Dạy học trực tuyến đàng hoàng thì chất lượng còn hơn dạy học truyền thống!
Ngày 21/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập ứng phó với COVID 19” trong đó lãnh đạo các trường đã bàn sâu đến việc dạy –học trực tuyến và xây dựng nguồn dữ liệu tài nguyên giáo dục mở.
Tại tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT- chủ nhiệm câu lạc bộ ngoài công lập (trực thuộc Hiệp hội) rằng dịch Covid-19 là khó khăn nhưng cũng chính là cơ hội để các trường triển khai, phát triển hình thức dạy học trực tuyến.
Bởi lẽ, lâu nay nhiều giảng viên chưa chịu thay đổi chuyển sang hình thức dạy online thì nay buộc họ phải thích nghi, tiệm cận với phương thức đào tạo hoàn toàn mới.
Thậm chí, thầy Phạm Vũ Phi Hổ- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu nêu ý kiến, nếu tổ chức dạy học trực tuyến đàng hoàng thì chất lượng còn hơn dạy học truyền thống. Và đây là hình thức dạy học tương lai do đó các trường cần phải đầu tư để tạo đột phá trong giáo dục. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo nhiều trường.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Cao đẳng Quảng Ngãi, dạy học trực tuyến không phải chỉ là đối phó với dịch Covid-19 mà còn là chiến dịch lâu dài đối với nhà trường trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Mặc dù hiện nay còn một số quan điểm cho rằng dạy học trực tuyến chi phí đào tạo thấp khiến chất lượng không cao như trực tiếp tuy nhiên lãnh đạo Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An khẳng định mô hình, phương thức và cách thức tổ chức đầy đủ chức năng thậm chí có cả công cụ đánh giá thì chi phí không hề thấp và khi đó chất lượng sẽ bằng, thậm chí còn cao hơn dạy truyền thống.
“Và quan trọng nhất là khi triển khai dạy học trực tuyến là chúng ta có thể chia sẻ học liệu với nhau”, vị này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cô Trần Kim Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Y Dược ASEAN cho rằng, hiện nay nhà trường đã và đang triển khai hình thức học online tuy nhiên đối với ngành y- dược đòi hỏi 50% lý thuyết, 50% thực hành thì hiện nay nhà trường gặp khó khăn khi chưa thể dạy, hướng dẫn thực hành được.
Cùng chung nỗi niềm này nên lãnh đạo Đại học Công nghệ Đồng Nai đã tính đến việc triển khai dạy thực hành thông qua công nghệ ảo ở phòng 3D, 4D. Vị này hi vọng các trường có nhu cầu dạy thực hành thì có thể cùng tham gia với nhà trường.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các trường, thầy Lê Trung Nghĩa – Trưởng Ban Tư vấn và Phát triển giáo dục mở thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh: ‘Dịch Covid-19 là cơ hội cho giáo dục đi sâu vào dạy online, E-learing và giáo dục mở.
Tuy nhiên nếu mỗi trường đều tự tạo nguồn tài nguyên bài giảng từ đầu đến cuối thì sẽ rất tốn kém công sức, thời gian, chi phí do đó các trường nên chia sẻ với nhau để dùng chung”.