Tuyển sinh đại học năm 2022: Tự chủ, đa dạng cách xét tuyển
Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm học bạ THPT tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM (hình chụp tháng 4-2021)
Thực hiện Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển.
Điểm mới nhất của năm 2022 là nhiều trường đã bổ sung thêm các phương thức xét tuyển mới, kết hợp đánh giá năng lực của thí sinh như: công tác xã hội, hoạt động xã hội, năng khiếu… nhằm tuyển chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Không phụ thuộc vào điểm số
Thay vì dựa hoàn toàn vào điểm thi, năm 2022, một số trường đại học (ĐH) lớn bổ sung thêm các tiêu chí về hoạt động xã hội, văn thể mỹ, năng khiếu, phỏng vấn… để tuyển sinh. Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu tốt, thể hiện công tác tuyển sinh của các trường ngày càng đổi mới, đa đạng và tự chủ cao.
Nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố bổ sung thêm các phương thức tuyển sinh mới trong năm 2022. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa quyết định đưa phương thức xét tuyển kết hợp cho tất cả các ngành. Các kỹ thuật chi tiết của phương thức xét tuyển mới này sẽ được công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường.
Nguyên lý chung là thí sinh phải chuẩn bị tốt nhất các kiến thức và kỹ năng mình đang có, tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (đương nhiên) và kỳ thi đánh giá năng lực (khuyến khích tối đa, trừ bất khả kháng) để minh chứng về năng lực học tập, chuẩn bị và trình các minh chứng về năng lực văn thể mỹ và đóng góp xã hội (nếu có). Các trường hợp đặc biệt xuất sắc riêng từng lĩnh vực sẽ được hội đồng tuyển sinh của trường xem xét tuyển thẳng.
Trường ĐH Công nghệ thông tin lần đầu tiên áp dụng phương thức xét tuyển thẳng dành cho thí sinh tài năng thể thao. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn bổ sung phương thức mới: ưu tiên xét tuyển thí sinh là thành viên thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao… (tối đa là 5% chỉ tiêu).
Năm 2022, bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ diễn ra trong 270 phút, bao gồm 3 phần với nội dung bắt buộc, tự chọn một và tự chọn hai. Ở phần thi bắt buộc, thí sinh sẽ dự thi môn Toán (90 phút) và Đọc hiểu (30 phút). Trong đó, phần Đọc hiểu được nhà trường thông báo sẽ có từ 3-4 bài luận thuộc chủ đề kỹ thuật công nghệ với 35-40 câu hỏi trắc nghiệm, chiếm 5 điểm trong bài thi đánh giá tư duy. Ở môn thi Toán, thí sinh sẽ phải trả lời 25 câu hỏi trắc nghiệm và tối đa 3 câu hỏi tự luận.
Xu thế tất yếu
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã không đáp ứng được nhu cầu tuyển sinh ĐH khi tính phân loại không cao. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, phương thức tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả các kỳ thi (điểm số) chưa khuyến khích cá nhân xuất sắc, đa dạng ứng tuyển vào các ngành, trường có tính cạnh tranh cao.
Với định hướng nâng cao tính quốc tế hóa, thực hiện tầm nhìn và triết lý đào tạo “khai phóng – tiên phong – sáng tạo”, các trường đã và đang xây dựng, vận hành chương trình đào tạo tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, đồng thời xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tiên tiến. Như vậy, việc tuyển sinh cần phải được đổi mới theo hướng định vị thí sinh xuất sắc trong các lĩnh vực.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng, lâu nay xét tuyển dựa trên điểm số là một phương thức đúng nhưng chưa đủ. Điểm số thể hiện qua một kỳ thi và đã là kỳ thi thì có thể có “may rủi” nên chưa thể hiện hết năng lực của thí sinh, cũng như chưa giúp cho các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh. Hiện nay, một số trường đưa ra các phương thức xét tuyển mới, chắc chắn không ngoài mục đích hỗ trợ cho thí sinh có thêm kênh để xét tuyển, đạt được ước mơ vào học đúng ngành, trường mà mình mong muốn.
Các trường cũng thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển, giảm áp lực lên kỳ thi và lựa chọn được sinh viên phù hợp, đảm bảo chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo xu thế hội nhập và tự chủ ĐH, việc đổi mới công tác tuyển sinh là tất yếu để tiến tới tiệm cận với phương thức xét tuyển ở các nước tiên tiến.
Theo các chuyên gia giáo dục, khi đưa ra các phương án tuyển sinh mới thì các trường phải có sự tính toán, cân nhắc rất kỹ. Do đó, sự công khai minh bạch các tiêu chí và kết hợp các tiêu chí sao cho khoa học để đảm bảo sự phù hợp về nghề nghiệp ở từng ngành nghề. Làm được điều này sẽ không còn tình trạng “ngồi nhầm chỗ”, tránh tình trạng trao tấm bằng mà không trao được cái nghề cho người học.
TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM), nhìn nhận, lẽ ra phải thay đổi cách thức tuyển sinh sớm hơn, bởi thực tế hiện nay nghề nghiệp đa dạng, giữa các ngành nghề có sự giao thoa với những yêu cầu kiến thức, kỹ năng và phẩm chất khác với xưa kia nhiều. Xã hội thay đổi không có lý do gì tiêu chí tuyển sinh không thay đổi. Những tài năng về thể thao, nghệ thuật… thì “tuổi vàng son” với nghề không dài, vì vậy chuẩn bị thêm một ngành nghề khác cho tương lai vẫn tốt hơn và đây cũng chính là chính sách tốt, bền vững cho họ.
THANH HÙNG
Ban TT&SV