Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự đóng góp của Hiệp hội
Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh: Kim Chi)
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong Hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động từ đó đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành liên quan, để có được “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Ngày 17/12, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, nhiệm kỳ II. Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự hội nghị và có một vài chia sẻ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhất trí cao với những nội dung trong báo cáo mà Hiệp hội đã chuẩn bị. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đánh giá sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của các trường đại học, cao đẳng vào các hoạt động của Hiệp hội.
“Những chủ đề, nội dung mà Hiệp hội đã triển khai trong thời gian qua, định hướng trong thời gian tới rất đúng và trúng tình hình thực tiễn. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự đóng góp của Hiệp hội thông qua việc tổ chức tọa đàm, hội thảo để nói lên tiếng nói chung của các cơ sở giáo dục đại học về những vấn đề cấp thiết giai đoạn hiện nay cũng như giai đoạn tới để kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Bộ, Chính phủ”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá.
Ngoài những chủ đề mà Hiệp hội thường xuyên đề cập, thảo luận như quản trị đại học, cơ chế bộ chủ quản, vai trò thực quyền của Hội đồng trường… thì Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn có đề xuất thêm 2 nội dung mong thời gian tới Hiệp hội cho ý kiến.
Thứ nhất, đó là mối quan hệ giữa Ban giám hiệu – Đảng ủy – Hội đồng trường. Thứ trưởng Sơn mong thông qua các hội thảo, tọa đàm, Hiệp hội không chỉ làm rõ vai trò thực quyền của Hội đồng trường mà còn làm rõ về vị trí, chức năng, ranh giới, phân chia quyền lực giữa Ban giám hiệu– Hội đồng trường cũng như vai trò của chủ tịch Hội đồng trường trong Hội đồng trường như thế nào.
Bởi lẽ, thời gian có 2 thái cực khác nhau về việc thực hiện Hội đồng trường, có nơi thì Hội đồng trường chưa được thực quyền do có thể xuất phát từ nhận thức, cách làm việc truyền thống từ trước đến nay nhưng cũng có nơi Hội đồng trường can thiệp sâu vào hoạt động của Ban giám hiệu – Hiệu trưởng.
Hai thái cực này đều gây nên sự bất ổn trong một số cơ sở giáo dục đại học trong công tác quản lý nhân sự.
“Tự chủ đại học là nhà nước trao thực quyền, trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học. Khi tăng thêm quyền thì sẽ dẫn tới vấn đề phân chia quyền lực, chia sẻ trách nhiệm cũng như kiểm soát quyền lực giữa Hiệu trưởng – Hội đồng trường. Tuy nhiên nếu có những việc vượt quá thẩm quyền của Hội đồng trường thì ai sẽ kiểm soát….Bộ Giáo dục và Đào tạo rất mong thông qua Hiệp hội để các trường cùng tham gia vào làm rõ việc này”, Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Thứ hai, về nguồn lực tài chính. Hiện nay nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục đại học đến từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các trường như đất đai, thuế…; còn về phía người học thời gian qua nhiều trường đại học quan niệm cho rằng tự chủ là tự túc, có nơi quan niệm tự chủ là giảm gánh nặng ngân sách nhà nước – điều này không đúng. Bởi trong Luật ghi rõ trách nhiệm nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, chỉ là chuyển cơ chế tài chính từ chi thường xuyên sang nhiệm vụ chi đầu tư nên người học chia sẻ với cơ cấu thu chi của trường đại học….
Cần làm rõ vai trò giữa quan hệ đó thế nào, nên huy động từ các nguồn nào….nguồn lực tài chính là vấn đề căn cốt, nếu không được tháo gỡ, nhà nước không đầu tư thích đáng cách để hỗ trợ thì các trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ.
Chưa kể, ngân sách chi cho giáo dục đại học, cao đẳng chỉ chiếm 0,33% GDP – con số này rất thấp so với khu vực, thế giới. Điều này cho thấy dù có nỗ lực đến mấy hệ thống cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể tiến bước cùng các nước trong khu vực và thế giới.
Nhìn từ thực tiễn những khó khăn này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn mong Hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động từ đó có ý kiến đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành liên quan, để có được “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.