Hiệp hội có 9 góp ý đối với đề án phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

Ngày 24/07/2024

Ngày 20/7, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để góp ý đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam trong điều kiện có một ít cơ hội và còn rất nhiều khó khăn như hiện tại là một chủ trương mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, khi thành công sẽ có ý nghĩa lớn về chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc gặp với lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) ngày 12 tháng 11 năm 2023 về tư vấn cho Thủ tướng các vấn đề liên quan tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Hiệp hội đã tổ chức lấy ý kiến một số chuyên gia về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” (Đề án).

Với mong muốn Đề án sớm được hoàn thiện để đi vào thực hiện và đảm bảo sự thành công trên thực tế, Hiệp hội có một số ý kiến đóng góp gửi Thủ tướng Chính phủ như sau:

Thứ nhất, về mục tiêu chung của Đề án “Đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu và làm chủ được một phần công nghệ thuộc công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn”.

Hiệp hội cho rằng Đề án cần làm rõ mục tiêu “Tham gia sâu vào quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn hiện đại” là thế nào? Cần phải làm những gì? Đáp ứng những tiêu chí gì về kỹ thuật và công nghệ của quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại? Các vi mạch bán dẫn hiện đại ứng dụng ở lĩnh vực nào, sản phẩm nào?…

Các vi mạch bán dẫn hiện đại hiện nay thường sử dụng các công nghệ vi mạch có kích thước nhỏ hơn 14 nm. Trong đó, các vi mạch bán dẫn hiện đại nhất thường tập trung ở kích thước dưới 5 nm. Ngoài các kiến thức cơ bản về thiết kế vi mạch, các kỹ sư thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại còn phải có kiến thức sâu rộng về công nghệ chế tạo vi mạch hiện đại (hiện chỉ mới có một số nước tiên tiến về bán dẫn như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… mới có thể làm được).

Việt Nam chưa có hệ thống các phòng thí nghiệm chuyên sâu nghiên cứu các công nghệ này, cũng chưa có đầu tư cho nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ về các vi mạch bán dẫn hiện đại. Các kỹ sư Việt Nam mới tốt nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn và khó có thể tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại như mục tiêu của Đề án.

Ngoài ra, để có thể tham gia thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, cần phải có đơn hàng từ các doanh nghiệp trên thế giới. Để làm được điều này, các công ty Việt Nam cần phải có uy tín và chỗ đứng nhất định trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu (điều mà chúng ta chưa có hiện nay và trong tương lai gần).

Vì vậy, đến năm 2030, mục tiêu này cũng sẽ rất khó để thực hiện với các kỹ sư (kể cả cũ và mới ra trường) của Việt Nam và không nên đặt làm mục tiêu chung của Đề án.

Thứ hai, để tham gia sâu và làm chủ được một phần công nghệ thuộc công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn…” cần phải có các sáng chế (patent về các công nghệ nguồn, công nghệ lõi, với khả năng có thể chi phối công nghệ, dù chỉ là một phần). Để làm được điều này, nhà nước hoặc phải bỏ ra một lượng tài chính lớn để mua patent từ các đối tác hoặc chúng ta phải tự túc triển khai đầu tư, nghiên cứu phát minh và đăng ký bản quyền bảo hộ quốc tế các công nghệ này. Để tới năm 2030 có các patent này thì đáng lẽ theo lộ trình, bây giờ (năm 2024), về cơ bản, chúng ta đã phải có các kết quả nghiên cứu công nghệ này.

Do đó, mục tiêu này của Đề án cần được xem xét lại cơ sở thực tiễn và khoa học, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong điều kiện Việt Nam.

Thứ ba, về mục tiêu cụ thể “Đến năm 2030:

Đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó:

a) Theo trình độ: đào tạo được ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 thạc sĩ và 500 tiến sĩ.

b) Theo các công đoạn: 15.000 kỹ sư, cử nhân thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư, cử nhân trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.

c) Theo lĩnh vực chuyên sâu, có ít nhất 5.000 kỹ sư, cử nhân có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

d) Đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp.”

Hiệp hội cho rằng, mục tiêu đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tới năm 2030 cho 100 công ty là quá lớn và nên phải xem xét lại. Theo nghiên cứu của Hiệp hội thì tới năm 2030, số nhân viên thiết kế vi mạch cao nhất (cần đào tạo) chỉ khoảng 6.000 kỹ sư (với tăng trưởng cao nhất là 15%/năm). Trong đó bao gồm 40 công ty thiết kế vi mạch hiện tại với nhu cầu tuyển dụng thêm ~ 10 kỹ sư/năm (theo báo cáo điều tra của Đề án) trong 5 năm là 2.000 kỹ sư cộng với 40 công ty thiết kế vi mạch mới thành lập từ tới năm 2030 với 100 kỹ sư/công ty là 4.000 kỹ sư (các công ty mới thành lập có 100 kỹ sư trung bình là con số khá cao, tương ứng với công ty có 130-140 kỹ sư sau 3-4 năm hoạt động).

Tổng cộng là 6.000 kỹ sư thiết kế vi mạch cần đào tạo cho tới năm 2030 (thay vì 15.000 kỹ sư cần đào tạo theo Đề án).

Trong khâu đóng gói, kiểm thử theo Đề án, cần đào tạo ít nhất là 15.000 kỹ sư tới năm 2030 cũng lớn hơn hai lần con số thực tế. Hiện nay đã có 5 nhà máy đang vận hành hoặc sắp vận hành. Các nhà máy này để vận hành đã phải tự thu xếp nhân lực cho mình. Vì vậy, nếu tăng trưởng cao nhất 15% (với số liệu tăng trưởng cao nhất của Đài Loan 2019-2021) thì tới năm 2030 sẽ có thêm 5 nhà máy nữa, trung bình 1.500 kỹ sư/nhà máy. Tổng số sẽ cần tối đa 7.500 kỹ sư (chứ không cần đến 15.000 kỹ sư như Đề án).

Khâu sản xuất thiết bị bán dẫn: Hiện nay chúng ta có 7 nhà máy đã và đang đưa vào hoạt động. Với tăng trưởng cao nhất 15% tới năm 2030 ta sẽ có thêm 7 nhà máy nữa, với nhu cầu tối đa là 7.000 kỹ sư (chứ không phải 15.000 kỹ sư như Đề án).

Như vậy, tổng số kỹ sư cần thiết cho cả ba khâu thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị bán dẫn tới năm 2030, tối đa sẽ là 20.500 kỹ sư.

Con số này nhỏ hơn gần 2,5 lần con số ít nhất 50.000 kỹ sư cần đào tạo tới năm 2030 theo Đề án.

Thứ tư, Hiệp hội đề nghị xây dựng Đề án đào tạo nhân lực bán dẫn đến năm 2030 với số lượng cán bộ chuyên gia, kỹ sư các chuyên ngành bán dẫn tối đa khoảng 20.000 kỹ sư (để làm được điều này năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục đại học của chúng ta cũng đã phải tăng lên từ 2-3 lần và có tính tới cả hợp tác đào tạo với nước ngoài) thay vì 50.000 kỹ sư bán dẫn như trong Đề án.

Thứ năm, về đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ của Đề án cũng cần xem xét lại, vì:

Căn cứ vào năng lực thực tế và nhiệm vụ cần thiết nào để đào tạo số lượng cán bộ khoa học bán dẫn như vậy tới năm 2030? Để đào tạo 500 tiến sĩ bán dẫn (chỉ cho khâu thiết kế vi mạch và đóng gói, kiểm thử) tới năm 2030, thì phải tuyển sinh bắt đầu từ năm nay 2024, và trong ba năm 2028-2030, phải cho ra đời mỗi năm 170 tiến sĩ. Số lượng thạc sĩ theo Đề án còn gấp 15 lần số lượng tiến sĩ.

Trong thời gian ngắn phải bố trí công việc làm cho số cán bộ khoa học bán dẫn này ở đâu, như thế nào, hiệu quả ra sao và ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, đề án còn đề cập tới đào tạo 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo AI phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Mục tiêu này cần chứng minh tính cần thiết và hiệu quả, phương pháp thực hiện… Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực ứng dụng sản phẩm của công nghiệp bán dẫn và nếu muốn sử dụng AI cho công nghiệp bán dẫn thì phải làm rõ các ứng dụng AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn như thế nào, cho sản phẩm gì, trong chu trình công nghệ nào, khối lượng công việc ra sao?… mới có thể xác định được số kỹ sư, cử nhân có chuyên môn về AI cần đào tạo để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ bảy, kế hoạch, chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên của Việt Nam giảng dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp cũng chưa có luận chứng về số lượng các nhóm đào tạo, yêu cầu về chất lượng đào tạo, các chương trình đào tạo nâng cao, các kỹ năng cần thiết bổ xung cho các nhóm giảng viên với trình độ chuyên môn, chuyên ngành bán dẫn khác nhau…

Mục tiêu này cũng phải xem xét lại, bổ xung các dữ liệu điều tra, khảo sát, đánh giá, có luận chứng cần thiết và cách thức tổ chức, thực hiện, trước khi đưa thành mục tiêu của Đề án.

Thứ tám, về đầu tư.

Đề án có tổng mức đầu tư 26.000 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là 14.000 tỷ đồng cho tổng số 50.000 kỹ sư. Nếu con số đào tạo cao nhất là 20.500 (theo phân tích, đánh giá của Hiệp hội) thì chi phí đào tạo sẽ chỉ ~ 6.000 tỷ đồng.

Theo Đề án, chi cho đầu tư cơ sở vật chất 6.400 tỷ đồng, trong đó có 18 phòng thí nghiệm tiêu chuẩn (tối đa 80 tỷ đồng/phòng thí nghiệm) tại 18 cơ sở đào tạo đại học công lập và 4 phòng thí nghiệm bán dẫn quốc gia dùng chung tại Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;Đại học quốc gia thành phố Hà Nội; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia NIC; phòng thí nghiệm tại Đà Nẵng.

Hiệp hội đề nghị cần tính toán lại nội dung đầu tư, suất đầu tư, loại thiết bị, cách quản lý sử dụng các phòng thí nghiệm và nếu chưa đủ nguồn lực tài chính thì tập trung đầu tư trước cho một số phòng thí nghiệm, không nên đầu tư dàn trải mà kém hiệu quả.

Đề án còn chi một khoản tiền 3.700 tỷ đồng cho xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn. Khoản đầu tư này cần phải làm rõ cơ sở dữ liệu khoa học về sự cần thiết và hiệu quả đem lại. Hệ sinh thái nói ở đây gồm những cấu thành nào? Chức năng nhiệm vụ của các cấu thành này? Cơ chế vận hành của hệ sinh thái này như thế nào? Đánh giá tác động của từng cấu thành và cả hệ sinh thái tới đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn, và cả quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn? Khả năng tồn tại và phát triển của hệ sinh thái này trong điều kiện Việt Nam?…

Thứ chín, về trách nhiệm của các bộ, ngành và việc tổ chức thực hiện Đề án.

Đề án chưa lưu tâm đúng mức vai trò của các doanh nghiệp, chưa làm rõ phần chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi (mà chủ yếu mới dùng ngân sách nhà nước) và cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong triển khai thực hiện, kể cả đối với trường hợp Đề án không hiệu quả.

Hiệp hội đề nghị trong Đề án phải xác định rõ vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị tham gia Đề án và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: “Phát triển công nghiệp bán dẫn là việc rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam. Cần khảo sát nghiên cứu kỹ các cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án cho thành công.

Cần xem xét để bổ sung, điều chỉnh, tính toán lại các mục tiêu của Đề án cho phù hợp, cụ thể, rõ ràng (không chung chung, đại khái); bổ sung nhiều giải pháp và chính sách để thực hiện Đề án; tính kỹ lại nội dung, quy mô và cơ cấu đầu tư đối với các dự án thành phần; xác định quy mô và cách tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm hiệu quả; làm rõ nội dung đầu tư và cách sử dụng hiệu quả các phòng thí nghiệm; làm rõ nội dung và giải pháp phát triển hệ sinh thái; nghiên cứu cách tổ chức thực hiện Đề án, bảo đảm khả thi; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành”.