ĐH Quốc gia TP.HCM gửi đến Chính phủ 5 kiến nghị
Chiều 22-4, đoàn công tác do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu cùng lãnh đạo các bộ/ngành trung ương và địa phương đã có buổi làm việc với hai đại học lớn là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nội dung xoay quanh các vấn đề về đường hướng phát triển sắp tới của hai ĐH này.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM gồm 38 đơn vị. Trong đó có bảy trường đại học thành viên. Về đội ngũ, ĐH Quốc gia TP.HCM hiện có gần 6.100 cán bộ, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư và người lao động, trên quy mô khoảng hơn 79.000 sinh viên ĐH.
Hằng năm, ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, khoảng 1.500 thạc sĩ và hơn 100 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của bốn trường ĐH thành viên, gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế.
Những năm qua, ĐH này đã và đang ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nâng cao vị trí xếp hạng trong khu vực và quốc tế. Và hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiên phong thực hiện tự chủ đại học, từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ, phấn đấu 100% các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thực hiện tự chủ đại học trước năm 2025.
Đến năm 2025, ĐH này sẽ bắt kịp các trường ĐH nghiên cứu hàng đầu khu vực Đông Nam Á ở một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ sinh học – Y sinh, Công nghệ vật liệu tiên tiến…Và đến năm 2030, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ nằm trong nhóm 100 trường ĐH hàng đầu của châu Á.
Để làm được, ĐH này đã có những kiến nghị, đề xuất gửi đến Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học công nghệ. Cụ thể:
Thứ nhất, Chính phủ ủng hộ và sớm ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia, Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên.
Thứ hai, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Chính phủ ủng hộ ĐH Quốc gia xây dựng cơ chế thử nghiệm (regulatory sandbox) để thực thi tự chủ đại học trong bối cảnh còn nhiều các quy định pháp lý khác cản trở tiến trình tự chủ đại học, trình Thủ tướng ra quyết định.
Thứ ba, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt giao bổ sung thêm kinh phí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, giao nhiệm vụ, đặt hàng ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện các chương trình, đề án, dự án chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, kiến nghị Chính phủ ủng hộ và phê duyệt chủ trương thành lập Trường ĐH Khoa học sức khỏe và Trường ĐH Công nghệ Môi trường là trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thứ năm, kiến nghị Chính phủ ủng hộ chủ trương có phiên họp thường niên giữa Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ GD&ĐT và hai ĐH Quốc gia do Chính phủ chủ trì để bàn về các kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
Ban TT – SV