi như thí điểm triển khai tự chủ đại học cần tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm toàn diện và trách nhiệm hơn; Nhìn nhận về quá trình đi đầu triển khai thực hiện tự chủ và thành quả đạt được của Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Góp ý cho Nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi; Góp ý cho dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính đối với các trường đại học; Đề nghị ban hành Nghị định đối với các trường đại học thực hiện tự chủ.
ặc biệt, Hiệp hội gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về khó khăn hiện tại của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc duy trì và phát huy kết quả thực hiện tự chủ của trường trong những năm qua và những bài học tốt cho các trường khác.
Về vấn đề thuế đối với các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập
Đảng và Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đối với cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện xã hội hóa. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 20/8/2008 đã có quy định khá cụ thể. Tuy nhiên, tiêu chí 55m2 đất/1 sinh viên (ban hành theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg) đã quá lạc hậu, nhưng lại đang là chướng ngại mà Hiệp hội Các trường đại học ngoài công lập Việt Nam trước đây và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đang còn phải tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý có thẩm quyền giải quyết, sửa đổi tiêu chí cho phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay, khi cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa đang đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vấn đề này hiện đang cản trở, hạn chế kết quả của chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Chính vì vậy, Hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị hai Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết vấn đề trên. Đến nay Hiệp hội đã nhận được ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hy vọng với sự quan tâm vào cuộc lần này, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập sẽ được đáp ứng.
Đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn do đại dịch Covid–19
Khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại do đại dịch Covid–19 gây ra cho ngành giáo dục, ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch mới xuất hiện, Hiệp hội đã đề xuất với cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét thực hiện phương án chuyển đổi hình thức đào tạo, giảng dạy từ trực tiếp sang giảng dạy, đào tạo từ xa, trực tuyến thông qua mạng internet và qua truyền hình để học sinh, sinh viên không đến trường nhưng vẫn được học, nhiệm vụ năm học vẫn có thể được hoàn thành.
Bước vào năm 2021, đại dịch Covid – 19 lại hoành hành dữ dội, sâu rộng, ác liệt hơn, Hiệp hội có công văn gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo học trực tuyến qua mạng, qua truyền hình đối với các cấp học cụ thể, phù hợp vùng miền để có được hiệu quả thiết thực. Ý kiến của Hiệp hội đã được các cấp quan tâm, lắng nghe, tiếp nhận và vận dụng vào thực tế.
Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW
Các khó khăn về liên thông trong đào tạo, cấp bằng trung học phổ thông cho hệ 9+3 của các trường nghề, về hội nhập quốc tế, về cơ cấu nhân lực, về chất lượng hệ cao đẳng bị hạ thấp và các phức tạp, vướng mắc khác nữa, chính là hệ lụy không đáng có của tình trạng quản lý cắt khúc, cục bộ, không thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với giáo dục đào tạo gây ra trong những năm qua, rất cần được khắc phục kịp thời.
Hiệp hội tiếp tục kiên trì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đưa các trường cao đẳng chuyên nghiệp trở về với bậc giáo dục đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường an tâm, ổn định, củng cố phát triển nâng cao chất lượng.
Về Kế hoạch sắp xếp lại mạng lưới sư phạm và hệ thống trường công lập trong giáo dục đại học. Có thể nói cả hai dự thảo đưa ra để lấy ý kiến đóng góp chưa đáp ứng được với yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học thực sự đối với hiện tại cũng như tương lai, chưa đạt được mục đích căn bản mà Nghị quyết 19-NQ/TW và Luật Giáo dục mới sửa đổi và ban hành đặt ra. Năm 2020 Hiệp hội đã có văn bản đóng góp ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tiếp nhận và chỉ đạo chưa ban hành kế hoạch sắp lại mạng lưới các trường sư phạm để nghiên cứu thêm. Trên cơ sở ý kiến của các trường cao đẳng sư phạm, Hiệp hội tiếp tục phản ánh tới các cơ quan quản lý quan tâm và đáp ứng nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của các trường.
Thể theo nguyện vọng của nhiều trường cao đẳng, Hiệp hội đã gửi Công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị ban hành Nghị định quy định chi tiết về thí điểm thực hiện tự chủ với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (cả trường công lập và ngoài công lập), trước mắt xem xét cho sửa đổi các điều khoản liên quan đến đăng ký lần đầu và đăng ký bổ sung trong Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 24/10/2016, Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 và sửa đổi Nghị định 15/2019/NĐ-CP ngày 01/2/2019 liên quan đến cấp phép liên kết – theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường về mở ngành, về chỉ tiêu tuyển sinh và liên kết quốc tế.
Xây dựng hệ thống dữ liệu giáo dục mở và chuyển đổi số trong giáo dục đại học
Hiệp hội có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và sau đó gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ xem xét tổ chức hội nghị Dữ liệu mở Châu Á vào tháng 10/2021. Hội nghị này đã được Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp tổ chức và tham dự.
Nắm bắt được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Hiệp hội đã kịp thời tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” gần 70 báo cáo tham luận của các chuyên gia, lãnh đạo, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước gửi về đã được Ban tổ chức lựa chọn, biên tập, in thành Kỷ yếu.
Thành lập mới 4 câu lạc bộ
Tiếp tục hỗ trợ để các Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội chủ động tổ chức sinh hoạt định kỳ, nề nếp, chất lượng thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm. Đây là mảng công việc rất quan trọng, thể hiện tính sâu rộng, thiết thực và nền tảng chất lượng, Hiệp hội rất quan tâm động viên khuyến khích, thông qua việc thành lập và duy trì sinh hoạt của các câu lạc bộ. Chủ trương này đáp ứng được nguyện vọng nên các trường hội viên hưởng ứng tham gia rất tích cực, nhiệt tình.
Số lượng câu lạc bộ hiện có là 23, trong đó có 04 câu lạc bộ được thành lập thêm trong năm 2021. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động của các Câu lạc bộ vẫn được duy trì đều đặn, sôi nổi, thiết thực, chất lượng.
Hoạt động hợp tác quốc tế
Mảng công việc này so với năm trước đã có những chuyển biến đáng kể. Theo đó, Hiệp hội đã hoàn thành thu thập ý kiến từ các trường thành viên phục vụ xây dựng phương án Hợp tác quốc tế của Hiệp hội.
Cùng Hiệp hội giáo dục Đài -Việt tổ chức webinar giới thiệu các chương trình học bổng, du học và liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục Đài Loan cũng như Hội nghị trực tuyến các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Cùng Hiệp hội giáo dục Đài – Việt khởi động các chương trình dạy tiếng Hoa và tiếng Anh cho sinh viên có nhu cầu du học Đài Loan hoặc thực tập, làm việc trong các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam theo nội dung MOU đã ký.
Đã kết nối với Hội đồng Anh và Đại sứ quán Anh về khả năng tổ chức các khóa tập huấn do các câu lạc và trung tâm của Hiệp hội chủ trì tổ chức.
Đã kết nối được với tổ chức JICA của Nhật Bản và KOICA của Hàn Quốc về khả năng kết nối du học, tổ chức thực tập cho sinh viên nhưng chưa thể ký kết MOU vì các Trường Đại diện của họ chưa quay lại làm việc tại Việt Nam do còn dịch bệnh.
Hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hiệp hội
Trong bối cảnh khó khăn chung, một số pháp nhân trực thuộc Hiệp hội vẫn gắng sức duy trì sự ổn định và triển khai hoạt động, cụ thể:
Vượt qua nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ Báo điện tử trở về Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và trong điều kiện thực hiện giãn cách để phòng chống đại dịch covid-19, Tạp chí vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và ổn định. Có nhiều bài viết về giáo dục có chất lượng, thu hút đông đảo bạn đọc, nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội.
Hầu hết các viện và trung tâm trực thuộc Hiệp hội đều có những khó khăn, trở ngại nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định.
Vận động các trường hội viên hưởng ứng phòng chống dịch COVID
Hưởng ứng chủ trương phòng chống dịch Covid–19 của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội đã có công văn gửi tới các trường hội viên đề nghị kịp thời có các giải pháp cần thiết, phù hợp với điều kiện của mình để hạn chế các thiệt hại do đại dịch gây ra, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 và năm học tới, mặt khác tích cực hỗ trợ cho các vùng trũng (địa phương, đơn vị, ….) dập dịch.
Theo kết quả bước đầu cho thấy: 23 trường hội viên đã cử 5.774 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia trực tiếp chống dịch; 19 trường hội viên đã hỗ trợ tiền mặt là hơn 7,5 tỷ đồng; nhường 1.601 phòng, 8 tầng nhà ký túc xá để làm nơi cách ly và nhiều trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm khác.