Chưa xóa được cơ chế bộ chủ quản thì đừng vội chuyển qua tự chủ – TS. Lê Viết Khuyến

Ngày 12/12/2021

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở tất cả các trường đại học công lập mà cần phải có lộ trình cụ thể, không nóng vội.

Nhiều trường đại học, kể cả không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ, còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ. Từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn triển khai cơ chế Hội đồng trường, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch phụ trách Nội dung Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ khuyến nghị cho bài toán tự chủ đại học hiện nay.

Cần có lộ trình thực hiện tự chủ với các trường đại học công lập

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, triển khai tự chủ đại học và xây dựng hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo 10 định hướng cụ thể.

Thứ nhất, chưa nên thực hiện tự chủ đại học đồng thời ở tất cả các trường đại học công lập mà cần phải có lộ trình cụ thể, không nóng vội. Qua một số cuộc điều tra gần đây có thể thấy nhiều trường đại học, kể cả không ít trường đại học lớn và đã làm thí điểm tự chủ, còn chưa sẵn sàng tự nguyện chuyển qua cơ chế tự chủ. Do đó trước mắt cần chia các trường đại học công lập thành 3 nhóm : trường tự chủ, trường bán tự chủ và trường chưa tự chủ.

Thứ hai, quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho một tập thể lãnh đạo có trí tuệ (tức Hội đồng trường), không thể trao cho cá nhân Hiệu trưởng. Trường hợp ngược lại, Hiệu trưởng rất dễ trở thành nhà độc tài. Chỉ các trường đại học công lập tự chủ hoặc bán tự chủ mới thực sự cần có Hội đồng trường.

Ngoài ra Hội đồng trường chỉ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường khi nó đại diện thực sự cho cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ đại diện cho tập thể các thành viên của nhà trường theo cơ chế sở hữu tập thể của trường đại học dân lập kiểu cũ), lại càng không phải là tổ chức tư vấn của Hiệu trưởng.

Thứ ba, Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ 3 điều kiện.

Một là, đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm giải trình của mình. Để giúp các trường tự đánh giá năng lực của mình Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành bộ chuẩn giáo dục đại học (Điều 68 Luật 34/2018/QH14).

Hai là, đã được giải phóng khỏi cơ chế cơ quan/bộ chủ quản. Cơ quan chủ quản phải tự nguyện từ bỏ vai trò độc quyền chỉ đạo và quản lý trực tiếp của mình (theo định chế có cấu trúc kiểu tập quyền) đối với cơ sở giáo dục đại học. Nếu còn chưa xóa bỏ được cơ chế này thì kiên quyết không vội chuyển trường qua cơ chế tự chủ.

Ba là cơ cấu thành viên của Hội đồng trường nên hướng tới thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu (xem Phụ lục). Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường phải chiếm tỷ lệ cao (khoảng trên 50%). Ngoài ra để đảm bảo cho Hội đồng luôn có được sự khách quan, các thành viên ngoài trường không nên hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hoặc lương của nhà trường. Không hạn chế tuổi tác của thành viên Hội đồng trường.

Thứ tư, Nhà nước không cắt ngân sách của các trường đại học tự chủ mà trái lại cần tăng cường hỗ trợ ngân sách cho những trường triển khai thành công chủ trương tự chủ đại học,xem đó như là những nơi xứng đáng được Nhà nước tập trung đầu tư để nâng nhanh chất lượng của những trường này lên , giúp các trường sớm trở thành trường trọng điểm quốc gia.

Thứ năm, quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở Cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng, sang Hội đồng trường. Mà quyền lực thường luôn là điều ham muốn của mọi người. Vì vậy, nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ và có bước đi thích hợp thì khó lòng mà thực hiện tự chủ đại học.

Trước hết phải phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và của Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu. Về vấn đề này nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ cũng như theo định hướng tại Nghị quyết TW 19: “…Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng : hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường…”.Để khẳng định nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng, như Nghị quyết 19 đã chỉ đạo, Bí thư Đảng ủy nhất thiết phải là người có uy tín cao nhất trong trường để xứng đáng kiêm chức Chủ tịch Hội đồng trường. Trong vai trò đó Chủ tịch Hội đồng trường có trách nhiệm quán triệt và thuyết phục các thành viên Hội đồng trường để đưa những nghị quyết quan trọng của Đảng ủy sớm đi vào cuộc sống thông qua sự chuyển hóa thành các Nghị quyết của Hội đồng trường.

Thứ sáu, Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường và Hiệu trưởng đã được quy định khá rõ tại Luật Giáo dục đại học 2018 (Điều 16 và Điều 20). Theo đó Hội đồng trường làm chức năng quản trị còn Hiệu trưởng làm chức năng quản lý nhà trường. Hội đồng trường đại diện cho quyền quyết định đường lối chiến lược của trường đại học. Hiệu trưởng đại diện cho quyền điều hành công việc hàng ngày của viện đại học. Hội đồng trường đại diện cho chủ sở hữu trước pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn của các nghị quyết do mình đưa ra.Trong khi đó Hiệu trưởng đại diện cho nhà trường trước pháp luật, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong điều hành hoạt động của nhà trường cũng như trước Hội đồng trường (chứ không phải trước từng thành viên Hội đồng trường, kể cả Chủ tịch Hội đồng trường) trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường.

Không nên đặt vấn đề giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, ai to quyền hơn ai. Theo Giáo sư Phạm Phụ, quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp, ngang hàng để hỗ trợ nhau, không có chuyện “ai trên ai”. Chính giải quyết hợp lý mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của quản trị trường đại học cũng như đảm bảo quyền tự chủ đại học

Thứ bảy, Cơ cấu và nhân sự của Hội đồng trường ban đầu không nên do tập thể lãnh đạo trường và cơ quan chủ quản đề xuất/quyết định (như trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật) mà nên được chỉ định bởi một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Chính phủ đối với các đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính quyền địa phương được phân cấp quản lý đối với các trường đại học, học viện) dựa trên đề xuất (bằng nghị quyết) của Đảng ủy trường.

Thứ tám, để bảo đảm Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học công lập tự chủ và đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của cộng đồng xã hội đối với nhà trường thành phần của hội đồng trường ở các trường công lập nên được xác lập như sau:

Đối với các trường đại học tự chủ :Hội đồng trường bao gồm các thành viên trong trường (đại diện Đảng ủy, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giảng viên và cán bộ quản lý ) và các thành viên ngoài trường ( đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, các cựu lãnh đạo Đảng và nhà nước có uy tín, các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, các doanh nhân tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm, các cựu sinh viên thành đạt,…). Để bảo đảm tính khách quan của các quyết nghị của Hội đồng trường (không bị chi phối bởi các lợi ích cục bộ) thành phần ngoài trường phải chiếm đa số.

Đối với các trường đại học bán tự chủ : Hội đồng trường vẫn bao gồm các thành viên với thành phần như ở các trường đại học tự chủ nhưng tỉ lệ thành viên đại diện cho cơ quan quản lý trực tiếp (chủ quản) ban đầu có thể tương đối cao. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường (nếu có) chỉ được thực hiện qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường.

Thứ chín, có một điều rất trớ trêu đặt ra cho các nhà làm luật ở Việt Nam: Đó là trong thực trạng hiện tại, Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) do quá cấp tiến nên đã không dành chỗ đứng cho các trường đại học chưa tự chủ, mà số trường loại này còn rất nhiều; trong khi khái niệm trường được tự chủ lại chưa được tính đến ở nhiều luật khác. Do đó cần phải có một hệ thống các văn bản pháp lý nhất quán phù hợp với xu hướng trao quyền tự chủ cho các trường.

Tuy nhiên để có được sự đồng bộ của các văn bản pháp luật ngay lập tức thì khó; bởi vậy muốn thực hiện thuận lợi trao quyền tự chủ cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành một Nghị định riêng áp dụng cho các trường đại học tự chủ. Vấn đề này đã được nhắc đến ở Nghị định 16 cũng như ở các Nghị quyết 89 và 35 của Chính Phủ nhưng cho tới nay một nghị định như vậy vẫn chưa thấy đâu.

Thứ mười, cần xóa bỏ cơ quan chủ quản hay xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản để ngăn chặn tệ nạn quản lý kiểu “xin-cho”, tạo điều kiện cho trường đại học trưởng thành nhưng không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của tổ chức Đảng. Bỏ nơi sản sinh ra các “giấy phép con” chứ không xóa đi cơ chế cấp “giấy phép lớn”. Bỏ đi nguyên tắc đó nhà trường sẽ rơi vào tình trạng “vô chính phủ”.

Tách bạch rõ hai loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận và không vì lợi nhuận

Đối với trường đại học tư thục, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Nhà nước cần phải tách bạch rõ hơn hai loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận kèm theo các định chế về tổ chức và tài chính, đồng thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi chuyển loại hình, chứ không nên xem trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận chỉ là một dạng đặc biệt của trường đại học tư thục (như quan niệm hiện tại ở Luật 34/2018/QH14). Ngoài ra cũng cần phân biệt rõ các khái niệm nhà đầu tư và người góp vốn.

Đối với trường đại học tư thục hoạt động có lợi nhuận, quy chế về tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục một thời gian dài chỉ áp dụng được đối với loại trường tư thục hoạt động có lợi nhuận.

Ở loại trường này Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất trong nhà trường; các cổ đông ( tức là người góp vốn) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền được can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường; còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng.

Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành. Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra (nếu có), giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần (như đang xảy ra tại một số trường đại học tư thục hiện nay).

Về cơ bản, đối với trường vì lợi nhuận có thể giữ hầu hết những gì đã ban hành trong các quy chế tổ chức, hoạt động trường đại học tư thục trước đây và chỉ loại bỏ đi những gì không phù hợp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên (hoặc công ty cổ phần) được quy định ở Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần lưu ý Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP cho nhà đầu tư có quyền lực quá lớn, thậm chí có thể dễ dàng vô hiệu hóa Hội đồng trường; đó là điều bất cập. Lẽ ra, quyền lực của các nhà đầu tư chỉ nên giới hạn qua ý kiến và lá phiếu của các đại diện của mình trong Hội đồng trường khi ra các nghị quyết.

Đối với trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, những quy định cho loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, mặc dù đã được ban hành tại Điều lệ trường đại học hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh tiếp với các định hướng như sau:

Phải làm rõ khái niệm cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí hoạt động chủ yếu bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước; được chuyển giao cho các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội quản trị.

Đại hội toàn trường là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đối với trường dân lập kiểu cũ (sở hữu tập thể). Trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Đại hội toàn trường, nếu được thành lập, chỉ được xem như một tổ chức tham vấn rộng rãi, giống như ở các trường đại học công lập.

Hội đồng trường là tổ chức quản trị, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường, là đại diện duy nhất cho chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu đã chấp nhận trao quyền đại diện cho cộng đồng xã hội, trong đó có cả các nhà đầu tư, người góp vốn.

Hội đồng trường không can thiệp trực tiếp vào công việc điều hành hằng ngày của Ban giám hiệu nhà trường. Thành phần của Hội đồng trường cũng giống như Hội đồng trường của các trường đại học công lập tự chủ, nhưng có thêm đại diện của các nhà đầu tư. Với tính chất và cơ cấu hội đồng như vậy, trên thực tế có sự tiếp cận rất gần giữa trường công lập tự chủ và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Các thành viên góp vốn được cộng đồng vinh danh, được cử đại diện vào hội đồng trường, được hưởng lãi suất không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ ( nhưng ở đây không nên gọi là lãi suất mà nên gọi là tiền thưởng cho những người có công xây dựng trường ban đầu) và được ưu tiên bảo toàn vốn góp. Việc Điều 7 Luật 34/2018/QH14 quy định nhà đầu tư của cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi dụng không được hưởng lợi tức là không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có thể dẫn tới hậu quả là không biết đến bao giờ Việt Nam mới có được loại hình trường rất quan trọng này.

Phạm Minh

Ban TT&SV