8 góp ý của Hiệp hội với dự thảo đề án đào tạo nhân lực phát triển công nghệ cao
GDVN -Đề án phải bám sát để giải quyết nhu cầu nhân lực của các ngành công nghệ cao trong nước, phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là CNH-HĐH đất nước.
Sau khi nhận được công văn số 4950/BGDĐT-GDĐH ký ngày 4/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới 2045” (Đề án), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra một số góp ý.
Thứ nhất, Đề án đã đưa ra khá nhiều mục tiêu cũng như nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn nhưng chưa làm rõ tác động của các giải pháp này tới (và để đạt được) các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đơn cử như các giải pháp về “hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo” hay “hoàn thiện và triển khai các phương thức đào tạo”, nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống giảng viên sẽ tác động trực tiếp và ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng đào tạo, tới các mục tiêu cụ thể của Đề án. Những giải pháp phải được áp dụng linh hoạt, trong các trường hợp cụ thể, với năng lực khác nhau của các trường khối khoa học, kỹ thuật và công nghệ, với các chuyên ngành khác nhau.
Hơn nữa, phải có nghiên cứu, đánh giá tác động của các giải pháp cho các ngành (hoặc nhóm ngành) cụ thể, dựa trên năng lực thực tế của hệ thống mới chứng minh được tính hiệu quả của các giải pháp này. Không chung chung, hình thức.
Thứ hai, Đề án khá dài với 241 trang. Tuy nhiên, phần Mở đầu, Căn cứ xây dựng Đề án và Phụ lục chiếm phần lớn Đề án. Nội dung chính của Đề án lại chỉ vẻn vẹn hơn 20 trang (từ trang 62- trang 85), trong đó phần Mục tiêu chiếm 5 trang, phần Nhiệm vụ và Giải pháp có 10 trang; phần Đánh giá tính khả thi của Đề án, hiệu quả kinh tế và tác động xã hội chỉ có 2 trang, sơ sài và chưa nhiều dữ liệu chứng minh.
Do đó, cần bổ sung nhiều và làm sâu sắc thêm phần quan trọng này, thậm chí nên đánh giá lại theo hướng cụ thể hơn, bổ sung dữ liệu và các nghiên cứu, chứng minh hiệu quả và tính khả thi của Đề án.
Thứ ba, mặc dù kinh phí thực hiện Đề án khá lớn với 20.000 tỷ đồng, trong đó 16.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước) nhưng lại thiếu các đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí này. Điều này có thể dẫn tới lãng phí.
Hơn nữa, có phần trùng lặp rất lớn với kinh phí thực hiện “Đề án phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn” nhưng Đề án không nêu rõ giải quyết vấn đề này như thế nào khi cả hai Đề án đều có khoản chi không nhỏ cho cùng một mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI, Internet vạn vật IoT, công nghệ chuỗi block chain và chuyển đổi số (đây cũng mục tiêu cơ bản của cả hai Đề án này với khoản chi lớn).
Chính vì vậy, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ vấn đề này của Đề án. Phần nào trùng lặp của hai Đề án cần phải tách riêng, không được sử dụng hai lần ngân sách cho cùng một nhiệm vụ, kể cả mục tiêu, nhiệm vụ và kinh phí tổ chức thực hiện cũng phải tách riêng để tránh lãng phí. Và nếu không thay đổi, chắc chắn Đề án sẽ không được thông qua.
Thứ tư, ngoài nhiệm vụ, cần bổ sung và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị tổ chức thực hiện, của các bộ, ban, ngành tham gia trong Đề án. Trong đó có cả tham gia của các bên trong kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của Đề án; trách nhiệm của Ban soạn thảo Đề án và người đứng đầu cũng như các đơn vị tham gia đến đâu trong tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Nhất là trong trường hợp Đề án không đạt được mục tiêu và hiệu quả đề ra.
Thứ năm, Hiệp hội đề nghị bổ sung, làm rõ các tiêu chí đánh giá đào tạo chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao trong Đề án.
Hiện nay, chúng ta đã có các chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao PFIEV, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo về công nghệ cao (chưa kể tới chương trình đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn có yếu tố AI và IoT…). Vậy câu hỏi đặt ra, Đề án này tăng cường chất lượng cao so với các Đề án và chương trình khác cụ thể như thế nào, khác nhau ở điểm nào và ưu việt hơn như thế nào?
Do đó, nên có nghiên cứu đánh giá, làm rõ, tránh trùng lặp và chồng chéo. Hơn nữa, điều này còn liên quan tới công tác tổng kết, đánh giá hiệu quả đạt được của Đề án sau này, so với các dự án khác về đào tạo nhân lực.
Thứ sáu, phần Phụ lục của Đề án quá dài, nhiều phần Phụ lục chỉ có tác dụng như tài liệu tham khảo.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ban soạn thảo tổng kết các tài liệu này, sắp xếp các thông tin theo logic, có trật tự, ngắn gọn, đủ và súc tích để chứng minh cho những luận điểm, kết luận, cũng như dẫn chứng số liệu liên quan trong Đề án. Các thông tin ít hoặc không liên quan nên lược bỏ, tránh tình trạng Đề án trình bày quá dài, lan man mà nội dung chính lại thiếu.
Thứ bảy, Danh mục ngành đào tạo trọng điểm phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ then chốt trong Đề án là chưa đạt yêu cầu vì rất chung chung và sơ sài.
Cụ thể, thông tin về các chuyên ngành đào tạo không có hoặc không rõ, thông tin các ngành công nghệ cao cũng rất chung, về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, hay công nghệ bán dẫn. Thông tin mô tả vai trò của các ngành đào tạo trọng điểm đối với phát triển các lĩnh vực công nghệ cao then chốt cũng rất hình thức, sơ sài tới mức không cần thiết. Trong khi đó, nhóm các ngành này vào chung lại không thấy được trọng điểm, không thấy được công nghệ ưu tiên của các ngành.
Đơn cử, nhóm ngành Khoa học vật chất với các chuyên ngành (gộp lại theo Đề án) – Vật lý chất rắn – Quang học – Hóa học – Khoa học vật liệu – Vật liệu điện tử – Công nghệ bán dẫn… là không thể xác định được chuyên ngành công nghệ gì cần ưu tiên cho đào tạo. Đáng nói, mỗi ngành này (theo Đề án) gồm hàng chục chuyên ngành khác nhau, với hàng chục công nghệ, chương trình đào tạo và kiến thức khác nhau.
Bên cạnh đó, sự ưu tiên và trọng điểm, cần thiết (phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ thực tế) cũng khác nhau. Nếu gộp lại như vậy, theo Đề án, dễ dẫn đến đầu tư dàn trải, thậm chí tùy tiện, kết quả là chất lượng đào tạo sẽ không cao, mục tiêu của Đề án sẽ không đạt được. Vậy nên, Hiệp hội đề nghị, không chỉ bổ sung mà phải làm rõ và cụ thể hóa các ngành đào tạo trọng điểm trong Đề án.
Thứ tám, STEM là thuật ngữ rất chung cho Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán, cần hết sức thận trọng khi áp dụng các khái niệm này cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ cao, trong điều kiện phát triển của Việt Nam.
Do vậy, chúng ta không nên máy móc áp dụng mô hình, chương trình và cả thời lượng của STEM từ các nước phát triển vì năng lực và nhiệm vụ của hệ thống giáo dục đại học của chúng ta và họ khác nhau.
Theo Hiệp hội, Đề án cần bám sát để giải quyết nhu cầu nhân lực của các ngành công nghệ cao trong nước, phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về công nghệ và thị trường nhân lực chất lượng cao trên thế giới và trong khu vực.