Cấp thiết trong đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao
GDVN -Ở Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao đang lớn dần và được dự báo tăng cao trong nhiều năm tới, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi.
LTS: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của thời đại 4.0 như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng mới… Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ là nguy cơ có thể làm nước ta tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế trong đào tạo các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ đồng thời yêu cầu tập trung đầu tư cho giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ và các ngành mới nổi như bán dẫn, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo….
Trước tình hình đó, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến 2045”.
Để dư luận hiểu rõ hơn về đề án này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phóng viên: Theo báo cáo của nhiều tổ chức, công ty tư vấn có uy tín quốc tế đánh giá, nguồn nhân lực STEM tài năng là yếu tố quan trọng nhất trong thu hút đầu tư công nghệ cao. Xin Thứ trưởng cho biết, nhu cầu và thực trạng nhân lực công nghệ cao trên thế giới và tại Việt Nam hiện nay?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Nhân lực công nghệ cao là lực lượng lao động có trình độ và kỹ năng chuyên môn cao đáp ứng được yêu cầu quản lý, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, nhân lực công nghệ cao có thể được đào tạo ở các ngành và trình độ khác nhau, trong đó những người được đào tạo ở các ngành STEM từ trình độ đại học trở lên đóng vai trò nòng cốt.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ, đột phá của các lĩnh vực công nghệ cao, nhu cầu nhân lực STEM gia tăng nhanh hơn so với mức chung trong nhiều năm qua và dự báo trong nhiều năm tới, đồng thời mức thu nhập trung bình của nhân lực STEM cao hơn mức chung của toàn lực lượng lao động.
Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát của nhiều tổ chức, công ty tư vấn quốc tế, hiện nay và trong nhiều năm tới nhiều nước trên thế giới có sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực STEM có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ mới nổi. Bên cạnh đó, nhu cầu đào tạo lại, đào tạo nâng cao và đào tạo chuyển đổi cho lực lượng lao động hiện tại cũng đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Có thể nêu một vài con số minh họa về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tại châu Âu, số lượng nhân lực ICT tăng 59,3% trong giai đoạn 2013-2023, tuy nhiên, ước tính mỗi năm vẫn thiếu hụt khoảng 150.000 nhân lực này (trong đó khoảng 2/3 yêu cầu trình độ đại học trở lên). Tại Mỹ, nhu cầu nhân lực ICT dự báo sẽ tăng trưởng với mức gấp hai lần so với mức tăng trung bình của tổng lực lượng lao động trong mười năm tới. Tại Nhật Bản, số lượng nhân lực ICT thiếu hụt ước tính lên tới 790.000 người vào năm 2030. Hàn Quốc thiếu khoảng 127.000 nhân lực ICT vào năm 2022 và dự kiến con số này sẽ tăng lên 331.000 vào năm 2030.
Trong bối cảnh mới, các cường quốc công nghệ trên thế giới đều tập trung lựa chọn và đầu tư thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực công nghệ then chốt mang tầm chiến lược quốc gia, đặc biệt những công nghệ liên quan tới công nghệ số, công nghệ xanh như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot và tự động hóa, truyền thông thế hệ mới, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học và năng lượng mới. Nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia. Vì vậy, các cường quốc đều có chiến lược rõ ràng và hành động mạnh mẽ để cạnh tranh, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao gắn với cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực tài năng STEM.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển bùng nổ, đặc biệt là AI tạo sinh, kéo theo nhu cầu nhân lực AI tăng cao trên toàn cầu. Thị trường AI toàn cầu ước tính đạt 196,63 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 36,6% từ năm 2024 đến năm 2030. Tỉ lệ việc làm AI cần tuyển mới tăng mạnh trong giai đoạn 2014-2023 ở tất cả các nước và dự báo sẽ tăng nhanh trong giai đoạn tới.
Tại Việt Nam, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao đang lớn dần và được dự báo tăng cao trong nhiều năm tới, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi tương tự như các nước trên thế giới. Theo Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2022 của Tổng cục Thống kê, trong 5 ngành kinh tế có bình quân thu nhập cao nhất (không tính hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế) thì có 3 ngành sử dụng nhiều nhân lực công nghệ cao, đứng đầu là công nghệ thông tin và truyền thông, đứng thứ ba là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ và đứng thứ năm là năng lượng.
Theo báo cáo Tương lai việc làm 2023 của Diễn đàn kinh tế thế giới khảo sát về giai đoạn 2023-2027 ở Việt Nam, 68% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng việc nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến sẽ tạo thêm việc làm, trong đó 7 lĩnh vực công nghệ có tác động lớn nhất bao gồm công nghệ môi trường (65%), phân tích dữ liệu lớn (59%), trí tuệ nhân tạo (30%), điện toán đám mây (29%), các nền tảng và ứng dụng số (18%), công nghệ giáo dục và phát triển nhân lực (17%), IoT và các thiết bị kết nối (15%).
Theo mục tiêu đặt ra trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉ trọng kinh tế số cần đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030, trong khi giá trị này của năm 2023 theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông là 16,5%. Như vậy, nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ số ước tính cũng sẽ phải tăng theo tỉ lệ tương ứng. Theo mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, tới năm 2030 quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 25 tỷ USD/năm (xấp xỉ 3% GDP), quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 225 tỷ USD/năm (xấp xỉ 28% GDP), quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân.
Trong khi nhu cầu thực tế hiện nay và dự báo trong tương lai như vậy, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng chuyên môn cao ở nước ta trong những năm qua đã được phân tích và đánh giá trên nhiều diễn đàn.
Cụ thể, quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM suy giảm một cách đáng lo ngại trong những năm gần đây và chỉ chiếm chưa tới 4,0% tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc khối STEM và có sự khác biệt lớn giữa các lĩnh vực đào tạo.
Quy mô đào tạo sau đại học khối STEM
Năm 2021, số học viên đang theo học thạc sĩ chỉ chiếm 3,37% quy mô đào tạo các trình độ trong khối STEM (thấp hơn tỉ lệ học viên thạc sĩ nói chung) và chiếm 20,08% tổng số học viên thạc sĩ tất cả các lĩnh vực (thấp hơn tỉ lệ sinh viên đại học khối STEM tính trên tổng số sinh viên đại học tất cả các lĩnh vực). 3 lĩnh vực có tỉ lệ học thạc sĩ đạt dưới 2% bao gồm Máy tính và công nghệ thông tin (1,99%), Sản xuất và chế biến (1,83%) và Công nghệ kỹ thuật (0,18%).
Trong khi đó các lĩnh vực Khoa học và toán có tỉ lệ theo học thạc sĩ lớn nhất và gấp nhiều lần mức trung bình cả khối STEM. Xét về số lượng, hai lĩnh vực Sản xuất và chế biến, Công nghệ kỹ thuật đóng góp không đáng kể vào quy mô đào tạo thạc sĩ của cả khối. Năm 2021, tuyển sinh toàn khối STEM chưa đạt được 40% chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ và không có lĩnh vực nào tuyển đạt 50% chỉ tiêu.
Thực trạng quy mô đào tạo tiến sĩ ở các lĩnh vực STEM cho bức tranh màu xám hơn khi tỉ lệ nghiên cứu sinh trên tổng số sinh viên các trình độ đào tạo của khối này thấp hơn 0,4%, chỉ bằng khoảng 1/9 so với Hàn Quốc, 1/13 so với Israel và mức trung bình của EU, 1/15 so với Phần Lan và Đức. Đặc biệt đáng lo ngại là với xu hướng tuyển sinh hiện nay, quy mô đào tạo tiến sĩ có xu hướng tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo nếu không sớm có những giải pháp đột phá.
Trong năm 2021, tổng số nghiên cứu sinh tuyển mới các ngành STEM chỉ vỏn vẹn 309 người, nếu tính tới cả tỉ lệ không tốt nghiệp được và giả thiết tất cả những người tốt nghiệp tiến sĩ đều sẽ về làm giảng viên đại học thì trung bình hàng năm mỗi cơ sở giáo dục đại học chưa bổ sung được thêm 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ khối STEM từ nguồn đào tạo trong nước, chưa nói tới đáp ứng nhu cầu của các viện nghiên cứu, các trung tâm R&D của các tập đoàn công nghệ.
Phóng viên: Như chia sẻ của ông cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao là rất lớn trong tương lai. Vậy tính cấp thiết phải tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực STEM trình độ cao tại nước ta trong giai đoạn tới như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Yêu cầu trong tương lai về cơ cấu nhân lực chuyên sâu trong từng lĩnh vực công nghệ cao là yếu tố rất khó dự báo, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào biến động của nền kinh tế thế giới và sự dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế trong nước, vốn phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, phân tích tình hình nhân lực công nghệ cao của các nước trên thế giới cho thấy, nhân lực STEM là lực lượng chủ yếu và nòng cốt của nhân lực công nghệ cao, là yếu tố phản ánh năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hay là năng lực cạnh tranh cốt lõi của của mỗi quốc gia, đặc biệt là nhân lực trình độ đại học trở lên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, máy tính và công nghệ thông tin. Có thể thấy, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực STEM chất lượng cao.
Hiện nay, tỉ lệ lao động có trình độ cao và tỉ lệ việc làm yêu cầu trình độ cao ở nước ta nói chung và trong các lĩnh vực STEM nói riêng hiện còn thấp hơn nhiều so với các nước tiên tiến. Như vậy, muốn đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, những chỉ số này cần phải được cải thiện nhiều. Theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO, năm 2024 Việt Nam đứng thứ 44 toàn thế giới, tuy nhiên các chỉ số liên quan tới nguồn nhân lực trình độ cao nói chung và trong các lĩnh vực STEM nói riêng đứng rất thấp (Tỉ lệ học đại học đứng thứ 78, tỉ trọng người tốt nghiệp các ngành khoa học và kỹ thuật đứng thứ 63, số nhân lực nghiên cứu trên dân số đứng thứ 59 và tỉ lệ việc làm có hàm lượng tri thức cao đứng thứ 109).
Tỉ lệ lao động có trình độ cao và tỉ lệ việc làm yêu cầu trình độ cao ở nước ta nói chung và trong các lĩnh vực STEM nói riêng hiện còn thấp hơn nhiều so với các nước tiên tiến
Về thực trạng đào tạo, số sinh viên đại học các ngành STEM tăng khá trong vài năm gần đây, nhưng còn thấp so với nhiều nước tiên tiến, nhất là ở các ngành khoa học cơ bản và ở các trình độ đào tạo sau đại học. Mặc dù lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin chiếm tỉ trọng khá cao so với các lĩnh vực khác ở quy mô đào tạo sau đại học, nhưng tỉ lệ theo học sau đại học ở lĩnh vực này lại đứng ở vị trí rất thấp trong các lĩnh vực STEM.
Đáng chú ý là tỉ lệ nữ sinh theo học các ngành STEM còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt ở các nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ mũi nhọn. Theo số liệu tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, tỷ lệ sinh viên nữ nhập học chỉ chiếm chưa tới 20% sinh viên khối STEM, xấp xỉ 10,1% sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật và 14,7% sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin, trong khi tính chung toàn hệ thống thì nữ sinh chiếm tỉ lệ 53% số sinh viên nhập học tất cả các ngành.
Đặc biệt, trong một vài năm gần đây tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông chọn các môn tự nhiên ngày càng giảm cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Phóng viên: Từ thực tiễn cho thấy, chính sách tín dụng hiện nay với lãi suất chưa hấp dẫn, hạn mức vay còn thấp, đối tượng vay còn hạn chế, thời hạn trả nợ ngắn. Chưa kể, muốn đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đòi hỏi yêu cầu cao về năng lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm và công nghệ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Thưa Thứ trưởng, liệu đây có phải là rào cản chính khiến các cơ sở giáo dục đại học trong nước khó nâng cao chất lượng, thu hút người học các ngành STEM không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Theo cơ chế tự chủ tài chính, ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập bị cắt hoặc giảm dần, trong khi kinh phí chi đầu tư hay chi đặt hàng, giao nhiệm vụ hầu như chưa tăng. Tính chung, kinh phí chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học năm 2022 chỉ đạt hơn 10,4 nghìn tỉ đồng, tương đương 0,6% tổng ngân sách nhà nước. Nếu tính cả kinh phí khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước, thì tỉ trọng ngân sách nhà nước trong tổng chi của cả hệ thống cơ sở giáo dục đại học cũng chỉ đạt xấp xỉ 20%.
Thực tế là nguồn thu của các trường đại học phụ thuộc chủ yếu vào học phí của sinh viên. Trong điều kiện mức thu nhập chung của đa số người dân còn thấp, khung học phí do Chính phủ quy định cũng như mức học phí cụ thể do các trường quyết định chưa thể tăng nhiều. Do vậy, nguồn thu của các trường chủ yếu phục vụ chi thường xuyên cho hoạt động đào tạo và vận hành nhà trường, khó có thể dành nhiều cho đầu tư thu hút giảng viên giỏi, mở rộng và nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các cường quốc công nghệ đều có chiến lược để cạnh tranh nhân tài khoa học và công nghệ, đặc biệt các giảng viên và nhà khoa học. Các trường đại học của Việt Nam chưa thể đưa ra mức lương cạnh tranh là yếu tố để thu hút nhân tài từ công nghiệp, chưa nói tới thu hút từ các nước tiên tiến. Một số cơ sở giáo dục đại học lớn có uy tín, được Nhà nước ưu tiên đầu tư cũng rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tuy nhiên một số ngành khoa học cơ bản và kỹ thuật then chốt có chi phí lớn vẫn gặp khó khăn trong thu hút sinh viên giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Ảnh minh họa: nguồn Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
Một trong những giải pháp quan trọng đó là chính sách tín dụng ưu đãi cho người học. Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay đã được mở rộng cho sinh viên thuộc gia đình có mức thu nhập trung bình, mức vay tối đa cũng đã được nâng lên 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Ngân hàng xã hội cho thấy số lượng người vay không đạt được như kỳ vọng, cần phải xem xét một số nguyên nhân, trong đó chắc chắn liên quan tới phạm vi đối tượng còn hẹp, hạn mức vay còn thấp, thời gian trả nợ ngắn và mức lãi suất còn chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, có thể còn có tâm lý chung của nhiều gia đình là lo ngại khả năng trả nợ sau này nếu như tình hình việc làm và thu nhập không khả quan.
Có thể nói, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực STEM là điểm nghẽn lớn của đất nước trong thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, nhưng tài chính đại học lại là điểm nghẽn lớn nhất đối với hệ thống giáo dục đại học trong thu hút người học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực then chốt này.
Phóng viên: Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan đến công nghệ số. Để đạt được những con số này, chúng ta cần phải bắt tay ngay vào triển khai những gì để tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao, thưa Thứ trưởng?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Trên cơ sở phân tích, đánh giá bối cảnh, thực trạng, nguyên nhân và kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khá toàn diện. Mặc dù cũng có một số giải pháp được coi là có tính đột phá, tuy nhiên giáo dục đào tạo là một sự nghiệp lâu dài, cần phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ và kiên trì.
Trước hết, cần phải làm thế nào để ngày càng có nhiều học sinh thích học, muốn học và học tốt các môn khoa học tự nhiên và công nghệ, từ càng sớm càng tốt. Muốn vậy, cần phải bắt đầu từ việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông về đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp tiếp cận giáo dục và hướng nghiệp STEM. Các thầy cô giáo cũng cần được trang bị năng lực số và khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục. Đồng thời, các nhà trường cần được trang bị đủ điều kiện thực hành, thí nghiệm để học sinh được học nhiều qua trải nghiệm, sáng tạo, qua đó thích học hơn và học được sâu hơn, dần dần đam mê với STEM.
Tiếp theo, cần triển khai các giải pháp để thu hút ngày càng nhiều học sinh giỏi tốt nghiệp trung học phổ thông chọn học các ngành STEM ở bậc đại học, đặc biệt là các em nữ sinh, các em học sinh từ các trường chuyên; ngày càng nhiều sinh viên giỏi tốt nghiệp chọn học sau đại học các ngành STEM. Chính sách tín dụng ưu đãi cần được mở rộng cho nhiều đối tượng (bao gồm cả học viên sau đại học), với hạn mức vay tăng lên, lãi suất giảm và thời gian trả nợ dài hơn. Đặc biệt, nên nghiên cứu cơ chế xóa hoặc giảm nợ đối với một số ngành nghề đặc thù khi sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại các cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo đặt hàng của Nhà nước. Các chính sách cấp học bổng và miễn giảm học phí cũng cần được hoàn thiện, ưu tiên sinh viên, học viên cao học và đặc biệt là nghiên cứu sinh theo học các ngành STEM, nhất là các ngành phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mang tầm chiến lược quốc gia.
Các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác với các trường đại học uy tín nước ngoài, tập trung đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, đa dạng hóa và hiện đại hóa phương thức đào tạo các ngành STEM, triển khai mô hình giáo dục đại học số, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Ảnh minh họa: nguồn Trường Đại học Phenikaa
Từ kinh nghiệm triển khai thành công trước đây đối với các chương trình đào tạo tài năng, chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao…, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo có uy tín triển khai các chương trình đào tạo tài năng trong các nhóm ngành STEM trọng điểm phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ then chốt như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, robot và tự động hóa, năng lượng sạch, vật liệu tiên tiến…
Điểm mới so với các chương trình trước đây, các chương trình đào tạo tài năng STEM này sẽ đào tạo tới trình độ kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, gắn với các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu tiềm năng, tăng cường hợp tác, liên minh giữa các cơ sở đào tạo. Có thể coi việc triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM chính là một trong những giải pháp tạo đột phá.
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, các cơ sở đào tạo cần được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất và công nghệ, xây dựng các phòng thí nghiệm và học liệu, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, mời giảng viên và chuyên gia từ nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu. Kinh phí chi các hoạt động khoa học, công nghệ cũng cần được ưu tiên cho các cơ sở đào tạo triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM, các nhóm nghiên cứu mạnh và tiềm năng tham gia đào tạo các chương trình này.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy tốt hơn quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và huy động hiệu quả hơn các nguồn lực từ xã hội, sự tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp vào đào tạo nhân lực STEM chất lượng cao. Ví dụ, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công – tư để tạo thuận lợi cho trường đại học hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài thành lập các trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng, đội ngũ giảng viên giỏi đóng vai trò quyết định tới khả năng mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Suy cho cùng thì việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, khả năng thu hút các nguồn tài trợ cho đào tạo và nghiên cứu cũng phụ thuộc vào năng lực đội ngũ giảng viên. Từ trước đến nay, Nhà nước đã có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học (cả công lập và tư thục) gửi giảng viên đi học tiến sĩ ở các trường đại học uy tín nước ngoài và một số trường đại học uy tín trong nước. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trường khai thác hiệu quả hơn các chương trình, đề án này, ưu tiên cho giảng viên các ngành STEM.
Phóng viên: Đó là về đào tạo, còn vấn đề thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi các ngành STEM thì sao, thưa Thứ trưởng?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Đúng là từ trước tới nay, Nhà nước có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ đào tạo đội ngũ giảng viên nhưng chưa chú ý tới thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, nhất là từ nước ngoài. Hiện nay, chúng ta đang có một nguồn lực rất quý báu mà chưa khai thác được nhiều, đó là đội ngũ đông đảo chuyên gia giỏi, nhà khoa học có uy tín là người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều người từng là giảng viên của các trường đại học trong nước đã đi học tiến sĩ bằng các nguồn học bổng khác nhau.
Một xu hướng đáng mừng là gần đây một số cơ sở giáo dục đại học có uy tín đã mạnh dạn triển khai các chương trình tuyển dụng giảng viên tài năng với những chế độ ưu đãi nhất định, qua đó đã thu hút được ngày càng nhiều giảng viên trẻ tài năng từ nước ngoài quay trở về làm việc. Có thể thấy, nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ thêm các cơ sở giáo dục đại học, thì có thể bổ sung được nhanh một số lượng lớn giảng viên giỏi (về làm việc được ngay), hiệu quả đạt được chắc chắn cao hơn so với việc cử người đi học tiến sĩ.
Bên cạnh đó, với công nghệ trực tuyến hiện nay, chúng ta cũng có thể triển khai một số cơ chế, chính sách để tận dụng khai thác được sự hợp tác, hỗ trợ của nhiều chuyên gia, giảng viên và nhà khoa học từ nước ngoài mà không nhất thiết phải tuyển dụng. Đây cũng là một trong những giải pháp đột phá thực hiện chủ trương đề ra trong Nghị quyết 45-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất trong dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia khác, như Trung Quốc và Singapore về các chương trình thu hút nhân tài công nghệ.
Tất nhiên, việc thu hút các giảng viên tài năng về làm việc trong nước phải gắn với các giải pháp giữ chân lâu dài. Bên cạnh nỗ lực của từng trường đại học trong việc tạo ra môi trường làm việc tốt, mức thu nhập hấp dẫn và giao những nhiệm vụ thách thức cho giảng viên, thì Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài môi trường sống với chính sách an sinh xã hội tốt thì quan trọng nhất là sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ lớn, sự phát triển của chính nền công nghiệp công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao và nhu cầu nghiên cứu, từ đó tạo ra các bài toán lớn, tạo động lực và nguồn lực cho các giảng viên, nhà khoa học tài năng ở lại làm việc trong nước, hoặc tiếp tục cộng tác với các trường đại học trong nước.
Phóng viên: Khi đạt được những con số như kỳ vọng, Thứ trưởng dự đoán sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, sự thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng công nghệ sẽ ra sao?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn: Bài toán đào tạo nguồn nhân lực luôn gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động, theo quan hệ hai chiều. Nguồn nhân lực chất lượng cao là tiền đề, cần phải đầu tư đi trước một bước, tuy nhiên khả năng thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu về đào tạo như kỳ vọng, nếu như không thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn vào đầu tư trong các công đoạn thâm dụng công nghệ cao, vì khi đó thị trường nhân lực công nghệ cao sẽ không tăng trưởng mạnh và sẽ khó có nhiều người giỏi muốn theo học.
Thống kê số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây cho thấy, thí sinh rất nhạy bén với sự thay đổi của thị trường lao động. Thực tế hàng năm có khoảng hơn 600.000 thí sinh đăng ký dự tuyển đại học thì sẽ có vài triệu người đóng vai trò là “cảm biến” đo mức độ biến động của thị trường lao động. Cho nên cần nói chính xác là khi những chỉ tiêu đưa ra đã đạt được thì cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ và thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao đã có mức tăng trưởng tương ứng. Khi đạt được những con số như kỳ vọng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn công nghệ lớn đặt tại Việt Nam.
Ngược lại, cơ cấu nền kinh tế khó có sự dịch chuyển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao khó có sự tăng trưởng như kỳ vọng nếu kết quả đào tạo nguồn nhân lực nằm xa mục tiêu. Chắc chắn, các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra là rất thách thức nhưng cần thiết, vì vậy cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cơ sở giáo dục đại học đồng thời cần có các cơ chế chính sách đột phá và nguồn lực đầu tư tương xứng từ Nhà nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.