Con đường truyền đạt kiến thức “ngoài học đường” hay truyền thụ khuyếch tán

Ngày 07/10/2021

Vào thập niên 1930, nhiều cuộc điều tra nhân chủng học đã được triển khai trên khắp thế giới nhằm chứng minh cho nhận định rằng không có một xã hội loài người nào, kể cả những xã hội cổ xưa nhất, chấp nhận giao phó hoàn toàn cho Thiên Nhiên việc chăm sóc và đào tạo các thế hệ tương lai của nó. Những kết luận được xác lập kể từ thời kỳ đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị: giáo dục trước hết là nhằm truyền tải văn hóa, hiểu theo nghĩa nhân học là tổng thể tri thức, kỹ năng, bí quyết, phong tục, tín ngưỡng, niềm tin truyền thống và mọi thiên chức đã được tích lũy.

Sự chuyển giao văn hóa thông qua giáo dục, trên thực tế, được thực hành từ rất sớm trong xã hội loài người, thông qua mọi ngả đường mà cuộc sống trong xã hội đã tạo ra. Trong đó, các hình thức giáo dục học đường chỉ là một con đường và không nắm giữ toàn bộ những phương pháp truyền thụ kiến thức mà con người có thể có được.
Truyền thụ khuếch tán
Trong mọi xã hội, một phần quan trọng những hiểu biết và kỹ năng cần thiết được người học tiếp nhận mà không cần thông qua vai trò trung gian của người thầy (được chỉ định). Một ví dụ điển hình: cách mỗi chúng ta học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Dạng truyền thụ kiến thức kiểu này, không đòi hỏi một mối quan hệ sư phạm chuyên biệt, thường được gọi là sự truyền thụ khuếch tán, truyền thụ ngẫu nhiên hay truyền thụ thẩm thấu. Xuất hiện từ thời kỳ của những người nguyên thủy, nó vẫn tiếp tục vận hành mạnh mẽ trong cuộc sống hiện đại; và không chỉ bó hẹp trong khung cảnh gia đình mà xuất hiện ở bất kỳ đâu trong cuộc sống hằng ngày.
Truyền thụ kiến thức khuếch tán mang một đặc trưng rõ nét: khung cảnh truyền thụ và các tác nhân truyền thụ không được ấn định trước. Không quy định trước về thời gian và địa điểm diễn ra hoạt động truyền thụ, không có những định lượng cứng nhắc về khối lượng kiến thức và vai trò được chỉ định của những người đứng ra truyền thụ – nó diễn ra trong những tình huống cụ thể: trong quá trình lao động, những buổi dạo chơi, những lúc chuyện phiếm, trong các lễ hội.
Dù khởi đầu hoàn toàn tự nhiên, việc truyền thụ kiến thức vẫn luôn có sự chăm chút của người truyền thụ, đó là cha mẹ, bạn bè, hàng xóm – họ dành nhiều nhiệt tình và nỗ lực để truyền thụ những “kiến thức nhỏ lẻ” nhưng lại rất cần thiết trong cuộc sống.
Trong một số khung cảnh cụ thể, người ta nhận thấy kiểu truyền thụ này đặc biệt có hiệu quả đối với một số dạng kiến thức và kỹ năng. Ở các bộ tộc Nahuas hay Maya của Mexico, rất nhiều kiến thức tự nhiên và kinh tế liên quan đến nông nghiệp được truyền bá trong cộng đồng dân cư của làng, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay địa vị xã hội của người dạy và người học. Ngày nay, việc mỗi cá nhân tự bồi dưỡng kiến thức thông qua việc tìm kiếm học hỏi trên mạng internet cũng là một ví dụ cho thấy tính hiệu quả của phương pháp truyền thụ khuếch tán. Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng phương pháp truyền thụ này, tận dụng các “ngách phát triển”, càng cần được khuyến khích, nhất là trong bối cảnh mà các tập đoàn kinh tế, các khuynh hướng chính trị và tôn giáo đủ loại đang tìm cách tận dụng sức mạnh của truyền thông, quảng cáo, mạng xã hội và các thiết bị công nghệ để tìm cách “ đào tạo”, lôi kéo giới trẻ đi theo những cách sống, trở thành mẫu người mà họ mong muốn.
Khi nào không cần thầy?
Tại sao trong vấn đề truyền thụ kiến thức, có lúc chúng ta cần tới một người thầy hay một người hướng dẫn, nhưng có lúc thì lại không cần đến họ? Vấn đề này hiển nhiên đòi hỏi phải có những nghiên cứu sâu sắc hơn, nhưng điều đầu tiên dễ nhận thấy là nhu cầu cần tới một người thầy hay không chủ yếu phụ thuộc vào những đặc trưng nội tại của dạng kiến thức hay kỹ năng đó.
Một cách giải thích khác, nghiêng về khía cạnh xã hội học nhiều hơn, đó là nếu dạng kiến thức và kỹ năng ấy đã tồn tại khá phổ biến trong đa số các thành viên của nhóm xã hội đó thì việc truyền thụ lại cho những thành viên khác hầu như không cần tới một người thầy. Nhưng nếu hiểu biết ấy hiếm hoi, chỉ có được ở một số ít các thành viên tinh hoa thì sự truyền thụ kiến thức mang tính sư phạm cao với vai trò đặc biệt của một người thầy là không thể thiếu.
Các tổ chức sư phạm nằm ngoài hệ thống nhà trường “chính thống” thường được tổ chức theo những cách khác nhau. Như chúng ta thường quan sát thấy: cũng có những khóa học được được sắp xếp thành một hệ thống, có nghi thức khai giảng, có những hoạt động thanh tra, những kỳ thi để cấp chứng chỉ.
Một số hoạt động sư phạm khác (trại hè, dã ngoại, học nghề thủ công, lớp đào tạo kỹ năng mềm, lớp xóa mù chữ ở vùng cao, giáo dục thiện nguyện trong các vùng chiến tranh hoặc thiên tai…) không có những cấu trúc được ấn định trước như vậy nhưng vẫn luôn có những hướng dẫn khá rõ ràng về các các hoạt động giáo dục và truyền thụ kiến thức. Có hay không có một tổ chức hữu hình, các hoạt động giáo dục vẫn thực sự đang diễn ra ở đây. Với những mô hình này, thường sẽ có ba phương án để lựa chọn: 1/ Học theo cách thử và sai. Theo phương án này, người học sẽ bị đặt vào tình thế đối diện với một khó khăn cụ thể và phải tự mình tìm ra phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ. 2/ Học theo khuôn mẫu: người hướng dẫn vạch ra các bước và nêu ra một chuỗi các nhiệm vụ liên tiếp để người học không bị mắc lỗi. 3/ Học kiểu “ lắp dàn giáo”: người học phải đối mặt với một tập hợp các nhiệm vụ phức tạp, họ phải xây dựng một cấu trúc tổng thể để giải quyết vấn đề với sự tương tác và trợ giúp của người hướng dẫn. Sự trợ giúp đó sẽ tránh cho người học phạm phải những sai lầm và từng bước tiến tới hoàn thành công việc.
Cần phải nhắc tới vai trò hiện nay của ngôn ngữ trong việc truyền thụ kiến thức. Như chúng ta đã chứng kiến, ngôn ngữ trong các nhà trường đang chiếm địa vị thống trị, có một sức mạnh áp đảo. Hơn 90% lượng kiến thức được truyền tải thông qua những bài giảng, tức là thông qua ngôn ngữ. Khuynh hướng này cũng đang dần áp đảo trong lĩnh vực dạy nghề. Ở hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, người ta bắt đầu bài giảng với các thuật ngữ kỹ thuật, chẳng hạn, về lịch sử của ngành dệt thủ công và học sinh hoàn toàn không có sự tiếp xúc và thao tác nghề nghiệp nào. Sự thống trị của ngôn ngữ trong trường học hiện nay được thể hiện thông qua danh mục các từ vựng, văn cảnh mô tả về các thủ tục (thuật toán hóa), nguyên tắc phân loại, quy tắc sản xuất…; người học hầu như chỉ được tiếp cận gián tiếp với thực tế thông qua sự mô tả trung gian bằng ngôn ngữ trình bày trong các cuốn giáo trình. Điều này hoàn toàn trái ngược với những kinh nghiệm mà nhiều cộng đồng dân cư đã tích lũy được trong lịch sử tồn tại của mình. Ví dụ ở châu Phi, người học sẽ học cách dệt vải trước đã, những giảng giải bằng ngôn ngữ được thực hiện ở những bước sau. Trong khi đó, người Nahuas ở Mexico cho rằng bằng cách thực sự tập trung và chăm chú quan sát, những người trẻ sẽ học được nhiều điều hơn so với việc lắng nghe người thầy giải thích. Tương tự, người châu Phi cho rằng một học sinh sẽ giỏi giang nếu dành trái tim cho những gì mình học. Thái độ ham học cùng khả năng tập trung chú ý và nhạy bén quan sát được đặt cao hơn trí thông minh hay những khả năng thiên phú. Những quan niệm này được củng cố vững chắc thông qua những nền văn hóa bản địa. Theo khoa học phát triển
Tài liệu tham khảo:
1. Claude Lévi-Strauss, La Pensée Sauvage (Tư duy hoang dã), NXB Plon, 1962.
2. Mead Margaret, Continuities in Cultural Evolution (Tính liên tục trong Tiến hóa Văn hóa), NXB Transaction Publishing, 1999
3. P. Greenfield & J.Lave, Aspects cognitifs de l’éducation non scolaire ( Khía cạnh nhận thức của giáo dục ngoài nhà trường), tạp chí Nghiên cứu Giáo dục và Văn hóa, 8 (44), tr 16-35.
4. Tanon, F. 1996, “Découpage du savoir, apprentissage et transfert de connaissances” (Chia nhỏ kiến thức, học hỏi và chuyển giao kiến thức), Techniques et culture, 28, tr 65-82.
Ban TT&SV