Cô gái xứ Quảng bỏ phố về quê giành giải nhất ý tưởng khởi nghiệp
(Ảnh giới thiệu sản phẩm của công ty chị Nga với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ tại ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam năm 2021)
Chấp nhận bỏ lại đam mê, bỏ lại công việc ổn định sau lưng, cô gái xứ Quảng về quê khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân và giúp đỡ người nghèo
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành quyết định về việc công nhận và công bố ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021.
Trong đó, ý tưởng “Gạo lứt rẫy Bh.Nong – Bay xa hương rừng xứ Quảng” của tác giả Võ Thị Minh Nga – Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Phương Nga (huyện Hiệp Đức) đoạt giải nhất.
Chị Nga được biết đến là một cô gái cá tính, giàu nghị lực. Những việc làm của chị không chỉ vì bản thân mà luôn hướng về những người yếu thế.
Về quê giúp mình, giúp đời
Sinh ra trong gia đình thuần nông đông anh chị em, từ nhỏ, ba mẹ rót vào tai chị Nga rằng chỉ có con đường đại học (ĐH) mới mong đổi đời. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học – Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP HCM, chị Nga có công việc ổn định tại một cơ quan báo chí ở TP HCM, đủ để nuôi bản thân, lo cho cô em út học ĐH và gửi tiền về quê giúp ba mẹ trả nợ, làm nhà.
Thời gian làm báo, tiếp xúc với nhiều mảnh đời tha hương tại TP HCM, Nga thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân xa quê lên phố. Ý định về quê khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương để giúp đỡ người dân thoát nghèo nung nấu trong lòng chị. Năm 2016, chị Nga quyết định gác lại đam mê làm báo, trở về quê khởi nghiệp, thiết kế lại cuộc sống sau 10 năm bôn ba nơi chốn thị thành.
Mặc cho gia đình, họ hàng kịch liệt phản đối, Minh Nga chọn cho mình lẽ sống riêng mà chị cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Với cô gái đầy lòng trắc ẩn ấy, chỉ gia đình mình thoát nghèo là chưa đủ, Nga muốn đổi đời cho bản thân và những người dân quê mình. Chị trấn an ba mẹ rồi lao vào làm việc.
Thay vì váy đầm rực rỡ, má phấn môi son đi dự họp báo, ra mắt phim, phỏng vấn các nghệ sĩ nổi tiếng, Minh Nga trở thành cô gái quê mùa gầy gò, đen nhẻm vì đối diện với khó khăn, vất vả. Nhiều lúc cô đơn không biết chia sẻ với ai, Nga lặng lẽ tìm một góc khuất, giọt lệ buồn cứ thế tuôn rơi. Dù vậy, chị chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Những khó khăn phải đối diện như càng làm cô gái ấy mạnh mẽ hơn. Để rồi, cuối cùng cơ hội cũng đến.
Thường xuyên đi thiện nguyện, đến với người dân ở các bản làng xa xôi, cô gái trẻ nhận ra đồng bào Bh.nong ở các huyện miền núi xứ Quảng quý hạt gạo như quý chính cuộc sống của họ.
Chị Nga nhận ra gạo lứt có thể là cái thị trường đang cần vì nó giàu chất dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon mà không có bất kỳ thành phần hóa học nào. Chị mạnh dạn đầu tư, bắt tay vào sản xuất, lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm và được thị trường đón nhận tích cực.
Từ một cái xưởng nhỏ, Minh Nga thành lập, phát triển công ty với cơ ngơi ngày càng rộng lớn nơi huyện nghèo Hiệp Đức. Thương hiệu “Cô gái Bh.nong” dần vươn mình và có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.
Sau 5 năm về quê, Minh Nga giờ đã có cuộc sống giàu có hơn, yên bình hơn, tự do hơn và đặc biệt ba mẹ chị đã vui vẻ trở lại, tự hào về cô con gái cưng của mình. Hiện nay, thương hiệu gạo lứt rẫy Bh.nong có hơn 10 dòng sản phẩm như trà, bột gạo lứt, sản phẩm ăn liền. Sản phẩm công ty chị Nga có mặt trên các sàn điện tử, hơn 100 đại lý, nhà phân phối trên toàn quốc, nhất là các TP lớn như TP HCM, Hà Nội, một số sản phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài.
Sẻ chia với người nghèo khó
Giữ nguyên lời hứa với lòng, không phải khi công ty ăn nên làm ra, có thu nhập khá chị Nga mới nghĩ đến người nghèo. Xuyên suốt 5 năm về quê, những bước đi của Minh Nga gắn với hành trình thiện nguyện không biết mệt mỏi.
Khi còn khó khăn, chị tận dụng các mối quan hệ của mình để kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, phối hợp với địa phương tổ chức các chương trình hướng về người nghèo. Khi công ty ngày càng lớn mạnh, mỗi năm, chị trích 15 – 20% lợi nhuận giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp các em nhỏ mồ côi được đến trường, xây nhà cho các cụ già không nơi nương tựa, hỗ trợ xây dựng các công trình cộng đồng…
“Tôi luôn tâm niệm trong cuộc sống này mình hãy yêu thương nhau nhiều hơn, học cách cho đi để có tâm thái an nhiên, vui vẻ. Vì thế, tôi không thấy mệt mỏi trong những chuyến đi từ thiện nơi bản làng xa xôi. Tôi hi vọng sẽ có nhiều người cùng đồng hành với mình trong những chương trình thiện nguyện vì cộng đồng” – chị Nga chia sẻ.
Hiện nay, công ty chị Nga tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Hãy làm cái thị trường cần
Từ kinh nghiệm bản thân từng thất bại khi mới khởi nghiệp, chị Nga khuyên các bạn trẻ hãy làm thứ thị trường cần chứ đừng làm cái mình thích. Theo chị Nga, hiện nay Quảng Nam cũng như các địa phương khác đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nên sẽ rất thuận lợi.
“Tôi may mắn khi khởi nghiệp vào thời điểm cộng đồng khởi nghiệp xứ Quảng phát triển mạnh mẽ với rất nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước, nên được hỗ trợ rất nhiều, trước là vốn, sau là cơ chế chính sách. Có thể nói rằng, Chương trình OCOP (Mỗi xã mỗi sản phẩm) đã giúp tôi đặt những viên gạch đầu tiên trong việc sản xuất bài bản” – chị Nga tâm sự.
Ban TT&SV