‘Tăng tốc’ khởi nghiệp cho sinh viên
GD&TĐ – Tạo môi trường sáng tạo và “tăng tốc” khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ sớm là cách được nhiều trường đại học triển khai. Đây được coi là nền móng giúp các em nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về công việc này; từ đó bảo đảm khởi nghiệp đi vào chiều sâu, lâu dài và liên tục.
“Bệ đỡ” cho sinh viên
Ít ai biết rằng, ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Novaedu đã thực hiện ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2. Với suy nghĩ họ làm được thì mình làm được, hơn thế, ông đã quyết định thành lập công ty để hiện thực hóa ý tưởng và quan trọng hơn hết là vượt qua nghèo khó. “Tuy nhiên, tôi đã thất bại ở lần khởi nghiệp này nhưng đổi lại, bản thân có nhiều bài học quý”, ông Hùng bộc bạch.
Theo ông Hùng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại là ở thời điểm đó “thiếu người chỉ đường dẫn lối”. Ông tự mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu để khởi nghiệp. Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp và hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong trường đại học cũng chưa phát triển như hiện nay nên thiếu “bệ đỡ” để phát triển ý tưởng. Do đó, việc các trường đại học tạo môi trường sáng tạo và “gia tốc” khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ năm đầu tiên là cần thiết.
Mới đây, Nguyễn Minh Tuấn – sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học VinUni (Hà Nội) nhận được tài trợ của một trong những hệ sinh thái tốt nhất thế giới – NEAR Foundation (quỹ phi lợi nhuận về blockchain có trụ sở tại Thụy Sĩ) và Filecoin Foundation (tổ chức độc lập quản lý mạng lưới đồng Filecoin).
Số tiền tài trợ lên đến gần 2,3 tỷ đồng để thực hiện dự án phát triển nền tảng số ứng dụng công nghệ blockchain, nhằm xác thực thông tin cá nhân. Tuấn đặt mục tiêu thành lập công ty tại Singapore vào tháng 9 tới, gọi vốn 2 triệu USD cho vòng đầu tiên và định giá doanh nghiệp khoảng 20 triệu USD.
Trao học bổng khởi nghiệp cũng là hình thức hỗ trợ sinh viên, để các em phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. TS Phí Thị Linh Giang – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni – cho hay:
VinUni đặt tinh thần khởi nghiệp là vấn đề cốt lõi và là một trong những trụ cột chính của giáo dục đại học. Điều này được thể hiện rõ trong chương trình đào tạo cũng như chiến lược hỗ trợ sinh viên.
Theo đó, từ năm đầu tiên vào trường, dù học bất cứ chuyên ngành nào, sinh viên cũng được “gieo” tinh thần và tư duy khởi nghiệp qua môn học bắt buộc về đổi mới sáng tạo. Đây cũng là chương trình giáo dục khởi nghiệp chung và được thiết kế bởi Đại học Cornell – tốp 20 đại học hàng đầu thế giới.
Sinh viên chỉ cần có ý tưởng sẽ được Trung tâm Khởi nghiệp VinUni hỗ trợ. Những dự án chất lượng, có tính khả thi cao được nhà trường đưa vào chương trình “ươm tạo” kéo dài 3 tháng và hỗ trợ 2 nghìn USD để có thể triển khai. Những dự án triển vọng có thể tiếp tục được đầu tư lên tới 10 nghìn USD.
Gắn tự chủ với hỗ trợ khởi nghiệp
“Tại VinUni, Trung tâm Khởi nghiệp sẽ đồng hành cùng sinh viên trong suốt 4 năm, thậm chí tiếp tục hỗ trợ sau khi các em ra trường. Về lâu dài, các cựu sinh viên có thể quay trở lại giúp đỡ sinh viên khóa sau để hình thành cộng đồng lớn và tạo vòng tuần hoàn khởi nghiệp” – TS Linh Giang chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Tạo môi trường sáng tạo và “gia tốc” khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ sớm cũng là cách đào tạo đang được nhiều đại học hàng đầu thế giới triển khai.
Từ năm 2013, Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia chương trình Khởi nghiệp quốc gia do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. TS Vũ Ngọc Huyên – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nhìn nhận: Từ bệ phóng của chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp, hàng trăm dự án của sinh viên được hiện thực hóa thành công tại các công ty, hợp tác xã… Hàng nghìn sinh viên được tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (đoàn TP Hà Nội), Việt Nam cần có chính sách đột phá phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và cần tăng cường khởi nghiệp cho sinh viên. Khởi nghiệp khó không phải là thiếu nguồn vốn tài chính, mà là thiếu kiến thức và năng lực. Đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp; từ đó bảo đảm khởi nghiệp đi vào chiều sâu, lâu dài và liên tục.
Nhấn mạnh, các trường đại học cần gắn tự chủ với hỗ trợ khởi nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan viện dẫn: Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khu khởi nghiệp được xây dựng trên diện tích trước đây bị các hộ dân cư bên ngoài biến thành “bãi rác” bất đắc dĩ. Để hỗ trợ sinh viên, Học viện đã tổ chức các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.
Theo đó, hồ sơ của sinh viên có ý tưởng tốt sẽ được Học viện lựa chọn, ưu tiên tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất tại Khu khởi nghiệp để trực tiếp tổ chức kinh doanh các mặt hàng – dịch vụ phục vụ cho người học trong Học viện. Cũng từ thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sinh viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, chương trình Khởi nghiệp quốc gia không thể mang tính phong trào, mà cần có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, nguồn lực lớn nhất của sinh viên khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, chất xám, độc quyền. Cái các em cần là “cơ hội” để biến ước mơ thành hiện thực. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội để cọ xát với những người cùng đam mê, doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. Một khi ý tưởng lọt vào “tầm ngắm” của các nhà đầu tư, thì cơ hội thành công của các em sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung vào tìm nguồn vốn.