Hiệp hội làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu
GDVN -Sáng ngày 22/10/2024, Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu đã đến thăm và làm việc tại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tiếp đón đoàn, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có sự tham dự của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga – Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội cùng cán bộ, nhân viên Văn phòng Hiệp hội.
Về phía đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu có sự tham gia của ông Hon. Samson SAMSEN – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Yan AMOS – Quyền Giám đốc Hành chính – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Trần Nam Trung – Tổng Lãnh sự Vanuatu tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng chuyên viên Bộ Ngoại giao, chuyên viên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Doãn Nhàn).
Phát biểu chào mừng, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ niềm vui khi được tiếp đón và làm việc cùng đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu. Qua buổi trao đổi, Hiệp hội cũng mong muốn sẽ đưa ra được những góp ý, giải pháp để góp phần đẩy nhanh sự hợp tác về giáo dục toàn diện và chặt chẽ giữa Việt Nam and Cộng hòa Vanuatu.
Giới thiệu về vai trò và quyền hạn của Hiệp hội với đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ, trước khi thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội đã có một quá trình hoạt động gần 10 năm với tên gọi “Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập Việt Nam”. Đến nay, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thành lập được 10 năm với thành viên đa phần là các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (bao gồm cả trường đại học công lập và trường đại học ngoài công lập) cùng một số trường cao đẳng, trung cấp.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (bên trái) phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Doãn Nhàn).
Hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp với hai sứ mệnh quan trọng. Thứ nhất, làm cầu nối giữa những cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học để làm sao cho những chủ trương, chính sách về giáo dục có thể đến nhanh nhất với các cơ sở đào tạo. Thứ hai, Hiệp hội thực hiện vai trò phản biện những chính sách về giáo dục để tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc điều chỉnh những chính sách sao cho phù hợp hơn với thực tế.
Thông tin thêm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, Chính phủ Việt Nam có thành lập một Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo và Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là một trong những thành viên thuộc Ủy ban này.
Có thể thấy rằng, bức tranh giáo dục của Việt Nam có sự thay đổi lớn với sự đóng góp từ lãnh đạo tiền nhiệm và đương nhiệm của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Hon. Samson SAMSEN – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu cho hay, sự kết nối của Việt Nam và Cộng hòa Vanuatu đã khởi nguồn từ năm 1921. Có thể nói, cộng đồng người Việt Nam đã góp phần xây dựng và phát triển quốc gia này.
Với sự kết nối từ lâu trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu tin rằng môi trường giáo dục của Việt Nam sẽ phù hợp với cơ hội phát triển cho sinh viên Cộng hòa Vanuatu đồng thời là cơ hội để hợp tác phát triển nền giáo dục của 2 quốc gia.
Ông Hon. Samson SAMSEN – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu (bên phải) chia sẻ tại buổi làm việc (Ảnh: Doãn Nhàn).
Theo ông Hon. Samson SAMSEN, từ trước đến nay đã có một số người Cộng hòa Vanuatu sang Việt Nam du học và quay trở về nước. Tuy nhiên, số lượng này còn hạn chế, chỉ dừng lại ở việc du học tự túc. Chính vì vậy, Cộng hòa Vanuatu mong muốn có sự hợp tác giữa 2 quốc gia để tạo được nhiều cơ hội du học cũng như học bổng cho sinh viên Vanuatu tại Việt Nam.
Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu mong rằng sự kết nối lần này là cơ hội để tăng cường mối quan hệ hợp tác đồng thời thúc đẩy các chương trình giáo dục và nghiên cứu mang tính bền vững.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ sự mong muốn của Vanuatu, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến mong rằng sẽ có thêm những buổi chia sẻ cụ thể hơn về hệ thống giáo dục của Vanuatu để từ đó có những trao đổi, tiếp cận dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng đưa ra một số góp ý, lời khuyên để hệ thống giáo dục giáo dục của Cộng hòa Vanuatu ngày càng phát triển hơn nữa. Theo đó, quan điểm của Hiệp hội từ trước đến nay là bằng mọi cách, giáo dục phải phát triển và phải chấp nhận phát triển ngay cả trong điều kiện còn hạn chế. Đặc biệt, phải đưa ra những giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế của quốc gia và lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Cộng hòa Vanuatu tại buổi làm việc với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Ảnh: Doãn Nhàn).
Kết thúc buổi làm việc, hai bên chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Doãn Nhàn).
Tường San