Duy Tân vào Top 10 các trường đại học tư thục Đông Nam Á năm 2022

Ngày 28/02/2022

Tơp 10 các trường Đại học Tư thục Đông Nam Á năm 2022

Năm 2022, AppliedHE đã thực hiện kỳ đánh giá cho Private University Ranking: ASEAN (bảng xếp hạng Đại học Tư thục: ASEAN). Top 10 của bảng xếp hạng là các trường đại học tư thục của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam có 1 trường đại học tư thục lọt vào danh sách này là Đại học (ĐH) Duy Tân ở thành phố biển Đà Nẵng.

Xếp hạng Đại học Tư thục: ASEAN ra đời nhằm mục tiêu đo lường những chỉ số quan trọng nhất về các trường đại học tư thục mà sinh viên quyết định theo học trên hành trình tiếp nhận kiến thức và kỹ năng phục vụ nghề nghiệp tương lai.

Đặc biệt ở Đông Nam Á, các trường đại học tư thục đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội để người học được tiếp cận giáo dục đại học, bên cạnh việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Có 29 trường đại học trong khu vực Đông Nam Á được xếp hạng đợt này đến từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Top 10 là các đại học như sau:

1. Trường ĐH BinaNusantara (Binus) (Indonesia)

2. Trường ĐH TenagaNasional (Malaysia)

3. Trường ĐH Islam (Indonesia)

4. Trường ĐH Santo Tomas (Philippines)

5. Trường ĐH Telkom (Indonesia)

6. Trường ĐH Muhammadiyah Malang (Indonesia)

7. Trường ĐH Krirk (Thái Lan)

8. Trường ĐH Duy Tân (Việt Nam)

9. Trường ĐH SEGI (Malaysia)

10. Trường ĐH Teknokrat (Indonesia)

Mỗi bảng xếp hạng có cách thức thực hiện khác nhau. AppliedHE đo lường điều quan trọng đối với sinh viên, cụ thể là:

– Chất lượng giảng dạy và học tập

– Cơ hội việc làm và tuyển dụng

– Năng lực nghiên cứu.

Trong đó, việc đo lường nghiên cứu là bởi hoạt động này giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời việc tiếp cận cộng đồng và quốc tế của các tổ chức giáo dục cũng được xem là sẽ giúp nâng cao trải nghiệm học tập tổng thể. Tiêu chí cuối cùng là: Giá trị thương hiệu của tổ chức giáo dục đại học.

Vị trí xếp hạng của Top 10 các đại học tư thục ASEAN ở tiêu chí Giảng dạy & Học tập và Danh tiếng

Bảng xếp hạng Đại học Tư thục: ASEAN với các trọng số như sau:

– Chất lượng giảng dạy & học tập: 40%,

– Cơ hội việc làm: 15%,

– Năng lực nghiên cứu: 15% (nghiên cứu thường góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy),

– Sự tham gia của cộng đồng: 10% (hoạt động tiếp cận cộng đồng và quốc tế của tổ chức giáo dục nhằm nâng cao trải nghiệm học tập tổng thể),

– Quốc tế hóa: 10%,

– Giá trị thương hiệu: 10% (giá trị thương hiệu của một trường đại học: trường đại học đó có được các trường đại học kháctôn trọng hay không, từ đó có thể đánh giá “trọng lượng” của tấm bằng tốt nghiệp mà sinh viên nhận được sau thời gian dài học tập).

Lý giải tại sao chỉ xếp hạng các trường đại học tư thục, AppliedHE cho biết: Các trường đại học tư thục khác với các trường đại học công lập ở chỗ họ nhận được ít hoặc không nhận được nguồn tài trợ nào từ Chính phủ.

Các trường đại học tư thục thường tập trung vào giảng dạy và việc làm. Sinh viên đóng học phí với kỳ vọng tiếp thu kiến thức và kỹ năng để tiếp cận cơ hội việc làm tốt nhất cũng như nhận được một nền tảng giáo dục tốt nhất có thể.

Các trường đại học công lập được Chính phủ tài trợ nhiều hơn, có nghĩa là họ có vị thế thực hiện nhiều nghiên cứu hơn hoặc cung cấp các khóa học ít mang tính thương mại hơn. Vì những khác biệt lớn này, không phải lúc nào cũng công bằng khi so sánh các trường đại học tư thục và công lập trên cùng một cơ sở.

Nghiên cứu khoa học là một tiêu chí quan trọng để các trường đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng đại học thế giới, tuy nhiên, các trường đại học tư thục thường xếp hạng khá thấp bởi ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học ít hơn.

Ban TT&SV