Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam họp Ban Chấp hành lần thứ V, khóa II
GDVN – Trải qua chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã duy trì được sự ổn định và phát triển bền vững.
Sáng ngày 12/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ V, khóa II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị báo cáo tổng kết hoạt động trong năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Hiệp hội kết hợp kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại (và mở rộng) từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (thành lập năm 2014).
Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động 10 năm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ khẳng định, trải qua gần 2 nhiệm kỳ, bộ máy điều hành của Hiệp hội đã cải tiến theo hướng tinh gọn, điều chỉnh và phân công công việc phù hợp với yêu cầu của thực tế triển khai chương trình công tác. Các hoạt động của Hiệp hội đã từng bước đi vào nền nếp, hướng tới chuyên nghiệp, thiết thực và hiệu quả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động 10 năm của Hiệp hội. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Điểm lại một số vấn đề quan trọng được Hiệp hội tích cực đóng góp trong 10 năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ nêu:
Thứ nhất, Hiệp hội có nhiều góp ý cho việc sửa đổi các luật về giáo dục như: Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi; đóng góp rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14.
Thứ hai, Hiệp hội đã trình Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị liên quan đến hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập;
Thứ ba, Hiệp hội đã nhiều lần đóng góp ý kiến, đề nghị xem xét lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy hoạch các trường sư phạm đào tạo giáo viên các bậc học, các vấn đề cần quan tâm của khối trường cao đẳng, vấn đề cơ cấu, quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Hiệp hội cũng đã kiến nghị giải pháp cụ thể cho một số trường địa phương đang gặp khó khăn, có nguy cơ bị giải thể hoặc bị sáp nhập vào các trường khác sứ mệnh.
Thứ tư, Hiệp hội kiến nghị duy trì nguyên vẹn hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương và có kế hoạch đầu tư toàn diện để vừa nâng cấp trình độ đào tạo giáo viên (lên đại học), vừa đa ngành hóa các trường này theo mô hình trường cao đẳng/đại học cộng đồng.
Thứ năm, Hiệp hội chủ động kiên trì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho toàn ngành giáo dục –đào tạo khẩn trương thay thế giải pháp cho người học nghỉ học – một giải pháp mang tính thụ động – bằng giải pháp chủ động hơn trong thời điểm dịch COVID-19.
Thứ sáu, Hiệp hội đã có kiến nghị các cấp có thẩm quyền chỉ đạo cho tổng kết nghiêm túc việc làm thí điểm tự chủ đại học.
Thứ bảy, Hiệp hội kiến nghị bổ sung luồng trung học phổ thông định hướng nghề nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ tám, góp ý đổi mới việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học.
Thứ chín, góp ý cho Đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 định hướng đến năm 2050.
Hiện nay, Hiệp hội có 26 câu lạc bộ, hàng năm mỗi câu lạc bộ sinh hoạt từ một đến nhiều lần thông qua tổ chức tọa đàm, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy đào tạo và quản lý.
“Trải qua chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã duy trì được sự ổn định và phát triển bền vững. Nhắm tới tôn chỉ mục đích, trong vai trò là “cánh tay nối dài” của Nhà nước, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả và phục vụ tốt nhiệm vụ chung của ngành giáo dục, đào tạo.
Những hoạt động của Hiệp hội đều thể hiện ý thức bảo vệ quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của hội viên. Do đó, Hiệp hội được sự tin tưởng, đoàn kết, gắn bó của các trường hội viên.
Có được kết quả bước đầu trên đây trong 10 năm qua, bên cạnh những nỗ lực phấn đấu, nhiệt tình đóng góp của hầu hết hội viên, Hiệp hội còn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ (đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo), các ban, ngành Trung ương liên quan và sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước.
Trong những năm tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, củng cố xây dựng và phát triển Hiệp hội bền vững; kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình để phục vụ tốt hơn và nhiều hơn cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam”, Phó Chủ tịch Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Báo cáo công tác tổ chức và tổng kết hoạt động năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Hiệp hội, Phó Chủ tịch Trần Xuân Nhĩ cho biết, Hiệp hội đã tham gia đóng góp ý kiến và chủ động nghiên cứu để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền những vấn đề cấp bách nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên (hiện tại Hiệp hội có tổng số 339 hội viên).
“Các ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp, kiến nghị,… của Hiệp hội được các cấp có thẩm quyền lắng nghe, tiếp nhận; hầu hết các trường hội viên đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hiệp hội, đồng thời tự nguyện đăng cai tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên môn của Hiệp hội cũng như các câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội. Các công việc trọng tâm của Hiệp hội đã triển khai đúng tiến độ; tổ chức trực thuộc hoạt động đạt kết quả cụ thể; câu lạc bộ chủ động triển khai hoạt động đạt kết quả thiết thực”, Phó Chủ tịch Trần Xuân Nhĩ đánh giá chung về kết quả đạt được của Hiệp hội.
Dự kiến chương trình hoạt động năm 2025, Hiệp hội chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Xúc tiến xây dựng và phát triển Viện Khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục; thành lập tổ công tác nhằm tham mưu tư vấn nghiên cứu chính sách phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn;
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo và tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động, sự phát triển của Hiệp hội (trọng tâm là hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo giáo viên; tự chủ đại học, trường đại học đẳng cấp quốc tế; phát triển các trường đại học ngoài công lập không vì mục đích lợi nhuận; bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; chính sách phát triển nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao nói riêng; chuyển đổi số và chuyển đổi xanh);
Tổ chức hội thảo khoa học quốc gia thường niên vào tháng 5/2025; duy trì các buổi tọa đàm khoa học hàng tuần;
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm phát triển các mô hình trường đại học tiên tiến, các chương trình đào tạo xuất sắc, các thành tựu khoa học công nghệ mới và việc trao đổi, bồi dưỡng chuyên gia cho các đơn vị và các thành viên của Hiệp hội:
Hoàn thiện Đề án củng cố và phát triển Hiệp hội trong giai đoạn tiếp theo và chuẩn bị bộ máy tổ chức, nhân sự Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Ban lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn để tiến tới Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III vào cuối năm 2025.
Tiến sĩ Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức Hiệp hội báo cáo dự thảo về cơ cấu nhân sự và số lượng Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ III. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Tại hội nghị, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Trưởng Ban Tài chính của Hiệp hội, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã báo cáo về tình hình tài chính, quyết toán Quỹ của Hiệp hội năm 2024 và dự toán thu chi năm 2025.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kiểm tra của Hiệp hội đã trình bày báo cáo của Ban Kiểm tra năm 2024.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận một số vấn đề liên quan đến giáo dục đại học, cao đẳng.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự quan tâm về những nội dung góp ý của Hiệp hội liên quan đến giáo dục đại học trong thời gian qua.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn đánh giá cao các kết quả hoạt động và dự kiến chương trình công tác trong thời gian tới của Hiệp hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Trước bối cảnh trong nước và quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội cần tập trung có những góp ý cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, trong đó có nội dung về phát triển nhân lực để cạnh tranh đưa đất nước đi lên.
Với vấn đề phát triển nhân lực, hiền tài là yếu tố cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, và giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học có vai trò lớn nhất trong ngành giáo dục, phát triển nhân lực, đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn mong muốn Hiệp hội sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến vào văn kiện đại hội sắp tới, sao cho đề cao được vai trò của giáo dục đại học, hệ thống đại học, cao đẳng trong phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước…
Cũng tại hội nghị, Hiệp hội đã công bố Quyết định của Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tri ân 10 cá nhân có đóng góp lớn nhân dịp 10 năm thành lập Hiệp hội. Đồng thời, hội nghị đã thông qua Dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lần thứ V, khóa II, nhiệm kỳ 2020-2025.
Dưới đây là một số hình ảnh tại hội nghị:
Thay mặt Chủ tịch Hiệp hội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tri ân cho các cá nhân (tham dự trực tiếp hội nghị) có nhiều đóng góp trong 10 năm thành lập Hiệp hội
Các đại biểu trao đổi, thảo luận ý kiến trực tiếp tại hội nghị. (Ảnh: Doãn Nhàn)
Ngọc Mai – Doãn Nhàn