Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Kịp thời phát hiện vụ việc nhanh nhất, xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất, hỗ trợ tốt nhất đối với trẻ bị bạo hành,
Xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” là lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em”- Đó là một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu ra tại Phiên giải trình tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Tư pháp và Uỷ ban Xã hội tổ chức tại Nhà Quốc hội vào sáng 22/2…
Phát biểu mở đầu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong những năm qua việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng chống bạo lực đối với trẻ em được quan tâm hơn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc xử lý tin báo tố giác về các hành vi vi phạm pháp luật và các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với các trẻ em có nguy cơ bị bạo lực và bị bạo lực được chú trọng. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời và nghiêm minh. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp, …
“Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua gây tổn thất nặng nề. Việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đi kèm với áp lực kinh tế, đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em” – Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Số vụ bạo lực xâm hại trẻ em giảm nhưng tính chất và mức độ phức tạp hơn, đau lòng hơn
Nêu vấn đề, thời gian vừa qua có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng về bạo hành trẻ em xảy ra, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đây không chỉ là vụ việc mang tính đơn lẻ mà trở thành một vấn đề xã hội được dư luận hết sức quan tâm.
Giải đáp vấn đề này Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong năm 2021, tổng số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em qua báo cáo và tiếp nhận có giảm 1.6%. Tuy nhiên, tính chất và mức độ phức tạp hơn, đặc biệt là những ngày cuối năm 2021 xảy ra một số vụ đau lòng, khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
Về pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em, Bộ trưởng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em tương đối đầy đủ, toàn diện. Các tổ chức quốc tế về lĩnh vực này đều đánh giá cao việc kịp thời ban hành pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em của Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đã và đang đi vào cuộc sống. Sau sự giám sát tối cao của Quốc hội, sự phối hợp giữa các cơ quan trong bảo vệ trẻ em đã tốt hơn, nhịp nhàng hơn. Gần đây, việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em cũng đã nhanh chóng và kiên quyết hơn.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, trong dịp Tết vừa qua, sự việc khiến ông đau lòng nhất đó là tình trạng bạo lực đối với trẻ em. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho khối tư pháp cùng Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan trong thời gian tới sẽ tổ chức một số hoạt động chuyên đề xung quanh vấn đề phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng nêu rõ, hiện nay đạo đức xã hội xuống cấp ở một nhóm bộ phận xã hội; xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn; đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên thế giới, trong đó vấn đề thực hiện quyền trẻ em là một trong số nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ bạo lực đối với trẻ em. “Tất cả các vụ việc vừa qua đều bắt nguồn từ xung đột gia đình mà người lớn không tìm cách xử lý được dẫn đến hành động bất bình thường” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Để hoàn thiện quy định pháp luật về lĩnh vực này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, cần quan tâm, báo cáo đầy đủ quy định pháp luật nào đang thiếu, cần phải bổ sung, hoàn thiện. Đồng thời, đối với Luật phòng, chống bạo lực gia đình cần phải xác định phòng chống bạo lực trẻ em là một chủ thể thực sự, là một đối tượng bị tác động cùng với nữ giới.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cũng cần tập trung, tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục phối hợp với các cơ quan tư pháp xử lý nhanh, kịp thời tất cả các vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra. Trong đó, lưu ý kịp thời phát hiện vụ việc nhanh nhất, xử lý nhanh nhất, xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ tốt nhất đối với trẻ bị bạo hành,
Chưa bao giờ lực lượng làm công tác trẻ em ít và mỏng như hiện nay
Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh về lực lượng công tác chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Có lẽ chưa bao giờ lực lượng làm công tác trẻ em ít và mỏng như hiện nay. Đội ngũ làm chuyên trách ở cơ quan cấp nhà nước chỉ có Cục trẻ em với vài ba chục người, làm đủ thứ việc. Ở tỉnh có Phòng trẻ em nhưng chỉ có vài ba người, huyện thì không có, còn ở cấp xã cũng không có lực lượng chuyên trách về trẻ em”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, do “bí người quá” nên vừa qua các địa phương đã thành lập tổ công tác trẻ em, hội đồng công tác trẻ em, do một lãnh đạo địa phương quản lý.
Làm rõ vấn đề tăng biên chế làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đây là việc khó vì liên quan đến các quy định về biên chế. Theo Bộ trưởng, cách làm phù hợp trong điều kiện hiện nay là tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, cùng đó là giao trách nhiệm cho một cơ quan chủ trì và quy trách nhiệm cho người đứng đầu…
Quan tâm đến tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ việc bạo lực đối với trẻ em cũng như trách nhiệm, công tác phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH với các cơ quan có liên quan, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đề nghị Bộ trưởng cần chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bạo lực gia đình tăng lên nhanh chóng, trong đó đối tượng chịu tác động nặng nề chính là trẻ em và phụ nữ. Khẳng định nguyên nhân sâu xa của các vụ việc đau lòng thời gian vừa qua bắt nguồn từ xung đột trong quan hệ hôn nhân, việc người trong cuộc không có kỹ năng giải quyết những trục trặc, mẫu thuẫn hôn nhân. Đi cùng với đó, họ không biết điều chỉnh trạng thái tâm lý, không làm chủ được hành vi dẫn đến những hành động rất tàn bạo, đau lòng đối với trẻ, ….
Ngoài ra, tồn tại một nguyên nhân sâu xa là môi trường xã hội chưa thực sự an toàn. Trong xã hội còn đang xem nhẹ hành vi bạo lực gia đình và thái độ thờ ơ “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” là lỗ hổng, thúc đẩy gia tăng bạo lực trẻ em.
Về công tác phối hợp, theo tinh thần Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Chính phủ về công tác bảo vệ trẻ em, thời gian gần đây, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực, chủ động hơn và đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, đặc biệt là các đia phương, 05 cơ quan được giao phối hợp thực hiện vấn đề này đã có Chương trình hoạt động cụ thể hơn.
Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, tới đây, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đảm bảo công tác phối hợp được thực hiện hiệu quả, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Kết luận Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên họp này đã được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Một số vấn đề khác chưa kịp giải sẽ được tổng hợp gửi các cơ quan để tiếp tục trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội. Sau phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan xây dựng Báo cáo tổng thuật toàn bộ kết quả của phiên giải trình, gửi tới các cơ quan hữu quan cũng như gửi đến các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội vào Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV.