Bàn về các chính sách đột phá đối với khoa học và công nghệ
Sáng 11/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Hội nghị nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các tổ chức dẫn đầu về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trao đổi, chia sẻ và đề xuất những giải pháp góp phần phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ tổ quốc.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.
Do đó, Hội nghị sẽ thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường khoa học, công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hội nghị cũng là nơi chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành; là nơi tập hợp nguồn lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước.
Tại Hội nghị các nhà khoa học đã có kiến nghị để phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực. PGS, TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho biết, để phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều vấn đề lý luận cơ bản và thực tiễn về sự phát triển của đất nước cần tiếp tục được làm sáng tỏ, cần có những câu trả lời thoả đáng từ những người làm công tác khoa học xã hội nói chung, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng.
Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội.
Đại diện Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy, cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ. Đổi mới sáng tạo có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu. Cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các viện nghiên cứu và trường đại học lớn. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.
Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đó là xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của các sản phẩm mới, công nghệ mới. Thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế. Chưa có các mô hình tổ chức khoa học, công nghệ mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt. Cần triển khai thí điểm mô hình hợp tác doanh nghiệp-nhà khoa học-Nhà nước, từ đó hình thành vườn ươm, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, chú trọng nhiều đến sản phẩm tài sản sở hữu trí tuệ theo mô hình hợp tác doanh nghiệp.
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, theo đại diện của Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự-hợp tác-tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”. Đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh. Tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành làm chủ công nghệ nền. Định hướng phát triển liên kết đại học-doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế…
Đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để cùng giải quyết các vấn đề bất cập, nổi cộm, quan trọng của ngành, đất nước, cũng như các vấn đề quốc tế, khu vực có mối quan tâm chung, đó là, cùng thực hiện một nhiệm vụ lớn tạo sản phẩm quốc gia, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về tiềm lực khoa học, công nghệ; nhân lực khoa học, công nghệ trong các lĩnh vực, hệ thống phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ tiềm năng; thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối nghiên cứu và doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài đổi mới sáng tạo, thí điểm về khoán chi khoa học, công nghệ đến sản phẩm cuối cùng….
Cũng tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập và tư nhân; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa….
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị, cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước.
Tại Hội nghị, các cơ quan tham dự đã ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung.
(Theo Báo ĐT Nhân dân)
Ban TT&SV