Cần chú ý làm sao để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”! – PGS. TS Trần Xuân Nhĩ

Ngày 17/09/2021

Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam:

Chúng ta cần nâng cao vai trò của người thầy, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, đồng thời phải có chính sách chăm lo đời sống giáo viên để họ toàn tâm, toàn ý với công việc, đảm bảo những yêu cầu về đổi mới hiện nay.

Chúng ta cần có một lộ trình cụ thể, cách thức triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 có nhiều thay đổi quan trọng liên quan trực tiếp tới đội ngũ giáo viên. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Vì vậy, theo PGS. Trần Xuân Nhĩ: Việc nâng cao trình độ của giáo viên là vô cùng cần thiết, rất đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta cần có một lộ trình cụ thể, cách thức triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Câu hỏi đặt ra là: Đơn vị nào sẽ nhận nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đội ngũ giáo viên đó để thực hiện đúng với Luật Giáo dục đã đề ra?

Đa số giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở thuộc nhóm này đều do các trường cao đẳng sư phạm đào tạo. Các trường cao đẳng sư phạm đều có bề dày lịch sử từ 50 – 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển cần được nâng cấp để theo kịp xu thế phát triển và tiếp tục nhiệm vụ nâng cao trình độ cho những giáo viên mà họ đã đào tạo trước đây.

Trong câu chuyện này, có nhiều ý kiến cho rằng phải giao nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên cho các trường đại học sư phạm. Tôi cho rằng đây là quan điểm sai lầm, vì các trường đại học sư phạm không phải là cơ sở mà chuyên môn đào tạo đội ngũ giáo viên đang cần nâng chuẩn hiện nay; chưa có kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ này, mà chỉ mạnh về đào tạo giáo viên trung học phổ thông và các trường dạy nghề.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương cần nghiên cứu và giao nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên (cụ thể giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cần nâng chuẩn) cho các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở đào tạo giáo viên ở các trường đại học địa phương.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm, cho phép các trường cao đẳng sư phạm liên kết với các trường đại học để thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên đủ chuẩn theo luật quy định.

Làm được điều này, chúng ta sẽ vừa nâng cao được chất lượng của đội ngũ giáo viên theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã nêu ra, đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục, vừa giải quyết được vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ hiện nay.

Bên cạnh đó chúng ta có thể giữ lại và khai thác được năng lực của các trường cao đẳng sư phạm, các khoa sư phạm của các trường đại học địa phương mà tiền thân nó là các trường cao đẳng sư phạm – những đơn vị có bề dày lịch sử, kinh nghiệm và sự cống hiến cho ngành giáo dục trong mấy chục năm qua.

Các trường cao đẳng sư phạm sẽ vẫn thực hiện vai trò, sứ mệnh, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực sư phạm cho địa phương mình.

Nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành sư phạm cần có sự phân cấp rõ ràng:

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Chúng ta phải trả lời được những câu hỏi: Ai là người đặt hàng đào tạo giáo viên và đặt hàng cho ai? Số lượng đặt hàng là bao nhiêu và đơn vị nào nhận đơn đặt hàng đó?

Nhiệm vụ đào tạo nhân lực ngành sư phạm của 63 tỉnh thành không thể chỉ giao cho các trường đại học sư phạm, chúng ta cần có sự phân cấp rõ ràng, các trường đại học sư phạm sẽ chuyên đào tạo giáo viên bậc trung học phổ thông, giáo viên trường dạy nghề, và đào tạo cán bộ nòng cốt có trình độ cao. Còn các trường cao đẳng sư phạm sẽ có nhiệm vụ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học.

Hiện nay, vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ chủ yếu xảy ra với bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Đội ngũ này đang phân cấp cho chính quyền địa phương, nên chính quyền địa phương phải là người đặt hàng, chính quyền địa phương phải biết được tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở địa phương mình như thế nào để đặt hàng. Địa phương sẽ đặt hàng cho những cơ sở đào tạo mình có lâu nay.

Các trường cao đẳng sư phạm hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thì cho phép họ được liên kết với các trường đại học sư phạm và đại học khác để nhận đặt hàng từ địa phương, để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nâng cấp lên trình độ đại học theo đúng luật.

Điều này cũng giúp điều tiết tốt quy mô, số lượng đào tạo sư phạm tại các trường đại học. Đảm bảo được số lượng sinh viên thì mới đạt được yêu cầu chất lượng đào tạo. Đặc biệt, đào tạo sư phạm chính là đào tạo con người, để “mỗi thầy giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo”, chúng ta không thể làm đại trà mà phải chú ý về số lượng.

Xoay quanh câu chuyện đặt hàng đào tạo giáo viên, cần phải có sự tính toán khoa học, chặt chẽ, đơn vị đặt hàng cũng có trách nhiệm sử dụng sản phẩm mình đã đặt hàng.

“ Đặt hàng đào tạo giáo viên” giải quyết triệt để tình trạng chỗ thừa cứ thừa, chỗ thiếu cứ thiếu…”

Nghiên cứu khảo sát nguồn nhân lực tổng thể quốc gia, trong đó có nhân lực giáo viên, tính toán nhu cầu của từng địa phương và biến động để có lộ trình.

Trước đây, chúng ta lập kế hoạch tập trung, kế hoạch tập trung thì sẽ không thể sâu sát. Bây giờ bên cạnh tính toán nguồn nhân lực tổng thể của quốc gia thì chúng ta còn giao cho các địa phương dự tính và đăng ký theo nhu cầu của họ, điều này sẽ đảm bảo tính xác thực cao hơn.

Cụ thể, các địa phương sẽ phải dự tính số lượng đặt hàng trên các cơ sở như mức độ phát triển của ngành giáo dục; cơ sở vật chất; số lượng trường, lớp tại địa phương; số lượng trẻ em theo từng độ tuổi,… để biết được số lượng giáo viên bao nhiêu đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của địa phương mình trong từng giai đoạn cụ thể.

Rõ ràng, địa phương là nơi mà người ta nắm được tình hình sát sao nhất, họ dự tính được nghĩa là họ đặt hàng có cơ sở và có sự tính toán cụ thể, xác thực nhất.

Cần tiếp tục quan tâm và chăm lo đời sống của giáo viên, khi “nỗi lo cơm áo gạo tiền” không còn canh cánh trong lòng nữa thì dồn tâm sức trọn vẹn cho sự nghiệp đổi mới giáo dục

Nhấn mạnh đến vai trò của người lãnh đạo, quản lý của một cơ sở giáo dục. Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ: Một ngôi trường phát triển hay tụt hậu phần nhiều là do người quản lý, người đứng đầu ngôi trường đó.

Thực tế có những cơ sở giáo dục đã từng rất phát triển nhưng khi lãnh đạo được điều động nhận nhiệm vụ ở một đơn vị khác thì ngôi trường đó bị giảm sút về chất lượng.

Học sinh, sinh viên là trung tâm bởi ngành giáo dục đào tạo con người, nhưng động lực cho giáo dục phát triển chính là giáo viên và cao hơn là cán bộ quản lý. Không có lãnh đạo giỏi, thực sự tâm huyết thì ngôi trường rất khó phát triển toàn diện và đi lên.

Tôi đã từng đến thăm một số nước khu vực Đông Nam Á, họ rất coi trọng đến chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục nhưng ở nước ta vấn đề này chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Muốn nâng cao trình độ của những người làm công tác quản lý giáo dục thì phải đảm bảo chất lượng của những đơn vị, cơ sở đào tạo người quản lý, giáo viên dạy ở trường quản lý cũng phải là những người giỏi.

Bàn về vai trò của người thầy, chúng ta phải chú ý làm sao để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”!

Ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm và chăm lo đời sống của giáo viên. Chỉ khi đồng lương đủ nuôi sống bản thân và lo được cho con cái thì người thầy mới có thể toàn tâm, toàn ý với công tác giáo dục. Ở các nước có nền giáo dục phát triển đang làm tốt điều này.

Hiện nay, nhiều giáo viên vẫn phải canh cánh nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, sẽ rất khó để họ dành trọn vẹn tâm sức cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Ban TT&SV